Nhà báo Phạm Việt Long, người say trong nhiều nỗi đam mê!

13/06/2020 17:13

Theo dõi trên

Còn với người viết bài này, ngày xuân, dẫu chỉ dám uống trà, say trong câu chuyện về một người thầy trong làng báo và ngắm những đứa con tinh thần của Nhà báo, nhà văn, nhạc sĩ, tiến sĩ Phạm Việt Long...

1235423523535235523-1639679222.png
Nhà báo, Nhà văn, Nhạc sĩ, Tiến sĩ Phạm Việt Long

Những tưởng được ông chia sẻ, bàn luận ngày xuân về tác phẩm nêu trên. Nhưng không, bên chén trà nóng tan nhanh dần trong hơi lạnh chiều xuân, hai thế hệ lại kể cho nhau nghe những kỷ niệm bên người thủ trưởng cũ, một cây đại thụ của làng thông tấn, mà cả hai có cơ duyên được gần gũi, giúp việc nhưng ở hai giai đoạn hoàn toàn khác nhau giữa chiến tranh và hòa bình. Người mà chúng tôi nhắc đến trong câu chuyện tâm tình ngày xuân là cố Tổng Giám đốc TTXVN, Nhà báo lão thành cách mạng Đỗ Phượng!

Với nhà báo, nhà văn, nhạc sĩ Phạm Việt Long trải qua hơn 50 năm vẫn nhớ như in những kỷ niệm những ngày làm báo ở chiến trường khu V. Khi đó, ông được Phó Tổng Giám đốc TTXVN Đỗ Phượng gửi tặng chiếc máy ảnh cùng dòng chữ giản dị "Rất mừng về Việt Long" dành cho một phóng viên chiến trường trẻ tuổinhưng đã xong xáo làm nhiệm vụ như ông. Đó là năm 1968 đến 1975, khi ông mới tròn hai mươi hai tuổi, được TTXVN cử làm phóng viên chiến trường ở giai đoạn vô cùng khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Sau 7 năm sống và làm việc tại đây, khi hoàn thành nhiệm vụ, năm 1975 ông trở về TTXVN rồi sau đó chuyển sang Bộ Văn hóa - Thông tin đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau và trở thành Chánh Văn phòng Bộ.

Dù ở cương vị công tác nào, ông vẫn giữ nếp sinh hoạt và tác phong của người lính phóng viên chiến trường năm xưa. Đó là tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, cần mẫn, trách nhiệm, kỷ luật, khoa học, làm việc với một lòng đam mê và khát khao cống hiến cho cộng đồng. Riêng sức làm việc và năng lực sáng tạo của ông trong công việc luôn mang lại sự bất ngờ lớn cho đồng nghiệp, người thân.

Sau khi rời nhiệm sở, ông cùng lúc đảm nhiệm các chức vụ: Người sáng lập, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Văn Hiến Việt Nam, Người đồng sáng lập, Chủ tịch Nhà xuất bản Dân Trí, Người sáng lập, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển...tiếp tục cùng nhiều cộng sự lại miệt mài với sự nghiệp xuất bản, báo chí. Không chỉ có vậy, ông còn đồng thời làm tốt vai trò là một nhà văn, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa với nhiều tác phẩm gây được ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc. Nhiều tác phẩm của ông đã giành được nhiều giải thưởng chuyên môn trong suốt những năm đang công tác cũng như lúc đã nghỉ hưu. Ông được chính bạn đọc, đồng nghiệp, những cộng sự và người thân trìu mến gọi là "người say trong nhiều nỗi đam mê!". Say là say công say việc như để tỉnh cả trong mơ cũng dành hết cho cuộc chạy đua với thời gian "nhả tơ" sáng tác và cống hiến cho đời những tác phẩm văn chương, những bản nhạc, những tác phẩm báo chí đến những công trình chuyên khảo khoa học...thật khiến người ta phải giật mình vì lòng ngưỡng mộ!

