Thay mặt Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, nhà thơ, nhà viết kịch Thế Lữ trao giải thưởng chính thức cho tác phẩm "Mưa rừng" của tác giả Minh Phương
Già làng của giới văn nghệ Bình Trị Thiên
Tôi quen Trương Minh Phương những năm 1983 - 1987 khi ông là Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá Thông tin Bình Trị Thiên. Khi ấy, tôi là Trưởng đoàn kiêm chỉ đạo Nghệ thuật Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng Phú Khánh, trên đường vào ra biểu diễn xuyên Việt thường hay ghé biểu diễn tại Trung tâm Văn hoá Thông tin Bình Trị Thiên, nơi hồi đó là nhà biểu diễn lớn nhất miền Trung với hơn 1200 chỗ ngồi.
Là một nhạc sĩ, Minh Phương rất thích các chương trình của Đoàn chúng tôi, ông thường đưa các nhạc sĩ Trần Hữu Pháp, Lê Anh đến chơi, đàm đạo cùng chúng tôi. Ông cũng đã giao hai ca khúc tâm đắc của ông là “Chiều Trường Sơn” và “Nghe đàn đá Khánh Sơn” cho Hải Đăng dàn dựng, biểu diễn và trở thành hai tiết mục có sức sống lâu bền của Đoàn. Phần tôi, tôi rất tự hào về ông anh đồng hương Bình Định của mình, người nhạc sĩ tài năng, khiêm nhường, lúc nào nụ cười cũng nở trên môi, lúc đó chỉ mới hơn 50 tuổi đã được nhiều bạn bè tôi quen biết ở Huế trân trọng gọi là “Già làng của giới văn nghệ Bình Trị Thiên”.
Tôi được biết, tuy quê gốc ở Phù Mỹ, Bình Định, sinh ra ở Đà Lạt, nhưng số phận đã gắn Minh Phương với “Bình Trị Thiên khói lửa” từ năm 1946, khi 15 tuổi, lúc là đội viên trẻ nhất Đội tuyên truyền lưu động Trung bộ. Trong kháng chiến chống Pháp ông là thiếu sinh quân ở Liên khu 4, Trưởng toán Tuyên truyền xung phong Quảng Bình, rồi Phó Đoàn Văn công phát động quần chúng Quảng Bình. Năm 1951, năm 20 tuổi, Minh Phương đã có ca khúc “Mùa về ta giữ” rất được yêu thích những năm cuối kháng chiến chống Pháp ở Quảng Bình, báo hiệu sự xuất hiện một tài năng âm nhạc mới. Sau kháng chiến chống Pháp, Minh Phương tiếp tục ở lại công tác văn hoá văn nghệ ở Liên khu 4 và Quảng Bình.
Trong thời gian này, Minh Phương đã trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng ở đây với rất nhiều ca khúc ca ngợi nhân dân, đất nước, Đảng, Bác Hồ, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Trong đó, đáng chú ý nhất là ca khúc “Nhắn Cuội đêm trăng” được Giải Nhì giải thưởng của Hội Văn nghệ Liên khu 4, ca khúc “Đắp lại đường xưa” được Giải Nhì cuộc thi ca khúc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Đài Tiếng Nói Việt Nam tổ chức (1955), rồi “Tổ khúc sông Gianh”, Huy chương Vàng, ca cảnh “Chuyến xe đêm”, Huy chương Bạc cùng trong Hội diễn ca múa nhạc Toàn quốc năm 1972.
Nhạc sĩ Minh Phương và bà Nguyễn Thị Minh Tấn - người bạn đời đã tạo cho tác giả nhiều thành công trong tác phẩm
Không những nổi tiếng trong sáng tác âm nhạc, chính tại mảnh đất Quảng Bình, Minh Phương bất đầu nổi tiếng là một nhà viết kịch dồi dào năng lực sáng tạo với hàng loạt kịch bản sân khấu ông sáng tác cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp cũng như phong trào nghệ thuật quần chúng tiêu biểu là các tác phẩm “Một lòng”: giải thưởng của Vụ Nghệ thuật Sân khấu năm1959, “Lòng tin”: giải thưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu năm 1963) và “Mưa rừng”, giải Ba, Giải thưởng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 1971.
