Bắc Ninh là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, nơi có hai di sản là dân ca quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, và ca trù - Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Nguyễn Thị Thanh Bình (86 tuổi, làng Hòa Đình, phường Võ Cường, TP.Bắc Ninh) vào một ngày tháng 9. Dù tuổi cao, chất giọng không còn được trong trẻo, hơi sức không còn được dẻo dai nhưng cụ Bình vẫn luôn dõi theo hoạt động văn nghệ của địa phương. Mỗi lần có biểu diễn quan họ, cụ Bình xem xong không khỏi buồn lòng: “Lớp trẻ hơn chúng tôi cái múa đẹp và hát quan họ kèm nhạc, còn lại giọng không được như các cụ ngày trước. Muốn hát quan họ hay phải có từ đệm ngân vào mới hay, mới mượt mà được.
Đó mới chính là quan họ. Hát quan họ như hiện nay mà cứ thiếu những từ hát đệm cơ bản như: La rằng, hừ rằng, tình rằng… thì còn đâu là cái quý, đâu là cái cổ”. Nhớ lại lần đi xem quan họ biểu diễn gần nhất cụ Bình có nhắc nhở lớp trẻ thêm câu đệm vào cho đúng, người nghệ nhân già nhận được câu trả lời: “Chúng cháu không ngân được như bà đâu, chịu thôi”- cụ Bình chia sẻ.
Một buổi tập luyện của CLB Hát trống quân Dạ Trạch, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Mỵ Lương
Hát trống quân cũng là một trong những di sản hiện nay nằm trong tình trạng ở mức “báo động đỏ” cần bảo vệ khẩn cấp của Hà Nội, cùng với tiếng lóng ở Đa Chất, xã Đại Xuyên (Phú Xuyên); hát tuồng cổ thôn Cốc Thượng, xã Hoàng Diệu (Chương Mỹ); trò vật lầu ở làng Thao Chính, thị trấn Phú Xuyên (Phú Xuyên) và nghề thêu ren ở xã Bình Minh (Thanh Oai)…
Thế hệ những nghệ nhân nắm giữ giá trị của nghệ thuật hát trống quân ở thôn Phúc Lâm, xã Phúc Tiến (Phú Xuyên) đến thời điểm hiện tại gần như không còn mấy ai. Trong đó, từng biết hát trống quân từ khi tuổi mới đôi mươi, cụ Đào Thị Đặt (82 tuổi)- người hiếm hoi hiện nay còn thuộc nhiều bài hát trống quân nhất tại thôn Phúc Lâm bày tỏ: “Giá như trống quân được biết đến sớm, có nhiều cơ hội biểu diễn thì sẽ chẳng phải lo không còn như ngày nay. Trước đây, cứ hết văn nghệ mới hết tết. Khi còn trẻ, hơi sức còn dài, hát thiếu người nam thì tôi còn hát kiêm hai giọng cả nam, cả nữ. Bây giờ già yếu, vẫn nhớ từng bài nhưng khó lòng truyền dạy đầy đủ cho các cháu. Mất đi thì tiếc nhưng biết làm sao! Trẻ bây giờ có ai muốn học”.
Nhìn nhận từ thực tế trong những năm gần đây, sự biến đổi của không ít những di sản văn hóa phi vật thể -trong đó có sự thay đổi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - đã và đang là nỗi lo của các nhà quản lý. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Linh Nga Niê K’dăm nhận định: “Dù văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang được tiếp nối rất đáng khích lệ, song có một vấn đề rất đáng lo ngại hiện nay là tình trạng “sáng tạo” thái quá của lớp trẻ đối với di sản văn hóa truyền thống. Việc này đã vô tình “Tây hóa” tiếng chiêng truyền thống”.
“Của giả” lên ngôi
Điều đáng nói về dân ca quan họ thường nghe hiện nay mà nhiều người nhầm tưởng là “đặc sản” đất quan họ phần lớn đều là những bài cải biên. Nhiều người đã từng được thưởng thức dân ca quan họ nguyên bản không khỏi xót xa, tiếc nuối những giá trị xưa cũ. Được sống trong môi trường trình diễn quan họ cổ từ nhỏ, thường xuyên theo chân mẹ đến những hội thi hát dân ca, ông Diêm Hồng Trường (70 tuổi) - con trai Nghệ nhân Đỗ Thị Tước bày tỏ: “Dân ca quan họ ngày xưa hát không có dàn nhạc đệm, mọi người ngồi im phăng phắc lắng nghe. Có như vậy, chất giọng thật của người hát mới được bộc lộ. Hiện nay, tôi thấy quan họ mang tính trình diễn nhiều hơn, loa đài om sòm ỏm tỏi làm mất đi tinh thần của của các cụ ngày trước”.
Sự biến đổi về nhận thức cộng đồng vô tình trở thành chất xúc tác không nhỏ dẫn đến di sản văn hóa phi vật thể không còn giữ được giá trị nguyên bản. Nghệ nhân ca trù Phó Thị Kim Đức (Hà Nội) nhận định: “Phát huy và bảo tồn văn hóa phi vật thể là vấn đề nhìn nhận, sử dụng năng lực, đào tạo con người một cách bài bản và khoa học. Sự qua loa đại khái có thể làm sai lệch hay bóp méo đi nghệ thuật văn hóa di sản đã được vinh danh”.
Điều đáng buồn là tại một số địa phương, di sản phi vật thể vốn được xem là báu vật của người dân lại ít được đem ra thực hành thường xuyên dẫn đến mai một, thất truyền là điều dễ xảy ra. Ví như nghệ thuật tuồng ở làng Vũ Hạ (xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã tồn tại đã hàng trăm năm. Song hiện nay, những nghệ sĩ nông dân đứng ngồi không yên trước nguy cơ mai một đội tuồng Bắc một thời nức tiếng. Ông Nguyễn Thế Vinh – nguyên Trưởng ban Văn hóa xã An Vũ ngậm ngùi: “Gần 3 năm nay, đội tuồng không có điều kiện được biểu diễn nữa. Nếu không được thực hành thường xuyên, trong khi những người nắm giữ di sản tuổi đã cao, không nhanh chóng thì một vài năm nữa thôi có đầu tư cũng khó dựng được tuồng cổ. Khi đó có tiếc nuối mai một những điệu tuồng cổ làng Vũ Hạ thì cũng đã muộn màng”.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liêm- Phó Giám đốc Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh nhận định: “Hầu hết những bài dân ca quan họ hiện nay được dàn dựng công phu, có dàn nhạc điện tử đi cùng những tốp múa phụ họa. Người ta đã biến quan họ từ một thể loại âm nhạc giao duyên nam nữ, những bài hát tâm tình, trữ tình duyên dáng thành thể loại âm nhạc trình diễn, kiểu nhạc pop phương Tây”.
Theo Mỵ Lương (Dân Việt)