Nhà quay phim Thẩm Võ Hoàng - Một trong những người đầu tiên phục vụ cho nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam

20/04/2023 09:56

Theo dõi trên

Tờ báo Le Figaro của Pháp có tựa đề dưới tấm ảnh của Thẩm Võ Hoàng cầm máy quay phim “… một trong những nhà điện ảnh Bắc Việt đầu tiên vào dinh Độc lập trưa 30/4/1975”.

111-1681955455-1681959296.jpg
Nhà quay phim Thẩm Võ Hoàng với máy quay trên vai tại Dinh Độc Lập

Sinh năm 1935, anh Hoàng là con trai cả trong gia đình. Anh sang Pháp 1951, học trường điện ảnh I.D.H.E.C, Lumière tại Paris. Năm 1958, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh về Hà Nội cùng đạo diễn Phạm Kỳ Nam. Cùng thời điểm đó, đạo diễn Lê Dân và Lê Mộng Hoàng về Sài Gòn. Phim Vườn Cam (1959) là phim đầu tay mà anh là quay phim của Xưởng phim truyện VN. Sau đó là các phim Vợ chồng A Phủ, Chị Tư Hậu, Người chiến sĩ trẻ, Biển gọi (1965), Nghêu sò ốc hến, Quan âm thị kính, Luống khoai xanh (1970), mà tôi (Thẩm Hoàng Long) được chọn làm 1 trong 3 diễn viên chính cùng chị Thụy Vân.

Bộ phim tài liệu do Đặng Nhật Minh đạo diễn, Thẩm Võ Hoàng, Dương Đình Bá quay phim đã được giải thưởng Bông sen bạc liên hoan phim 1977. Tôi đã xem đi xem lại bộ phim này, một phần là kỷ niệm những ngày đầu tiên ở Sài Gòn của anh tôi, phần nữa là gợi nhớ những năm tháng tuổi 20 với các đồng đội của tôi, đã từng sát cánh bên nhau ở mặt trận Quảng Trị 1972 - 1973 trong biên chế của trung đoàn 66 - trung đoàn anh hùng, sư đoàn 304, đơn vị đã vào dinh Độc lập trưa 30/4/1975. Nhờ đạo diễn Phạm Việt Tùng, tôi có được bức ảnh Thẩm Võ Hoàng với máy quay trên vai đang thao tác lúc Tổng thống Dương Văn Minh đọc trước micro tại dinh Độc lập.                

Hình ảnh trong phim là những chiến sĩ trẻ măng đội mũ tai bèo mũ cối, tươi cười ngồi trên xe tăng và hàng vạn người dân Sài Gòn, các thiếu nữ áo dài trắng cầm những bó hoa, già, trẻ, lớn, bé hồ hởi reo mừng chào đón ngày đất nước thống nhất. Là những cảnh sinh hoạt đời thường sau chiến tranh của người dân lao động... như lời bài ca nhạc sĩ Văn Cao “Mùa xuân đầu tiên”, “Đời dập dìu mùa xuân theo én về. Người mẹ nhìn đàn con nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên, mơ ước trên vai anh… Từ đây người biết quê người, từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người. Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao...”

Trong thời gian ở Sài Gòn, được sự đồng ý của tổ chức, anh Hoàng đã đi gặp một số họ hàng vào Nam từ năm 1954. Anh Hoàng Cơ Môn đã đưa anh Hoàng đi tham quan thành phố trên chiếc xe mui trần có chú berger ngồi sau. Anh Môn là nhà báo đã từng đi cùng sư đoàn lính dù của VNCH tác nghiệp ở Quảng Trị năm 1972. Thân sinh của anh Môn là bác Hoàng Cơ Bình (1909 - 1987) - Chủ tịch Uỷ ban bảo vệ Bắc Việt năm 1954, ứng cử viên Tổng thống VNCH tháng 9/1967. Bố tôi là con nuôi của cụ Hoàng Huân Trung (1887 - 1950) thân sinh của bác Bình nên mới lấy tên đệm là Thẩm Hoàng Tín (1909 - 1990) - Thị trưởng Hà Nội (1950 - 1952), còn nhạc sĩ Thẩm Oánh, tác giả bài “Tôi bán đường tơ” là chú ruột của chúng tôi. Anh Hoàng đến thăm chú Oánh, được chú kể chuyện Thẩm Thúy Hằng thời con gái tên thật là Nguyễn Thị Kim Phụng, cô gái xinh đẹp có năng khiếu nghệ thuật hỏi ý kiến nhạc sĩ nên chọn ca hát hay nghề kịch. Chú Oánh khuyên nên theo nghề kịch, điện ảnh. Thành danh nên cô lấy họ Thẩm để tri ân cho một lời khuyên tuyệt vời.

222-1681955508-1681959343.jpg
Tờ báo Le Figaro của Pháp có tựa đề dưới tấm ảnh của Thẩm Võ Hoàng cầm máy quay phim “… một trong những nhà Điện ảnh Bắc Việt đầu tiên vào dinh Độc lập trưa 30/4/1975”.

Tháng 7/1967, thời điểm bom Mỹ đánh phá ác liệt Miền Bắc, Bộ Văn hoá chủ trương đưa các anh em văn nghệ sĩ đi thực tế ở Quảng Bình, Vĩnh Linh. Đoàn mấy chục anh em đạp xe đạp vào tuyến lửa. Anh Hoàng kể lại Vĩnh Linh không còn ngôi nhà nào nguyên vẹn, kể cả các chum vại chỉ còn lại những mảnh vụn. Sau khi đi thực tế về, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ cho ra đời kịch bản bộ phim nổi tiếng “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. Năm 1981, sau khi nghỉ hưu, anh Hoàng được nhà nước cho phép sang Pháp. Vẫn hành nghề quay phim, anh làm cho hãng phim “Video DAY” ở quận 16, Paris. 1982, anh cùng đạo diễn Phạm Văn Khoa, với sự giúp đỡ của ông Nguyễn Ngọc Giao, đưa phim “Chị Dậu” đi dự Liên hoan phim 3 lục địa lần thứ 4 ở Nante, Pháp.

Vào một đêm cuối năm, 28/12/2021, anh Thẩm Võ Hoàng đã rời cõi tạm. Tang lễ được cử hành trọng thể tại nghĩa trang Père Lachaise, Paris, nơi có các danh nhân thế giới như Victor Hugo, Molière… yên nghỉ. Ba người con của anh, Thẩm Võ Minh, Thẩm Lê Mai, Thẩm Lê Khiêm đã chọn bài hát “Trở về cát bụi” của Trịnh Công Sơn với tiếng hát Khánh Ly để vĩnh biệt người cha thân thương làm lay động con tim của mọi người đưa tiễn. Tôi viết bài này cũng như thắp một nén trầm hương tiễn biệt anh tôi về miền phiêu diêu cực lạc.

Thẩm Hoàng Long
Bạn đang đọc bài viết "Nhà quay phim Thẩm Võ Hoàng - Một trong những người đầu tiên phục vụ cho nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.