Người miền Tây đẩy côn mùa nước nổi

21/02/2017 15:59

Theo dõi trên

Đẩy Côn – Giàn Côn là công cụ mà người dân Vùng Trũng Đồng Tháp Mười mưu sinh vào mùa nước tràn đồng, chẳng biết nghề này có từ khi nào, chỉ biết người dân nơi đây xem đẩy côn là một nghề thực thụ suốt 20 năm qua.



Ảnh minh họa (nguồn: zing.vn)

 
Hiểu một cách nôm na giàn côn là công cụ khua nước, khi chạm vào côn cá giật mình chúi xuống bùn, người dân sẽ quan sát vị trí cá chúi nhờ tim nước rồi dùng nơm bắt.

Côn được làm bằng những cọng sắt to bằng ngón tay út, có độ dài 1,5 m; một đầu côn được buộc vào một sợi dây nilông và được nối liền lại với nhau thành một hàng “rào sắt”, có khoảng cách từ 20 – 30 cm.

Trong mùa nước nổi, đẩy côn được người nông dân ưa dụng nhờ ruộng sâu nhiều cá. Bà con ngồi trên xuồng dùng xào chống để đẩy côn lướt tới, cũng có người xuống ruộng dùng tay đẩy xuồng. Gần đây, có người lại gắn động cơ giúp cho xuồng lướt nhanh và đỡ sức lao động. Theo anh Tín, một người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề thì đẩy côn bằng máy hiệu quả sẽ cao hơn. 

Tuy nhiên, nghề đẩy côn chỉ thịnh hành ở những nơi mực nước sâu vừa phải như ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ… So với các hoạt động đánh bắt khác, nghề đẩy côn được nhiều người hoan nghênh vì không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và kiểu tận diệt như lưới mành và xuyệt điện. Nghề này lại đầu tư ít vốn, chỉ lấy công làm lời.

Theo người dân vùng lũ, trong các loại hình đánh bắt cá thì dùng côn khá đơn giản, không tốn nhiều chi phí đầu tư nhưng hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân miền Tây. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được, vì để “săn” cá lóc đồng bằng đẩy côn cũng đòi hỏi phải có sức khỏe để lội trên đồng ruộng ngập nước, dầm mưa dãi nắng gần như suốt cả buổi.

Đặc biệt, phải có tài quan sát bong bóng nước của cá, làm được điều này chỉ có những người nông dân tay lắm chân bùn sống giữa vùng sông nước, am hiểu tập tính của cá.

Mùa nước nổi cá về lũ lượt, đẩy côn là một nghề giúp người nông dân vùng lũ mưu sinh, đẩy côn không chỉ bắt được cá lóc mà còn bắt được cá trê, cá rô đồng, sống giữa thiên nhiên, chúng không to con, có nhiều kích cỡ, nhưng thịt thơm mềm có vị ngọt hậu là thứ đặc sản đồng quê giản dị mà đậm đà hương vị đến một cách kì lạ.

Đẩy côn không chỉ là công việc, hay dụng cụ bắt cá là đúng nghĩa hơn là “nghề”, nghề “săn” cá lóc đồng bằng đẩy côn xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng đặc biệt là tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang và Vĩnh Long… Khi nước lũ về, những cánh đồng tràn nước trắng xóa, nghề đẩy côn của người dân vùng lũ miền Tây bắt đầu hoạt động nhộn nhịp.


Hàn Yên (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Người miền Tây đẩy côn mùa nước nổi" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.