12235253235232323523-1639679254.png
Tác phẩm Bê Trọc Tập 3 của Phạm Việt Long

Trong lĩnh vực văn học, nhà báo Phạm Việt Long đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết tư liệu Bê Trọc, mà nội dung được tác giả kể lại hoàn toàn những điều mắt thấy tai nghe với tư cách người trong cuộc trong những năm tháng sống nơi chiến trường. Cuốn Bê Trọc gần 700 trang, là sự kết hợp giữa nhật ký chiến trường, thư từ, bài báo, ký sự, truyện ngắn. Tác phẩm đã dựng lại một thời hào hùng, vẻ vang của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn sau Tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968) đến ngày Đại thắng mùa Xuân (1975). Bê Trọc được xem như bản hùng ca viết về những chuyện đời thường, dung dị của quân và dân ta thời lửa đạn. Tác phẩm Bê Trọc ngay khi ra đời đã được độc giả đón nhận nồng nhiệt, liên tục được tái bản suốt những năm 2001, 2002, 2003 và sau đó được nhận giải thưởng của Ủy ban toàn quốc liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam và nhiều giải thưởng văn học cao quý khác.
 
Cùng thời gian này, nhà báo Phạm Việt Long còn có thêm 2 tập truyện ngắn Âm bản và Ngờ vực cũng liên tục được tái bản. Sau khi nhà báo Phạm Việt Long sang Mỹ, về nước ông liền cho ra mắt cuốn sách: Du khảo Hoa Kỳ sau thảm họa 11 tháng 9 và đặc biệt sau đó ông còn có thêm tiểu thuyết Giã từ dày trên 400 trang lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết do Hội Nhà văn tổ chức. Nhiều người không quá bất ngờ khi nhà báo Phạm Việt Long trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Liền sau đó, nhà báo - nhà văn Phạm Việt Long chợt xuất hiện trước bạn bè đồng nghiệp trong cơ quan và công chúng với tư cách một nhạc sĩ, đã trở thành hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam khi ông liên tiếp cho ra đời các CD ca nhạc: Mơ hình bóng quê nhà, Những bản tình ca mới, Giàn thiên lý... và đặc biệt là chương trình biểu diễn riêng các tác phẩm âm nhạc của ông vào năm 2009 với tên gọi Nhớ một thời cùng 2 chương trình chuyên đề trên VTV1 giới thiệu về những đóng góp của ông với sự nghiệp văn học và âm nhạc trong chuyên mục Người của công chúng và Quán âm nhạc. Đặc biệt, năm 2016, Nhà báo - nhà văn - nhạc sĩ Phạm Việt Long được vinh dự nhận giải thưởng loại A của Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng cho cuốn sách chuyên luận âm nhạc Hát mãi Trường Sa ơi. Tập sách bao gồm 59 bài nghiên cứu, phê bình, cảm nhận về âm nhạc. Âm nhạc dường như đã cuốn hút tất cả tâm hồn và tình yêu của ông...
 
Rồi bạn đọc trẻ cả nước lại bất ngờ khi đọc trọn bộ Bi Bi và Mặt Đen gồm năm cuốn: Bỏ bỉm, Mặt Đen tia chớp, Chuồn chuồn cắn rốn, Khám phá rừng thiêng, Thám hiểm vườn cổ tích dày hơn 1000 trang với 200 câu chuyện khác nhau. "Bi Bi và Mặt Đen" với mục đích không gì khác là mang lại một thế giới hồn nhiên, kỹ năng sống cho trẻ thơ, những bài học nhân văn, ý nghĩa, thấm đẫm tình người, tình yêu thiên nhiên, yêu muôn loài, yêu thế giới, yêu hòa bình. Không ai có thể hình dung được một giọng văn trong trẻo, tươi xanh, mạch lạc, giản dị, hòa mình trong diễn biến tâm lý trẻ thơ lại là một tác giả cao niên ở cái tuổi xưa nay hiếm như nhà văn Phạm Việt Long. Đáng chú ý hơn khi bộ truyện cổ tích thời hiện đại này của nhà văn Phạm Việt Long đã vượt qua rất nhiều cây bút trẻ để được trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất năm 2018.

Nối tiếp những thành công trên văn đàn, vào những ngày đầu Xuân Canh Tý 2020, tác phẩm "Ngân vang giai điệu Tổ Quốc" của nhạc sĩ Phạm Việt Long lại xuất sắc vượt qua nhiều tác phẩm để lọt vào 68 công trình, tác phẩm xuất sắc, có chất lượng tốt đã nhận được Giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2019.