Tháng 3.1975, từ Quảng Bình, Minh Phương là một trong số những văn nghệ sĩ đầu tiên của miền Bắc được cử vào chi viện Thừa Thiên Huế, ngay khi tỉnh anh em này vừa được giải phóng. Và tháng 12.1975, khi Bình Trị Thiên sáp nhập, Minh Phương chính thức nhận công tác Phó phòng Văn nghệ rồi Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên, có đóng góp lớn vào việc xây dựng phong trào văn hoá văn nghệ của mảnh đất Bình Trị Thiên thân yêu. Minh Phương tiếp tục cho ra đời rất nhiều tác phẩm âm nhạc và kịch bản sân khấu trong đó nổi bật là các ca khúc được nhiều người yêu thích như “Chiều Trường Sơn”, “Đêm rừng già”, “Người K’Ho xuống núi”, “Lời ru của rừng”, “Nhớ rừng”, “Nhớ biển”, “Huyền thoại Mimosa”, “Chim én bay xa”…và các tác phẩm sân khấu “Gió rừng”, “Huyền thoại về rừng”, “Cây đời thêm xanh”, “Ngược chiều”, “Ánh mắt rừng xanh”, “Giám đốc chịu chơi”...
Gắn bó sâu xa lâu dài với mảnh đát Bình Trị Thiên, tài năng, trí tuệ, quảng giao, lại khiêm nhường, chí tình chí nghĩa, công bằng trong ứng xử với đồng nghiệp, từ những năm 1980, Minh Phương đã là một tiếng nói rất uy tín trong những người hoạt động văn hoá văn nghệ ở đây và danh hiệu “Già làng của giới văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên” do các thế hệ đồng nghiệp ở đây phong tặng cho Minh Phương thực sự là một vinh danh cho ông trên mảnh đất cố đố dày đặc văn nghệ sĩ hàng đầu đất nước hội tụ.
Khối di sản nghệ thuật đồ sộ, hấp dẫn
Tuy có một thời gian quen biết Minh Phương, hiểu được phần nào sự đa tài đa năng của ông, tôi vẫn bàng hoàng khi cầm trên tay tập sách “Rừng hát”, tuyển tập các tác phẩm của Minh Phương, khổ 19x27cm, với hơn 1300 trang do Nhà xuất bản Văn học xuất bản đầu năm 2015.
Có lẽ không nhiều tác giả nước ta có thể để lại khối di sản nghệ thuật đa diện, đồ sộ như Minh Phương. Chi trong tập sách “Rừng hát” đã tập hợp được 128 ca khúc, 80 kịch bản sân khấu và âm nhạc, 6 công trình nghiên cứu về dân ca dân nhạc các dân tộc của nhạc sĩ, nhà viết kịch Minh Phương.
Phần 1 với tên gọi “Giai điệu” giới thiệu 128 tác phẩm âm nhạc Minh Phương đã viết trong suốt 60 năm, từ năm 1951 đến năm 2010, trước khi mất một năm (2011). Với khối lượng lớn, nội dung, chất liệu âm nhạc phong phú và chất lượng của khối ca khúc này, trong đó có nhiều ca khúc được nhạc sĩ sáng tác vào đầu những năm 50 của thế kỉ 20, không ít ca khúc có sức lay động lớn, Minh Phương xứng đáng được coi là một nhạc sĩ có đóng góp đáng kể vào kho tàng âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Có thể coi 128 tác phẩm âm nhạc của Minh Phương là âm vang đầy tự hào, vừa hào hùng vừa sâu lắng của cuộc đời hơn 65 năm theo Đảng, phụng sự hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc của ông. Đó còn là khúc biên niên sử bằng âm nhạc thể hiện chân thật sinh động nhiều chặng đường cách mạng, nhiều sự kiện lịch sử đáng nhớ, cũng như nhiều miền đất thân yêu của tổ quốc ta. Dù là hành khúc hay ca khúc trữ tình, hợp xướng hay tổ khúc âm nhạc, sáng tác của Minh Phương thường mộc mạc giản dị nhưng dễ nhớ, dễ hát bởi giai điệu cuốn hút, ý tứ sâu sắc, ca từ giàu chất thơ. Minh Phương rất mạnh trong khai thác dân ca dân nhạc của quê hương Bình Định, vùng đất thân thuộc Bình Trị Thiên hay các tỉnh dọc dãy Trường Sơn ông từng sống và chiến đấu công tác trong hai cuộc kháng chiến để làm nên sự độc đáo về chất liệu âm nhạc trong các ca khúc của mình. Cái độc đáo của âm nhạc Minh Phương còn ở chỗ ông luôn làm mới dân ca dân nhạc bằng phương pháp tác khúc hiện đại cũng như trữ tình hoá tài tình các ca khúc mang tính chất tuyên truyền, giáo dục. Vốn sống, vốn âm nhạc phong phú, lại rất nhạy cảm với cuộc sống, đề tài gì với Minh Phương thực ra cũng chỉ là cái cớ để ông bộc lộ tình yêu và những suy tư, chiêm nghiệm sâu sắc của mình về quê hương đất nước, về Đảng Bác, về cuộc sống tốt đẹp mà ông góp công xây dựng.
