Nhà thơ Hồ Chư: “Cảm ơn nỗi buồn”

17/12/2015 22:50

Theo dõi trên

Có người cảm nhận về tập thơ “Cảm ơn nỗi buồn” của nhà thơ Hồ Chư rằng con người sinh ra trên trái đất này đều có tâm thức, đó là niềm vui và nỗi buồn. Niềm vui thì ai cũng dễ biểu đạt và mọi người dễ cảm nhận, còn nỗi buồn thì không thể nhận biết một cách đích thực và chính xác… Riêng tôi, rất ấn tượng và tâm đắc với câu thơ đậm chất triết lý sống của nhà thơ Hồ Chư trong bài thơ “Cảm ơn nỗi buồn” - “Có nỗi buồn đời sẽ bớt buồn hơn”.



Bìa tập thơ “Cảm ơn nỗi buồn” của nhà thơ Hồ Chư

Chúng tôi tìm về tư gia nhà thơ Hồ chư ở Phường 2, TP. Đông Hà (Quảng Trị) trong một buổi sáng mùa đông nhưng tiết trời ấm áp. Trong căn phòng nhỏ hướng mặt về phía Đông đón ánh nắng mặt trời, xung quanh là những tủ sách cất trữ hàng ngàn đầu sách, nhà thơ Hồ Chư thong thả rót trà mời khách rồi chậm rãi ngâm nga bài thơ “Cảm ơn nỗi buồn” trong tập thơ cùng tên cho chúng tôi nghe.

Những câu thơ da diết, xuyến xao trầm bổng thanh âm theo nhịp đọc của ông - “Cảm ơn những nỗi buồn thiêng/ Đã nhỏ lệ khi đồng quê ngập lụt/ Đớn đau khi cánh rừng lửa ngút/ Bâng khuâng nhìn từng chiếc lá vàng rơi/ Nỗi buồn của em cũng “đi ngược về xuôi”/ Như kiếm tìm xẻ chia với bao số phận/ Qúy từng hạt phù sa lận đận/ Lắng từng cơn thủy triều lên xuống nôn nao/ Những nỗi buồn xuyến xao/ Nghe từng bước chân người thiếu phụ/… Nỗi buồn không bao giờ tan biến/ Có nỗi buồn… Đời sẽ bớt buồn hơn”.

Ông giải thích “nếu như cuộc đời không có những suy tư, không có nỗi buồn về nhân tình thế thái thì không có tình yêu hôn nhân chân chính và không có những mối quan hệ tốt đẹp lâu dài. Chúng ta là người chân chính, luôn có những suy tư trở trăn để nhìn nhận về cuộc đời đúng đắn hơn, chính chắn hơn”. Đó chính là sự chia sẻ từ tận đáy lòng của nhà thơ. Với ý nghĩa đó ông gửi gắm tới mọi người, nên có những nỗi buồn nhân văn về nhân tình thế thái để thấu hiểu cuộc đời hơn. Chính cảm hứng chủ đạo của bài thơ này mà tác giả đã lấy tên câu cuối của bài thơ đặt tên cho bài thơ đó và tên tập thơ “Cảm ơn nỗi buồn” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.