235235235623436326-1639679301.png
Bộ truyện cổ tích thời hiện đại của Nhà văn Phạm Việt Long

Tác phẩm "Ngân vang giai điệu Tổ Quốc" của nhạc sĩ Phạm Việt Long được nhiều chuyên gia đánh giá "như một cuốn sử ngành sáng tác và biểu diễn âm nhạc Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XX đến nay". Đặc biệt trong tác phẩm này, tác giả chọn phương pháp sáng tạo công phu bằng thể ký. Mọi sự kiện, nhân vật từ hiện thực cuộc sống tràn vào tất cả các trang viết như một lẽ đương nhiên. Sự thật được phản ánh bằng loại hình văn học nghệ thuật ký sự chỉ có giá trị thẩm mỹ khi người thao tác ngôn từ là người đồng cảm, từng trải nghiệm gian khổ, hy sinh, mất mát, đau thương, cảm mến tương tác với chủ thể làm nên lịch sử.
 
Suy ngẫm về chuỗi những thành công nối tiếp trên nhiều lĩnh vực của nhà báo, nhà văn, nhạc sĩ, tiến sĩ Phạm Việt Long, PGS.TS Trương Sỹ Hùng cho rằng: "Cảm mạch văn viết về âm nhạc và thơ ca của Phạm Việt Long vẫn đang hăng hái. Chắc chắn tác giả đã và đang tiếp tục gom góp tư liệu, suy ngẫm những nét tinh tế của chuyên ngành âm nhạc và thi ca Việt Nam hiện đại để chuẩn bị “nguyên liệu” xây đắp một tượng đài lịch sử. Đóng góp căn bản của ký sự lịch sử Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc là giữ lại được những cảm nhận sôi nổi, nhiệt tình của một thời hoa lửa, một trang sử chiến thắng ngoại xâm, dựng xây đất nước...".
 
Thành công đó của tác giả Phạm Việt Long cũng đã từng nhận được sự động viên của cố Tổng Giám đốc TTXVN Đỗ Phượng khi ông cho rằng: "Chính những năm tháng lăn lộn ở chiến trường với bao gian khổ, được tắm mình trong thực tiễn sục sôi của cách mạng đã cho Phạm Việt Long một "chất sống" vô cùng phong phú, một nhãn quan rộng mở để làm nên một nhà báo, nhà văn, nhạc sĩ, tiến sĩ Phạm Việt Long gắn với những tác phẩm có sức sống sau này".
 
Có lẽ nhà báo Phạm Việt Long khá bất ngờ về lời nhận xét trên vào những ngày cuối đời của cố nhà báo lão thành cách mạng Đỗ Phượng về mình. Bởi ông hiểu rõ về vị thủ trưởng cũ của mình vốn rất khắt khe và đặc biệt thận trọng trong việc khen chê người khác nếu không thật sự cần thiết, không thật sự nổi bật. Nhất là với những người giúp việc hay đồng nghiệp thân thiết, ông thường dành sự khích lệ động viên bằng "khẩu hình" qua ánh mắt, nụ cười mà ít khi biểu hiện qua lời nói. Cũng vì thế mà nhà báo Phạm Việt Long, một mặt rất trân trọng những lời nhận xét này, một mặt lại xem đó là nguồn cổ vũ động viên, khích lệ để đánh thức những cảm xúc sâu lắng trong ông về "một thời đạn bom, một thời hòa bình" giúp ông đủ dũng khí tiếp tục dấn thân sáng tạo "trả nợ đời" trong kiếp nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày đáng trân trọng này!
 
Còn với người viết bài này, ngày xuân, dẫu chỉ dám uống trà, say trong câu chuyện về một người thầy trong làng báo và ngắm những đứa con tinh thần của Nhà báo, nhà văn, nhạc sĩ, tiến sĩ Phạm Việt Long cũng đã thấy "chếnh choáng" say ngất say ngây vị "say nghề" hòa lẫn hương xuân và bút lực dồi dào của một trong những bậc "trưởng bối" đáng kính!

* Bài viết có sử dụng một số tư liệu của đồng nghiệp.

Vương Xuân Nguyên
Bạn đang đọc bài viết "Nhà báo Phạm Việt Long, người say trong nhiều nỗi đam mê!" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.