Dễ mất kiên nhẫn với một bài văn thuyết minh khô cứng và trong thời buổi “lười đọc”, Nguyên chọn bút pháp trào lộng và rất đời để kể. Nếu như cách đây hai năm, trong cuốn tản văn đầu tay với 25 tản văn được tập hợp dưới cái tựa dài ngoằn Tivi, xe máy, nhạc chế, chày cối, karaoke, tăm xỉa răng và những thứ khác, sự trào lộng nằm trong bài viết thì đến cuốn tản văn vừa phát hành giữa tháng 6 với cái tiêu đề tóm gọn hơn Những đồ vật trò chuyện cùng chúng ta, chất trào lộng tràn ra cả bìa cuốn sách. Và chủ yếu là tác giả tự trào. Không biết có phải do quan sát, chứng kiến nhiều, người ta buộc phải như vậy để “chống chọi” trước những cú tác động xoành xoạch của đời sống hay do ảnh hưởng từ một trào lưu nào đó?
Thật may là, Nguyên, với phong cách đã định hình khiến tôi thở phào nhẹ nhõm. Không chệch khỏi đường ray, từ đề tài đến cách viết, dẫu “vẻ ngoài” có thay đổi theo hơi hướng an toàn, gọn ghẽ thay vì lằng ngoằng với cái tựa thứ gốc Bàn ghế, nhà cửa, nhang đèn, áo quần, hình ảnh và những thứ khác. Đáng chú ý trong cuốn thứ hai này, 8/31 tản văn Nguyên viết về sách, báo và những thứ có liên quan. Bởi, vị thế của Nguyên trước hết là một người viết báo, viết văn. Và, trước sự nhộm nhoạm như hiện nay, làm sao mà không trăn trở.
Những đồ vật trò chuyện cùng chúng ta là bước tiếp nối dự án “100 tản văn về tâm tính người Việt đương đại qua thế giới đồ vật quen thuộc và các hiện tượng xã hội” của Nguyên. Người đọc có thể tán thành/ không tán thành cách Nguyên lý giải. Nhưng, tin chắc rằng, đó là cuộc đối thoại thực sự thú vị.