Ngọt ngào câu vọng cổ trên đất Vĩnh Long

31/12/2016 09:25

Theo dõi trên

Khi nói đến sân khấu cải lương, giới mộ điệu đều biết và yêu mến “ bài ca vua” của loại hình này, đó là bài vọng cổ.



Các trại viên thăm Lăng Ông Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn.

Dù hiện tại, sân khấu cải lương đang thưa vắng khán giả do nhiều nguyên nhân, nhưng riêng bài vọng cổ thì sức sống vẫn dạt dào bởi tính hào hùng, tự sự và cả hài hước trào lộng... nên chuyển tải được nhiều mặt nội dung của cuộc sống.

Nhận thấy rõ tầm quan trọng và tác dụng của bài ca vọng cổ đối với đời sống tinh thần của người dân vùng đồng bằng sông nước, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long mở trại sáng tác bài ca vọng cổ với gần 20 cây bút đến từ các tỉnh, thành: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bình Phước, Vĩnh Long.

Qua đi thực tế sáng tác, vùng đất và con người Vĩnh Long đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng các soạn giả, tác giả và điều này cũng thể hiện chất lượng tác phẩm nghệ thuật của mỗi người.

Với tác giả Thanh Tịnh- Hội Văn học nghệ thuật Cà Mau, dù chỉ có 6 ngày sống với Vĩnh Long nhưng tình đất, tình người nơi đây có “rất, rất nhiều điều để nhớ”.

Anh cho biết, “lấy cảm hứng từ chuyến đi thăm cáckhu di tích và tấm gương ngời sáng của bác Hai Phạm Hùng, bác Sáu Dân, cố Giáo sư- Viện sĩ Trần Đại Nghĩa cùng những người con kiệt xuất của quê hương… mình sẽ có những tác phẩm thật hay về con người và vùng đất Vĩnh Long”.

Theo anh chính vùng đất anh dũng, kiên trung đã sản sinh ra những con người anh hùng bất khuất, họ chỉ biết sống và chiến đấu để đem lại hòa bình, ấm no cho dân tộc.

Một “Vầng trăng của Tam Bình”(viết về Anh hùng lao động, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa) có thể sẽ là tác phẩm đầu tay của anh khi đến Vĩnh Long dự trại sáng tác lần này.

Đối với tác giả Nguyễn Trung Nguyên- Phó chủ tịch thường trực Hội nhà văn TP Cần Thơ, đây là một chuyến trải nghiệm tuyệt vời, giúp anh biết nhiều hơn về Vĩnh Long, vùng đất nằmgiữa dòng sông Tiền và sông Hậu hiền hòa, quanh năm ngọt mát.

Dù chưa hoàn thành tác phẩm nhưng đã nhen nhóm trong anh một bài vọng cổ viết về cầu Mỹ Thuận, cuộc tìnhcủa người con trai đất Cần Thơ và người con gái Vĩnh Long hẹn hò nơi chiếc cầu thơ mộng, lộng lẫy, soi bóng dưới dòng Sông Tiền chở nặng phù sa.

Một bài hát về vùng khoai lang Bình Tân, nơi mà bà con đã gắn bó hơn 40 năm với hạt lúa củ khoai, nơi mà củ khoai lang tím Nhật đã xuất sang nhiều nước trên thế giới.

Chị Trần Ngọc Hòa- Hội Văn học nghệ thuật Kiên Giang cho rằng, Vĩnh Long đã cho chị nhiều cảm xúc ngọt ngào.

Theo chị, nơi đây là xứ sở của những vườn trái cây oằn cành no quả, những đồng lúa xanh, những luống khoai lang xanh rì bám đất vươn lên trong nắng mới, làng gốm, làng bánh, làng đan thảm lục bình đã bao đời nuôi sống người dân;và đặc biệt là thành phố trẻ bên dòng sông hiền hòa ngọt mát, ngọt như nước sông Tiền, sông Hậu, ngọt lòng người yêu nước, ngọt tình người tình đất, ngọt nghĩa nhân. Trước vẻ đẹp nên thơ này, chị cũng đã “xuất khẩu” mấy câu thơ:


Chạm vào đôi mắt Vĩnh Long

Ta như thấy ánh mặn nồng nghĩa nhân

Tình người rộng mở dễ gần

Từng thớ đất bước tiền nhân tự hào

Ra về lòng thấy nao nao

Vĩnh Long cứ mãi dạt dào trong tim.

Anh Vũ Linh Tâm- Phân hội trưởng Phân hội sân khấu Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Long, dù đất Vĩnh Long không còn xa lạ với anh nhưng chuyến đi này cũng để lại trong anh nhiều ấn tượng đẹp. Có nhiều vùng quê sau bao năm trở lại, anh thấy đổi thay nhiều.


Thăm Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa

Từ con đường làng trước kia lầy lội, em cháu chúng ta vất vả đi tìm con chữ đến ruộng lúa bờ ao chứa đầy những hố bom thù, nay là những khu vườn trái ngọt cây lành cho bà con cuộc sống đủ đầy, là những cánh đồng lúa xanh rờn cò bay thẳng cánh.

Hỏi anh sẽ viết gì, anhcười tươi: “Sẽ viết về cuộc sống đi lên của người dân nơi vùng căn cứ, sự đổi mới của làng quê ở những nơi xưa kia là chiến tíchmột thời đấu tranh gian khổ, hào hùng của quân và dân Vĩnh Long.

Viết về những người con anh dũng của đất mẹ Vĩnh Long, ca ngợi sự hy sinh to lớn của ông cha mình ngày trước để hôm nay mọi người có cuộc sống ấm no hạnh phúc”…

6 ngày trải nghiệm và thực tế tại một số nơi trong tỉnh Vĩnh Long nhưng các tác giả đã có nhiều kỷ niệm khó quên.

Rồi đây các bài vọng cổ viết Vĩnh Long ra đời, dù mỗi người một cảm nhận riêng nhưng tất cả đều có chung lòng yêu mến nghệ thuật đặc sắc của vùng đất phương Nam. Con tằm kia lại nhả tơ, đem đến cho đời những sợi tơ vàng óng đó là các làn điệu quê hương ngọt ngào tô thắm cuộc đời thêm hương sắc.

(Theo Vĩnh Long Online) 

Hồ Văn
Bạn đang đọc bài viết "Ngọt ngào câu vọng cổ trên đất Vĩnh Long" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.