Nhà thơ Ngọc Thanh: Người viết liệu có sống được với nghề?

11/08/2015 20:42

Theo dõi trên

Năm 2015, Phạm Thị Ngọc Thanh nổi lên là một cái tên "hot" khi hai tập thơ Khi mình đi qua nhau và Những cánh đồng cổ tích vừa ra mắt đã bán được hàng chục ngàn bản.

Nhà thơ 8X đã có một cuộc bứt phá ngoạn mục khi bắt đầu “dấn thân” vào văn học thiếu nhi. Có rất nhiều ông bố bà mẹ chọn thơ của Ngọc Thanh cho con mình. Mới đây, Ngọc Thanh tiếp tục gây bất ngờ khi chị quyết định chuyển sang mở công ty sách, Sunflower Books. Công ty vừa chào đời đã thu hút rất nhiều tác giả tin tưởng gửi gắm đứa con tinh thần của mình. 

-Được biết bên chị vừa cho ra mắt tập thơ đầu tiên Tìm thương yêu suốt một đời đi vắng của tác giả Lan Anh rất thành công. Từ một giảng viên tin học, một nhà thơ được nhiều độc giả mến mộ, điều gì khiến chị chuyển sang làm sách?
 
 
Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Thanh cho rằng đa số những người viết đều không sống được với nghề

-Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Thanh: Từ khi tốt nghiệp đại học, tôi đã làm rất nhiều ngành nghề. Công việc đầu tiên của tôi là một điện thoại viên, tiếp đó tôi làm báo, dạy học... Mỗi công việc đều cho tôi thêm nhiều sự trải nghiệm. Đến giai đoạn hiện tay, có nhiều điều kiện thuận lợi để tôi có thể mở công ty sách. Bên cạnh tôi luôn có nhiều anh chị, bạn bè cùng giúp sức. Mọi người đều rất ủng hộ tôi trong lĩnh vực mới. Khi bắt tay vào làm cuốn đầu tiên, mọi thứ còn bỡ ngỡ nhưng rồi cũng đâu vào đó. Chúng tôi đã bán hết 1.000 cuốn sách ngay trong tuần đầu tiên và tiếp tục tái bản trong tháng 8. 

-Chị kiêm rất nhiều công việc một lúc, điều đó có ảnh hưởng tới cuộc sống riêng của chị không?

-Tôi đã quen với cường độ làm việc cao, có khi cả tuần liền mỗi ngày tôi chỉ ngủ có vài ba tiếng. Nếu quá nhiều thời gian rảnh rỗi tôi dễ rơi vào trạng thái buồn chán. Có lẽ đó là thứ bệnh cố hữu của người mang nợ với văn chương. Những người thân của tôi đều rất ủng hộ và thông cảm khi tôi mải mê công việc mà không chăm lo được cho gia đình. 

-Là một nhà thơ chuyển sang làm kinh doanh, chị thấy có gì thuận lợi và khó khăn không?

-Đa số người viết hiện nay không sống được bằng nghề. Viết chỉ là niềm đam mê riêng bên cạnh những công việc chính. Tôi là người làm thơ nên có thuận lợi khi đọc và cảm nhận các tác phẩm. Ít nhiều tôi cũng góp ý được cho tác giả để cho ra đời một đứa con tinh thần ưng ý. Tuy nhiên, tôi vốn dĩ sống theo cảm xúc nhiều hơn nên làm gì cũng cần phải có cảm hứng. Có nhiều cuốn khi nhận được tôi đọc một mạch và lên được ý tưởng thiết kế luôn. Nhưng cũng có nhiều cuốn tôi cảm thấy chưa ổn để xuất bản thì tôi từ chối. Tôi chỉ muốn sách do bên tôi in ấn xuất bản đạt chất lượng cả về thẩm mỹ lẫn nội dung.

-Đa số những cuốn sách công ty chị làm là của những tác giả hoàn toàn mới trên thi đàn. Giữa lúc “bão hòa” thi ca, vì sao chị vẫn nhận in ấn xuất bản thơ cho những tác giả chưa từng xuất hiện trên truyền thông, trong khi đại đa số nhà sách chỉ nhận tác giả “quen”? 

-Tôi không chú trọng đến vấn đề tác giả quen hay lạ. Tôi chỉ chú trọng đến chất lượng tác phẩm của họ. Các tác giả của tôi đa phần là những người trẻ, năng lực viết dồi dào. Những sáng tác của họ trước đó chỉ đưa lên Facebook cá nhân và rất thu hút người đọc. Không phải người viết nào cũng biết cách quảng bá tác phẩm. Vào một thời đại mà gói mì tôm cũng phải quảng cáo thì tôi nghĩ rằng ngoài chất lượng ra, việc quảng bá và đưa tác phẩm của mình tiếp cận được bạn đọc là điều cần thiết. Chúng tôi không chỉ in ấn mà còn làm cả công tác truyền thông cho tác giả, tác phẩm. Tôi có một lòng tin rằng làm mọi việc bằng đam mê và nhiệt huyết thì sẽ nhận được kết quả như ý. 

-Sách do bên chị in ấn xuất bản đều được đầu tư kỹ lưỡng về thiết kế. Điều đó có phải là một chiến lược riêng của Sunflower Books?

-Bìa sách chúng tôi vẽ tay hoàn toàn và minh họa cho từng bài theo nội dung tác phẩm. Họa sĩ bên tôi đều là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của trường kiến trúc và mỹ thuật. Họ rất giàu cảm hứng sáng tạo và lòng nhiệt thành. Mỗi khi tôi đăng bìa sách mới lên Fanpage và trang cá nhân thì đều nhận được những phản hồi tích cực. Mọi người rất thích bìa sách do Sun thiết kế. Một cuốn sách đẹp và chất lượng là điều mà Sun hướng tới.  
 

Phạm Thị Ngọc Thanh bảo rằng chuyển sang làm xuất bản sách, đối với chị đây là một quyết định khó khăn nhưng đúng đắn

-Chị có thể chia sẻ thêm đôi chút về những dự định xuất bản của Sun trong thời gian tới?

-Trong tháng 8 và tháng 9, chúng tôi sẽ tái bản tập thơ Tìm thương yêu suốt một đời đi vắng của tác giả Lan Anh và giới thiệu đến bạn đọc tập thơ Những ngày không thuộc về nhau của tác giả Thuy Zudi, Tường vi này, đừng khóc những mùa qua của PhuongSpecial, Những vết xước tình yêu và Người đàn bà trong chăn - Thanh Trà, Có em và bình yên - Trang Phạm KB, Tình yêu còn mãi  - Nguyễn Đức Trọng, Cúc áo anh rơi thảm cỏ nhà người - Việt Hưng và tuyển tập Viết cho mùa gió trở của 9 tác giả trẻ đang được chú ý trên mạng văn học. Những tập thơ trên đều đang nhận được hàng trăm đơn đặt hàng trên fanpage, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều bất ngờ cho độc giả. 

-Cảm ơn chị. Chúc chị và Sunflower Books luôn thành công và nhận được nhiều sự ủng hộ!

Minh Khuê (thực hiện)
Theo Một Thế Giới

Bạn đang đọc bài viết "Nhà thơ Ngọc Thanh: Người viết liệu có sống được với nghề?" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.