Nhạc sĩ Trương Minh Phương
Nếu chúng ta rất ngạc nhiên với sức sáng tạo dường như bất tận trong âm nhạc của Minh Phương thì sẽ càng ngạc nhiên khi tiếp xúc với 80 kịch bản sân khấu gồm kịch nói, kịch thơ, dân ca kịch, ca cảnh, kịch bản thông tin và tiểu phẩm của Minh Phương… Trong khối tác phẩm sân khấu đồ sộ tới cả ngàn trnag in này, bên cạnh nhiều vở kịch mang tầm tư tưởng lớn về truyền thống cách mạng cả trong chiến đấu cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, như “Bão tố Trường Sơn”, “Dấu ấn Trường Sơn”, “Đêm Cha Cháp”,“Gió rừng”, “Đảo xa”, “Ngọn đèn trước gió”,“Khát vọng Điện Biên”, “Sen nở giữa Sài Gòn”… còn có những vở là những chuyện đời thường cảm động ca ngợi những nhân cách cao đẹp cũng như phê phán các thói hư tật xấu, cửa quyền, tham nhũng như “Huyền thoại về rừng”, “Một khoảng trời xanh”, “Mưa rừng”, “Ngược chiều”, “Sương tan”, “Bức điện khẩn”, “Tiếng chim giữa mùa đông”…cùng rất nhiều kịch bản kịch vui, náo kịch, kịch múa hát dành cho thiếu nhi với những sáng tạo biên kịch rất độc đáo mới lạ như “Giám đốc chịu chơi”, “Vạ không nhớ”. “Chiếc bẫy”, “Tổ ấm rừng xanh”, “Tình bạn rừng xanh”, “Điểm hẹn dễ thương”, “Trăng ơi, trăng ở đâu”, “Tôn Ngộ Không đại nào công ty”…Trong đó, các kịch hát múa mới cho thiếu nhi là rất độc đáo về sáng tạo nhân vật cũng như âm nhạc, đặc biệt được các khán giả nhí ưa thích.
Điều đáng nói là 80 kịch bản sân khấu của Minh Phương được giới thiệu trong phần “Bên cánh màn nhung” phần lớn đều đã được dàn dựng trên sóng phát thanh truyền hình và trên sân khấu các đơn vị biểu diễn chuyên nghiệp và không chuyên của các Nhà Văn hoá, Nhà Thiếu nhi Quảng Bình, Bình Trị Thiên, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác của cả nước. Một tác giả sân khấu có đến gần 80 tác phẩm được đưa lên sân khấu như Minh Phương thì ở nước ta có thể nói là cực hiếm.
Kịch bản sân khấu của Minh Phương có những vở dài 5, 7 cảnh nhưng hầu hết là kịch ngắn phù hợp với sân khấu quần chúng bởi thế có thể hiểu vì sao có người từng nhận định rằng kịch bản của Minh Phương một thời là nguồn sống của sân khấu quần chúng không chỉ riêng ở Bình Trị Thiên.
Dù là ca ngợi hay phê phán, kịch Minh Phương luôn giàu chất thơ, chất lãng mạn, luôn gắn thiên nhiên với cuộc sống con người, tạo ra môt vẻ đẹp rất riêng biệt. Minh Phương cũng luôn không câu nệ phân biệt thể loại, ông thấy cuộc sống cần gì thì ông viết hình thức ấy, dù chỉ là một tiểu phẩm, một khúc độc tấu hay một kịch bản thông tin ông đều viết rất kỹ càng và đều có các thông điệp riêng của mình dành cho cuộc sống, con người đương thời và mai sau.
Không chỉ sáng tác âm nhạc và sân khấu, nhạc sĩ, nhà viết kịch Minh Phương còn dành thời gian sưu tầm nghiên cứu ca dao, dân ca, dân nhạc của các địa phương Bình Trị Thiên. Ông đã cho xuất bản đến 6 công trình sưu tầm nghiên cứu như “Hò khoan Lệ Thuỷ” (1960), “Nét nhạc chiều xưa” 1976), “Những câu hò của lòng dân nhớ Bác” (1990), “Đồng dao Tiền Lệ” (1994, “Vài nét về dân ca Quảng Bình” (Viết chung với Quách Mộng Lân, 1998) và “Dư âm tình rừng” (2000).
Phần 3 của tập sách “Rừng hát” có tên “Muôn sắc” dành giới thiệu những công trình sưu tầm nghiên cứu này của Minh Phương cùng một số tác phẩm văn xuỗi tiêu biểu của ông như các truyện ngắn“Tiếng chim”, “Mùa xuân cô đơn”, “Ánh mắt” và những trang hồi ký “Những câu chuyên về đội tuyên truyền xung phong thời kháng chiến chống Pháp”, cho độc giả thấy thêm một khía cạnh tài năng đa diện của nhạc sĩ, nhà viết kịch Minh Phương..
