Ở thời buổi ai ai cũng có thể viết “tản văn” thì tản văn của Nguyễn Vĩnh Nguyên hút người đọc không theo kiểu tấu xảo chữ hay nương theo cảm xúc ủy mị mà bằng cái nền đọc rộng, vững vàng, kỹ lưỡng, có chọn lọc của một người ưa nghĩ suy. Nguyên chọn một con đường khá chông gai. Dùng tản văn khảo sát đời sống văn hóa của người Việt hiện đại với nhiều phát hiện thú vị qua các đồ vật gắn liền với thói quen sử dụng hằng ngày, từ đồ dùng “cao cấp” như tivi, tủ lạnh, xe máy,… đồ vật thuộc về tinh thần như kỷ vật, bàn thờ,… đồ vật bình dân như tăm xỉa răng, chày cối, bàn ghế, cửa sổ, đôi quang gánh, cái toilet,… món ăn như hạt dưa, bánh mứt,… đến cả các hiện tượng như nhạc chế, ngập nước, thói quen thích đọc hung tin, ngồi café cóc, ngậm tăm,… Đọc tản văn của Nguyên, có cảm giác, tất tần tật những gì xung quanh đều được đưa vào tầm ngắm, lật tới lật lui, suy xét thấu đáo, từ đâu, khi nào có, nguyên nhân tồn tại, biến đổi hoặc mất đi, thời gian tồn tại ấy “nói” lên điều gì. Cái hay là Nguyên không sa vào kể lể mà từ quan sát dẫn dắt và “nâng” lên tầm phổ quát một cách tinh tế. Ví dụ nói về tăm xỉa răng, cái đích chính của Nguyên là thói quen ngậm tăm của người Việt, viết về nhang đèn điện, hoa quả nhựa, Nguyên đề cập đến lòng thành. Lăng quăng chuyện “Chat với… em trai quận công” để nói chuyện cái… toilet. Từ đó, tính cách của người Việt hiện lên, đặc trưng, sinh động mồn một.
Dễ mất kiên nhẫn với một bài văn thuyết minh khô cứng và trong thời buổi “lười đọc”, Nguyên chọn bút pháp trào lộng và rất đời để kể. Nếu như cách đây hai năm, trong cuốn tản văn đầu tay với 25 tản văn được tập hợp dưới cái tựa dài ngoằn Tivi, xe máy, nhạc chế, chày cối, karaoke, tăm xỉa răng và những thứ khác, sự trào lộng nằm trong bài viết thì đến cuốn tản văn vừa phát hành giữa tháng 6 với cái tiêu đề tóm gọn hơn Những đồ vật trò chuyện cùng chúng ta, chất trào lộng tràn ra cả bìa cuốn sách. Và chủ yếu là tác giả tự trào. Không biết có phải do quan sát, chứng kiến nhiều, người ta buộc phải như vậy để “chống chọi” trước những cú tác động xoành xoạch của đời sống hay do ảnh hưởng từ một trào lưu nào đó?
Thật may là, Nguyên, với phong cách đã định hình khiến tôi thở phào nhẹ nhõm. Không chệch khỏi đường ray, từ đề tài đến cách viết, dẫu “vẻ ngoài” có thay đổi theo hơi hướng an toàn, gọn ghẽ thay vì lằng ngoằng với cái tựa thứ gốc Bàn ghế, nhà cửa, nhang đèn, áo quần, hình ảnh và những thứ khác. Đáng chú ý trong cuốn thứ hai này, 8/31 tản văn Nguyên viết về sách, báo và những thứ có liên quan. Bởi, vị thế của Nguyên trước hết là một người viết báo, viết văn. Và, trước sự nhộm nhoạm như hiện nay, làm sao mà không trăn trở.
Những đồ vật trò chuyện cùng chúng ta là bước tiếp nối dự án “100 tản văn về tâm tính người Việt đương đại qua thế giới đồ vật quen thuộc và các hiện tượng xã hội” của Nguyên. Người đọc có thể tán thành/ không tán thành cách Nguyên lý giải. Nhưng, tin chắc rằng, đó là cuộc đối thoại thực sự thú vị.
Hoàng Dung