Nguyễn Hữu Cảnh - bậc tiền hiền xứ Đồng Nai và cõi trời Nam

21/10/2016 14:39

Theo dõi trên

Đền thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh - bậc tiền hiền đi giữ đất Đồng Nai, mở cõi trời Nam xưa, thuộc ấp Bình Kính, thôn Bình Hoành, tổng Phước Vĩnh Thượng, huyện Phước Chánh, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa. Nay thuộc ấp Nhị Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Năm 1991, được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia.



Tượng đài Nguyễn Hữu Cảnh - Ảnh: Đ.T

Ông nội của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh là quan tham chiến Triều Văn Hầu Nguyễn Triều Văn, có quê gốc Gia Viễn, Ninh Bình, vì bất mãn với chúa Trịnh tiếm quyền vua Lê, nên theo phò chúa Nguyễn vào Đàng trong. Bước dừng chân đầu tiên của dòng Nguyễn Hữu vào năm 1609 do Triều Văn Hầu định hướng là đất Quảng Bình. Khi ấy người con trai thứ năm của Triều Văn Hầu là Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật, sau là cha Nguyễn Hữu Cảnh mới được 6 tuổi.
 
Nguyễn Hữu Cảnh tên thật là Nguyễn Hữu Thành, sinh năm Canh Dần (1650) tại xã Chương Tín, huyện Phong Lộc (nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh), tỉnh Quảng Bình. Nguyễn Hữu Cảnh sinh trưởng trong tình huống nước nhà đang nạn Trịnh Nguyễn phân tranh, ông lại thuộc dòng dõi danh tướng nhà chúa Nguyễn, nên sớm trở thành người tài giỏi, võ nghệ siêu quần. Từng là sư tổ của môn võ, danh hiệu “Bạch hổ sơn quân phái’’ được nhiều người kính phục. Được chúa trọng dụng ban tước Lễ Thành Hầu và cử giữ chức Cai Cơ. Năm Nhâm Thân (1692) Chúa phái Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống Binh an định bờ cõi. Tại vùng ven biển, trải hai năm liền ông đã tích cực gặt hái được nhiều kết quả khả quan và nhất là để lại nhiều dấu ấn nhân hậu: Ổn định phủ Bình Thuận, hòa đồng sắc tộc Chăm - Việt, cải cách hài hòa nền văn hóa hợp chúng... Sau đó, ông được thăng chức Chưởng cơ, làm Trấn phủ dinh Bình Khương (Khánh Hòa ngày nay). Xuân Mậu Dần 1698, Chúa lại cử ông làm Thống suất kinh lược xứ Đồng Nai. Thuở ấy ông cho đóng đại bản doanh tại Cù Lao Phố còn gọi là Đông Phố (Đồng Nai). Ngoài mỏm đất này ra chung quanh toàn là rừng núi âm u: phần đất đai hoang hóa đầy hiểm trở, sông rạch thì chằng chịt, gai góc ngút ngàn, đầy rẫy hang ổ của các loài mãnh thú, ác ngư...
 

“... Đồng Nai địa thế hãi hùng
Dưới sông sấu lội, trên giồng cọp um...”.
 
Dân cư thời ấy gồm các sắc tộc: Khơme, Chăm, Việt, Hoa... nhưng lại quá ít ỏi vắng vẻ, đời sống sinh hoạt còn quá thô sơ nghèo nàn. Với ý chí quả cảm và lòng yêu nước thương dân, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vạch ra kế sách cấp thiết cùng quân dân gấp rút liên tiếp thi hành: Khai hoang mở cõi, dàn xếp biên cương, bảo vệ chủng dân và vùng đất mới, thiết lập cơ sở hành chính thôn xã có quy củ, lập phủ Gia Định và chính thức cho sát nhập vào bản đồ Đại Việt, đề xuất công trình chiêu mộ lưu dân và khuyến nông. Riêng công trình di dân đã được đa số dân chúng miền Phú Xuân Ngũ Quảng hưởng ứng, nhất là nhân dân vùng Bố Chánh Quảng Bình đã sốt sắng đáp lời kêu gọi của bậc lãnh tướng đồng hương mà họ hằng kính yêu, nên đã hăng hái rủ nhau vào Đồng Nai lập nghiệp rất đông. Thời ấy có câu ca dao nổi tiếng:
 

“Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân cũng trải Đồng Nai cũng từng”.
 
