Người lưu truyền vũ kịch Rô băm

03/10/2016 08:08

Theo dõi trên

Bà Lâm Thị Hương (ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), là một trong những nghệ nhân hiếm hoi của loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo vũ kịch Rô băm đang nỗ lực gìn giữ, lưu truyền vốn quý của người Khmer cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Di sản văn hóa đặc sắc của người Khmer

Rô băm là loại hình vũ kịch cổ điển của sân khấu cung đình Khmer xưa còn có tên gọi là hát Rằm hay hát Ream, được du nhập vào đồng bằng sông Cửu Long khoảng thế kỷ XIV. Đến những năm 60, 70 của thế kỷ trước, Rô băm phát triển mạnh ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, dưới sự bảo trợ của các chùa Khmer. Đây là hình loại nghệ thuật tổng hợp gồm có múa, hát, trang phục và âm nhạc.

Rô băm đòi hỏi diễn viên múa chuyên nghiệp, tổ chức sân khấu quy phạm và phức tạp. Người nghệ sỹ trình diễn thường là thể hiện được hầu hết các vai, sử dụng được các nhạc cụ và cũng là nghệ nhân tạo nên các đạo cụ trình diễn.

Ngoài múa là ngôn ngữ chính, biểu diễn Rô băm còn cần trang phục quy định chặt chẽ theo tuyến nhân vật với các loại yếm (cổ, trước bụng, sau lưng), khăn nịt ngực, bao buộc chân, bao tay rất độc đáo. Không thể thiếu trong trình diễn Rô băm là mặt nạ, mũ.



 
Nghệ nhân Lâm Thị Hương giới thiệu loại mũ công chúa trong 1 vở diễn Rô băm

Hiện nay, lớp nghệ nhân già dần thưa vắng, lớp trẻ không hào hứng với sự kế tục, lượng khán giả ngày càng thu hẹp... đã làm cho vũ kịch Rô băm đang bị mai một và có nguy cơ thất truyền. Trong khi đó, chưa hề có 1 đoàn nghệ thuật Rô băm chuyên nghiệp được Nhà nước đầu tư.

Các chương trình biểu diễn ngày càng ít và chỉ diễn trong các dịp lễ hội như: Tết Chôl Chnăm Thmây, Đôn Ta, lễ dâng y, cầu an.

“Ngôi sao sáng” của vũ kịch Rô băm

Tại Sóc Trăng - cái nôi của vũ kịch Rô băm chỉ còn lại duy nhất đoàn nghệ thuật Rô băm Bưng Chông của gia đình nghệ nhân Lâm Thị Hương nhưng cũng gặp nhiều khó khăn để duy trì và phát triển. Đây là đoàn kịch dòng họ mà bà Lâm Thị Hương là người gánh vác chính, vừa đảm trách vai trò của người đứng đầu, như 1 trưởng đoàn, vừa là 1 nghệ nhân đa năng, từ múa, sử dụng nhạc cụ, làm đạo cụ đến truyền dạy.

Bà là thế hệ thứ 5 của đoàn. Từ đời ông cụ cố ngoại Trà Suôl là người mở đầu, đến đời ông Trần Dúa và tiếp theo là nghệ nhân Trần Dóc (ông ngoại của bà Hương) - người có công lớn trong việc phát triển đoàn nghệ thuật này. Đại gia đình bà, cả dâu, rể đều đam mê và trình diễn thuần thục vũ kịch Rô băm.

Vốn là “con nhà nòi”, từ khi còn nhỏ, bà đã được dạy múa cũng như cùng gia đình diễn Rô băm. Từ năm 13 tuổi, bà đã được lên sân khấu diễn chính thức. Niềm đam mê vũ kịch Rô Băm như 1 ngọn lửa đã được nhen nhóm từ thời ấu thơ luôn được bà gìn giữ.

Đầu tháng 7/2007, bà đã vinh dự tham gia đoàn gồm 39 nghệ nhân với 11 loại hình văn hóa dân gian đặc sắc của các cộng đồng cư dân khu vực Mê Công, đại diện cho nền văn hóa phong phú và đa dạng của Việt Nam, cùng với đoàn các quốc gia láng giềng thuộc tiểu vùng sông Mê Công sang Thủ đô Wahington của nước Mỹ tham gia Lễ hội Smithsonian năm 2007.



 
Nghệ nhân Lâm Thị Hương biểu diễn Rô băm.
 
Bà chính là người đã soạn vở diễn từ 7 - 8 giờ trình diễn xuống còn 3 - 4 giờ cho phù hợp với thực tiễn và là người chạy đôn chạy đáo tìm nguồn tài trợ cho các hoạt động biểu diễn. Bà luôn trăn trở: “Đoàn không có nhiều buổi diễn vì không còn nhiều khán giả thích xem Rô băm, mỗi năm diễn vài lần không đủ kinh phí để đoàn tồn tại. Điều tôi lo nhất là các bạn trẻ không tha thiết với Rô băm, khi lớp nghệ nhân già chúng tôi ra đi, ai sẽ tiếp nối?”. Nhận thức được điều đó, bà cũng là người tích cực đào tạo, truyền nghề cho những người kế cận. Bà dạy các con của bà nếu không sống được bằng vũ kịch Rô băm thì cũng trân trọng, giữ gìn. Các con bà được tập và hướng dẫn múa, đánh nhạc và làm đạo cụ vũ kịch Rô băm. Khi có dịp, các con cùng diễn với mẹ.

Năm 2015, bà đã trực tiếp đào tạo lớp diễn viên trẻ của Rô băm ở Cà Nhum, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, theo lời mời của ông Đào Chuông, nguyên Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang.

Trong chương trình “Để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình”, từ tháng 6 - 9/2016 bà và các nhóm nghệ nhân, trong đó có con gái út Mỹ Hạnh (sinh năm 2000) tham gia các hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nhằm giới thiệu vũ kịch Rô băm với du khách tham quan. Bà hào hứng chia sẻ: “Xa nhà nhớ lắm nhưng đến “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 các dân tộc Việt Nam để trình diễn và giới thiệu nghệ thuật Rô băm thì vui và tự hào lắm, bà con xa gần được biết đến Rô băm của người Khmer chúng tôi”.

(Theo Làng Việt)

Thu Loan
Bạn đang đọc bài viết "Người lưu truyền vũ kịch Rô băm" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.