Nguy cơ méo mó vốn cổ di sản: Di sản “độc bản” như nến trước gió

11/09/2015 15:27

Theo dõi trên

Di sản văn hóa phi vật thể tồn tại phần nhiều ở nông thôn, trong số đó tồn tại những “ngón nghề” độc bản mà chỉ một số nghệ nhân, một số địa phương nắm giữ. Tiếc là hiện nay, thế hệ nghệ nhân này đều đã ở tuổi 80, 90, họ như những ngọn nến trước gió.

Nhạc ở trong người

Nói về vốn quý quê hương, Nghệ nhân Hà Quang Ngạn  (làng Khuốc, xã Phong Châu, Đông Hưng, Thái Bình) trầm ngâm: “Chèo Khuốc có tới 12 làn điệu độc đáo mà không đâu có được, như: “Tuyết dạt sông Thương”, “Hề đơm đó”, “Bay bổng”, “Hà vị”, “Tạ từ đường”, “Lận đận”… Các nơi khác cũng có đến “xin bài” nhưng chỉ được một phần thôi. Riêng nhạc chèo Khuốc, không phải như các đoàn chèo khác vẫn diễn mà âm phải từ đây (ông Ngạn chỉ tay vào ngực), nhạc ở trong người nên khó mà thể hiện giống Khuốc. Vì cái hay, cái độc của chèo làng này nằm ở sự kết hợp giữa lời hát và nhạc”.




Nghệ nhân Nguyễn Thị Thanh Bình (86 tuổi, làng Hòa Đình, phường Võ Cường, TP. Bắc ninh) say sưa thể hiện bài dân ca quan họ cổ.  Ảnh:    Mỵ Lương

Trong sự độc đáo, tinh túy của chèo làng Khuốc vẫn còn tồn tại những miếng chèo được mệnh danh có một không hai. “Hai điệu “Chạy trái” và “Tắm tiên” còn độc hơn nữa. Vừa cổ lại khó nên người học hoàn chỉnh hiện nay không chắc đã còn ai. Để học được phải biết múa, biết trống, biết phách và hát chuẩn 12 làn điệu chèo cổ làng Khuốc trước. “Bản thân tôi mong tìm được nghệ nhân nào biết về điệu múa “Tắm tiên”, mà phải là cổ của các cụ để học hoàn thiện vì tôi tự đánh giá mình mới chỉ đạt chuẩn được 2/3. Hiện giờ, ngoài nghiên cứu tìm hiểu, những gì đã biết tôi vẫn tiếp tục  truyền dạy”– ông Ngạn cho hay.

Kể từ ngày di sản hát ca trù của người Việt được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, cho đến nay hát Cửa đình - hình thức hát quan trọng nhất, lâu đời nhất của hát ca trù mới được phục dựng.

“Đệ nhất danh cầm” - người duy nhất có thể đeo đàn đứng hát trong nghi lễ hát ca trù Cửa đình hiện nay là Nghệ nhân dân gian Nguyễn Phú Đẹ (93 tuổi) ở thôn Cao La, xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương.

“Hát Cửa đình uy linh lắm, rất khó, độc đáo vì là hát thờ thánh, thờ thần. Nó đòi hỏi hỏi người dựng phải biết cả trống phách, đàn, hát, và phải đủ người mới học và làm được. Trước đây, thường là 1 người hát, 1 người đàn. Để biểu diễn được một mình, tôi cũng luyện mãi. Trong đó, đặc sắc khó nhất là 3 loại nhạc: Tỳ bà, Cung bắc, Thét nhạc. Có những người học mãi không được” - cụ Đẹ cho hay.

Tre quá già, nhưng măng chưa chịu mọc

" Chúng tôi toàn người già, sống nay chẳng biết mai ra sao. Nhưng chúng tôi còn giữ được nhiều bài quan họ cổ, quý hiếm. Bọn trẻ không học theo chúng tôi thì chỉ sợ rằng vốn cổ của các cụ lại mai một”.
Nghệ nhân Ngô Thị Nhi

Để sức sống của những di sản phi vật thể được lan tỏa rộng rãi trong dân gian đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía cộng đồng. Cụ Ngô Thị Nhi (92 tuổi) - nghệ nhân đỉnh cao của dân ca quan họ, được Nhà nước phong tặng là “Di sản nhân văn sống” - báu vật cuối cùng của quan họ Bắc Ninh, chúng tôi được cụ cho hay: “Học được dân ca quan họ cổ khó lắm! Có đến 36 giọng cổ, còn giọng vặt, giọng lá thì nó là vô vàn, có kể mấy ngày cũng chẳng hết. Riêng bài “Hừ la” chắc đã thất truyền, “La rằng” nhiều người biết hơn nhưng cũng toàn người già, rồi còn bao nhiêu bài cổ, quý hiếm nữa. Bọn trẻ không học theo chúng tôi rồi vốn cổ của các cụ lại mất đi thôi”.

Công việc “giữ lửa” ca trù được Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ đề cao. Tuy nhiên, theo cụ Đẹ, những “đệ tử” được cụ tâm đắc chỉ đếm trên đầu ngón tay, tiêu biểu như các Nghệ nhân Nguyễn Đình Hoằng, Phạm Thị Huệ, NSƯT Đỗ Quyên, đào nương Thu Hằng. “Đàn đáy là cốt lõi của ca trù không thứ gì pha trộn được, thiếu đàn đáy sao gọi là ca trù. Để đàn được thì khó đấy vì đàn không có nốt. Cứ ca bằng miệng nhớ bằng óc thôi. Cũng có người người mê thích muốn học nhưng không học nổi, đến 8 - 9 năm vẫn chưa thành” – cụ Đẹ cho biết.

Trong khi thế hệ nghệ nhân tuổi đã cao, quá trình truyền dạy vốn cổ còn gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến những nghệ nhân dân gian “sinh nghề tử nghiệp” không khỏi trăn trở cho tương lai di sản mà họ đã tâm huyết dành cả đời để gìn giữ.

Nghệ nhân dân gian Nguyễn Hữu Bổn (83 tuổi) - nguyên chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát trống quân Dạ Trạch (tỉnh Hưng Yên) tâm sự: Đây là bộ môn nghệ thuật truyền thống nên việc tiếp nhận giữ gìn của cả người hát và người nghe còn nhiều cái khó. Trong khi ở câu lạc bộ, nghệ nhân ít tuổi nhất cũng gần 70 tuổi. Đời sống gia đình nghệ nhân còn rất khó khăn, có cụ nghệ nhân ốm yếu cũng vẫn ra sinh hoạt để duy trì phong trào, chỉ tiếc không có lớp trẻ kế cận.

“Người ta hay nói “Tre già măng mọc” nhưng tiếc là nhiều trường hợp như chúng tôi, tre quá già mà măng không mọc. Dẫu rất buồn và tiếc nuối nhưng chúng tôi cũng không biết làm sao, mai kia nói dại nếu các cụ gọi đi đành mang theo di sản về nơi chín suối”, nghệ nhân Nguyễn Hữu Bốn chia sẻ.

Theo Mỵ Lương (Dân Việt)

Bạn đang đọc bài viết "Nguy cơ méo mó vốn cổ di sản: Di sản “độc bản” như nến trước gió" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.