Nguyễn Hữu Cảnh có công lớn thúc đẩy Cù Lao Phố phát triển thành một trong những cảng thị sầm uất, năng động nhất ở Đàng Trong suốt thế kỷ XVIII.
 
Năm 1699, Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn thống lĩnh đại binh vào ổn định tình hình biên giới phía Nam. Ông cho đắp lũy Hoa Phong, vét kênh nối liền sông Tiền - sông Hậu, thực hiện việc an dân, giữ yên miền biên ải. Tháng tư năm Canh Thìn (1700), sau khi hoàn thành sứ mệnh, ông cho binh lính rút về dinh Bình Khương đến địa phận Rạch Gầm (Tiền Giang), ông lâm trọng bệnh và qua đời ngày 9/5 âm lịch, thọ 50 tuổi. Ngày 16/5 âm lịch, trên đường chuyển quan về Quảng Bình, linh cữu của ông tạm dừng ở Cù Lao Phố để nhân dân Biên Hòa chiêm bái và lập mộ huyền táng tưởng nhớ. Truyền rằng sau đó linh hài của ông đã được cải về an táng tại Thác Ro thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Nơi này mới đây được hậu duệ 10 đời của ông đã tìm ra mộ.
 
Sau khi ông mất, Chúa Nguyễn Phúc Chu vô cùng thương tiếc truy tặng ông tước “Hiệp Tán Công Thần, Đặc Tiến Dinh Chưởng, Tráng Hoàng Hầu”. Đến thời các vua nhà Nguyễn (1802-1945) lại gia phong tước “Khai Quốc Công Thần Võ Tráng Võ Tướng Quân Vĩnh An Hầu”, “Thượng Đẳng Công Thần Đặc Trấn Thủ Quốc Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu”. Năm 1852, vua Tự Đức ban sắc phong “Thượng Đẳng Thần”.
 
Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh xưa là đình Bình Kính thờ thần Thành hoàng làng. Sau khi Nguyễn Hữu Cảnh mất, nhân dân địa phương ghi nhớ công ơn của ông đã lập bài vị, tạc tượng thờ và đổi tên đình thành đền thờ, tôn thờ ông như vị phúc thần của làng. Năm 1802, vua Gia Long đã cho trùng tu, nâng cấp mở rộng quy mô hơn lúc ban đầu và cắt cử 10 từ phu chăm sóc. Đến năm 1851, đền thờ bị hư hỏng nặng do xói mòn, ngập lụt, vua Tự Đức cấp 400 quan tiền cho quan quân sở tại xây dựng lại và lùi về phía sau cách nền cũ 10 trượng (khoảng 42 m). Năm 1923 và gần đây nhất là vào các năm 1960, 2010, di tích tiếp tục được tu bổ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân. Đền thờ Nguyễn Hữu cảnh bài trí theo lối chữ đinh gồm các hạng mục tiền đền, chánh điện và nhà khách. Kiến trúc mang đậm phong cách truyền thống của đình làng Nam bộ. Nghệ thuật trang trí khá tinh xảo từ hệ thống điện thờ đến bao lam, hoành phi, liễn đối. Kiến trúc và nghệ thuật hài hòa tạo cho công trình vừa mang yếu tố truyền thống, vừa mang yếu tố hiện đại, tôn lên vẻ đẹp tâm linh và sự thành kính của nhân dân đối với vị thần được thờ tại đền.
 
Hằng năm, cứ đến ngày 16/5 và 11/11 âm lịch, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ vía Đức ông và lễ Kỳ yên, với mục đích tạ ơn thần Thành hoàng bổn cảnh và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai (1689 - 1998), tỉnh Đồng Nai đã xây dựng nhà bia tưởng niệm và đặt tượng Nguyễn Hữu Cảnh trong khuôn viên di tích như một lần nữa khắc ghi công lao, nhắc nhở hậu thế ghi lòng tạc dạ về những thành quả mà ông đã cống hiến cho xứ sở này.
 
(Theo Báo Lâm Đồng)

Đan Thanh
Bạn đang đọc bài viết "Nguyễn Hữu Cảnh - bậc tiền hiền xứ Đồng Nai và cõi trời Nam" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.