Các nhạc sĩ: Lưu Cầu, Phạm Tuyên, Minh Phương, Cẩm Phong với các chiến sĩ an ninh Bình Trị Thiên năm 1972
Đáng chú ý nhất trong các công trình sưu tầm nghiên cứu nghệ thuật dân gian của Minh Phương chắc chắn là công trình “Dư âm tình rừng” ông dành giới thiệu gần 30 loại nhạc cụ của hai dân tộc Pakô và Cơtu, miên tây Thừa Thiên Huế thuộc bốn bộ gảy, thổi gõ và kéo, trong đó có những nhạc cụ nổi tiếng như đàn Abel, Talu, Khèn bè, Amàm, Tàng Coi. Cái độc đáo của công trình nghiên cứu này là Minh Phương không chỉ mô tả cấu trúc, đặc tính kỹ thuật, tính năng, kỹ thuật diễn tấu của từng loại nhạc cụ mà còn ghi âm, ghi lời các bản nhạc và bài dân ca thường gắn liền với các nhạc cụ đó. Thú vị hơn là cảm nhận rất sâu sắc đầy sức cảm hoá của tác giả về mỗi loại nhạc cụ và các huyền thoại được tác giả ghi lại về sự tích mỗi loại nhạc cụ.Nhà văn Hoàng Bình Thi nhận xét rất đúng rằng “Dư âm tình rừng” không phải là công trình nghiên cứu nghệ thuật thông thường. Đó là cả một bài thơ văn xuôi về dân ca dân nhạc của hai dân tộc Pakô, Cơ tu được viết không phải bằng kiến thức lạnh lùng mà còn bằng ký ức thưởng thức và tình yêu sâu đậm của tác giả khiến anh đọc tác phẩm trong cảm giác đang được uống rượu Doác, chân đi thập thững trên những chặng đường núi quanh co, trong mênh mang tiếng khèn bè và tiếng rậm rịch của con trai con gái tìm nhau.
Không nhiều tác phẩm sưu tầm nghiên cứu nghệ thuật dân gian đem được cho độc giả một thứ men say như thế.
Cần sự tôn vinh xứng đáng hơn
Nhạc sĩ Minh Phương và nhạc sĩ Văn Cao
Sự đóng góp của nhạc sĩ, nhà viết kịch Minh Phương phần nào đã được cộng đồng ghi nhận qua hơn 30 giải thưởng vinh dự từ cấp Trung ương đến địa phương mà ông từng được trao tặng trong hơn 60 năm lao động sáng tạo phụng sự tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng. Tuy vậy, khi được tiếp xúc với khối di sản nghệ thuật đồ sộ, hấp dẫn hiếm có của Minh Phương, chắc chắn ai cũng thấy cần sự tôn vinh xứng đáng hơn cho thành quả lao động sáng tạo to lớn của người nghệ sĩ xuất chúng này.
Tôi biết, sinh thời, Minh Phương vốn là một con người lúc nào cũng nhỏ nhẹ, chân thật, ghét thói khoa trương, ồn ào, ghét sự bon chen. Ông thường tránh xa danh lợi, chỉ luôn lặng lẽ bên ngòi bút trang giấy để miệt mài viết những gi minh yêu mình thích mình khao khát và âm thầm hạnh phúc với những gì đã cống hiến cho cuộc đời. Có lẽ, điều vui nhất với Minh Phương ỏ chốn vĩnh hằng là ông được biết gần như tất cả các tác phẩm tâm đắc đã được bạn bè, gia đình trân trọng sưu tầm và cho công bố bằng một tuyển tập di cảo đầy đặn.
Dù Minh Phương đã đi xa 5 năm qua, nhưng tôi vẫn muốn Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nơi mà ông là thành viên, tích cực xem xét để có sự tôn vinh xứng đáng hơn cho ông. Ví như Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao tặng Giải thưởng Chính thức cho tập sách “Rừng hát” hay các Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam lập hồ sơ đề nghị truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho Minh Phương. Các giải thưởng vinh dự đó không chỉ dành riêng cho Minh Phương và gia đình ông mà còn đem đến một niềm tin, một cổ vũ quan trọng cho tất cả mọi người: không một ai, không một đóng góp cao đẹp nào cho đất nước, cho nhân dân, cho cộng đồng lại bị bỏ qua hay quên lãng, không được tôn vinh, tưởng thưởng xứng đáng khi đã được phát hiện, nhận diện…
Nguyễn Thế Khoa