Nhà thơ Hồ Chư (sinh năm 1949) tại xã Mò Ó, huyện Đakrông, Quảng Trị. Ông được mọi người biết đến với tư cách là một nhà giáo, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa và hiện tại, ông là UVTV, Ủy viên Đảng đoàn, Trưởng ban Kiểm tra Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị; Phân hội trưởng Phân hội văn hóa các dân tộc thiểu số; Chi hội trưởng Chi hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam tại Quảng Trị…Dù ở cương vị nào, với vai trò gì thì Hồ Chư vẫn luôn đau đáu với văn hóa dân tộc, với những phận người leo lắt trong xã hội và ước nguyện của ông củng rất giản dị “Mong sao người đồng bào Vân Kiều, Pa Kô sẽ gìn giữ và phát huy tốt văn hóa dân tộc của mình cho đến mai sau”. Tập thơ “Cảm ơn nỗi buồn” có tất thảy 106 bài thơ viết về những nét đẹp của quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa và những “Bâng khuâng”, những nỗi buồn nhân văn. Đây là tập thơ thứ 5 của nhà thơ Hồ Chư được in riêng. Trong tác phẩm “Cảm ơn nỗi buồn” của mình, nhà thơ Hồ Chư luồn vào từng câu thơ, nét chữ những nỗi buồn trăn trở với bao số phận. Từ “những nỗi buồn xuyến xao” đến “thương những em bé lang thang vất vưởng ê chề”. “Bâng khuâng nhìn từng chiếc lá vàng rơi” để rồi “xót xa từng tiếng rao khuya không ngủ”. Bên cạnh những nỗi buồn xuyến xao, nhà thơ Hồ Chư còn thổ lộ, bộc bạch cho chúng ta biết về những nét văn hóa của người Vân Kiều “Bâng khuâng nghe tiếng Khlui/ Xuyến xao lời Xanot/ Ôi tiếng khèn tiếng hát/ Nguyên sơ như thuở nào” trong bài thơ “Uống rượu cần” hay người Vân Kiều “đã nói thương là thương “tận gan, tận mật/ Sống chết có nhau giữ tình nghĩa thủy chung” - (bài thơ Người Vân Kiều). Màu xanh trên biên cương của dãy Trường Sơn hùng vĩ được nhà thơ ví như “Bàn tay con người vùng quê mới/ Tạo nguồn sinh lực đất biên cương” - (bài Màu xanh đất biên cương). Trong tập thơ “Cảm ơn nỗi buồn”, có nhiều bài thơ thể hiện niềm kính yêu vô vàn đối với Bác Hồ như “Sao trên núi lung linh tỏa sáng/ Người Vân Kiều – Pa Kô ơn Đảng/ Ơn Bác Hồ ghi nhớ trong tim” - (bài Khe Sanh ánh sao trên núi) hay “Bác Hồ đi giữa cánh đồng/ Lúa reo như sóng, gió lồng lộng bay” – (bài Bác Hồ về thăm đồng lúa). Nhưng rồi, cái tôi mang nỗi buồn lãng tử vẫn vấn vít lấy tâm hồn của ông “Qua những đêm thức trắng/ Hồn lắng về sâu xa/ Tiếng côn trùng ngân nga/ Truân chuyên thời lãng tử” – (bài thơ Lãng tử)…

Nỗi buồn bao giờ cũng mang những cung bậc sâu thẳm và được bộc phát, thể hiện theo nhiều cách khác nhau. Có điều chắc chắn là không phải nỗi buồn nào cũng mang đầy tính nhân văn cao cả. Chợt nhớ tiểu thuyết gia người Mỹ Louisa May Alcott đã để lại câu danh ngôn bất hủ cho hậu thế - “Một trong những điều ngọt ngào về đau khổ và u sầu là chúng cho ta thấy chúng ta được yêu nhiều như thế nào, sự tử tế tồn tại trên đời nhiều như thế nào, và dễ dàng như thế nào để giúp người khác hạnh phúc theo cách họ đã giúp ta khi họ cần tới sự trợ giúp và thấu hiểu”.

Với tập thơ “Cảm ơn nỗi buồn” của mình, nhà thơ Hồ Chư muốn gửi gắm đến mọi người rằng chớ vô cảm trước cuộc đời, hãy mang nỗi buồn để sẻ chia với đời, làm cho cuộc sống con người ngày càng tốt đẹp, hạnh phúc hơn, nhân văn hơn, cao cả hơn. Nói như nhà thơ Hồ Chư: “Có nỗi buồn đời sẽ bớt buồn hơn”.

 
Trung Giang

Bạn đang đọc bài viết "Nhà thơ Hồ Chư: “Cảm ơn nỗi buồn”" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.