Ngọk Linh ký sự: Những ngôi làng trên đỉnh mây mù

31/07/2017 15:32

Theo dõi trên

“Các anh vào núi à! Cho em vào theo với, nhà em cũng gần thôi, ngay dưới chân núi thôi!...” Cậu học trò người Xê Đăng vẫy chúng tôi ngay dưới chân một con dốc nhỏ gập ghềnh đá. Chúng tôi nhìn cậu học trò, rồi “a lê hấp”, thế là có thêm một anh bạn đồng hành nhỏ tuổi ngồi chêm chệ sau chiếc xe máy đã lỉnh kỉnh các thứ vật dụng, hướng thẳng vào chân núi Ngọk Linh nhiều huyền thoại...



Lên đường...

Trong ngôi làng Xơ Đăng

Cậu học trò có cái tên Hồ Văn Bấc bằng tiếng kinh lơ lớ, liến thoắng kể cho chúng tôi nghe về trường học và bạn bè của cậu dưới huyện. Thì ra cậu là một trong số học sinh ít ỏi của xã Trà Linh dưới chân núi Ngọk Linh đang theo học tại trường huyện. 

Nam Trà My là một huyện miền núi, mới tách của huyện Trà My cũ, nên vẫn còn vô vàn những khó khăn. Dẫu đã được đầu tư nhiều, xong cơ sở hạ tầng vẫn chưa có gì đáng kể. Ngoài thị trấn Tăk Pỏ là khu trung tâm hành chính huyện, các xã còn lại đều còn rất nghèo, đời sống người dân vẫn rất khốn khó. Con đuờng lên xã Trà Linh đang được đầu tư xây dựng, nên có nhiều đoạn là đuờng nhựa, nhiều đoạn đuờng bê tông khang trang, nhưng phần nhiều vẫn là đường đất. Đoạn đường gần 20km lúc cong vồng, lúc xuôi thẳng nhưng cảnh sắc rất hữu tình. Suối trong, vực sâu, vách núi đổ đầy những đụn đất đá và cả ngọn cây cao vút giữa trời. Để rồi vượt qua 5 giờ đồng hồ, chúng tôi đã có mặt ở thôn 2, xã Trà Linh, nằm lưng chừng trên dãy núi Ngọk Linh.
 


... vào Trung tâm xã bằng con đường này

Xã Trà Linh có 4 thôn, 15 nóc, trong đó nghĩa của các nóc luôn gắn liền với đời sống tự nhiên. Chẳng hạn như nóc Măng Lùng (nghĩa là nơi ở cao trên mây), quanh năm thời tiết đều lạnh. Cậu học trò nhỏ dẫn chúng tôi vào nhà, một ngôi nhà sàn làm bằng gỗ đơn sơ như bao nhiêu ngôi nhà khác của đồng bào xê đăng dưới chân núi này. Đêm ấy, chúng tôi đã ở lại để nghe thấm những âm thanh của đại ngàn Trường sơn sau một chặng đường vất vả.

Những người dân giọng lơ lớ đáng yêu, đấy chỉ là một phần vì còn nhiều người lớn tuổi không biết nói tiếng Kinh. Cậu học trò tên Bấc đành phải làm “phiên dịch” cho chúng tôi trong cuộc nói chuyện ấm áp bên bếp lửa đượm nồng và ché rượu cần vơi rồi lại đầy. Quả thật chúng tôi vô cùng bất ngờ bởi sự hồn hậu và những suy nghĩ chân chát thật thà của con người nơi đây. Bấc dẫn chúng tôi và nhà già làng Hồ Văn Đích. Già đích ngồi bên cái bếp, miệng cười và giọng nói sang sảng. Trên bếp không thiếu các loại thịt hong khô và bên cạnh là những ché rượu cần đầy ắp. Xung quanh, những cô bé, cậu bé đen nhẻm e thẹn không dám nói chào, cứ chạy lăng quăng theo những người khách lạ. Già Đích bảo: “Các con cứ ngồi, uống rượu cho say đi rồi nghỉ lại nhà của bố (cách gọi người già của người Xê Đăng – PV) đừng lo. Nhà bố nhiều rượu mà. Ai đến cũng như người nhà của bố thôi!” 
 


"Dưỡng sức" để tiếp tục cuộc hành trình...



Trên đỉnh Ngọk Linh

Câu chuyện vùng sâm 

Ở cái nóc cao hun hút trong mây mù này, điện và nước là hai thứ được dùng thoải mái, không mất tiền. Vài hộ chung nhau làm một cái máy phát điện ở dưới suối, nước sinh hoạt thì dẫn trên núi về xả 24/24 giờ. Chúng tôi ngồi nói chuyện với ông Hồ Văn Ngơng, thôn phó thôn 2, sau một hồi tính toán mông lung lắm ông mới nhớ được thôn mình có tất cả 6 nóc ở rải rác quanh núi Ngọc Linh, trong đó có nhiều nóc mấy năm rồi ông chưa đến. Hỏi về chuyện gạo ăn, ông Ngơng thủ thỉ: “Trên này lạnh quá nên cây lúa không lớn được, mỗi năm bà con mình chỉ làm được một vụ, mỗi hécta thu chừng hai chục bao lúa thôi, thế là nhiều lắm, năng suất lắm rồi. Còn cây sắn dưới đồng bằng trồng một năm, thì ở Trà Linh phải chờ đến hai năm mới thu hoạch được, khi đó củ sắn lớn hơn ngón chân cái một chút. Chuyện chăn nuôi cũng không khá hơn, khi mỗi năm có đến vài chục con trâu, bò chết rét”.

Chúng tôi hỏi chuyện trồng sâm, thì dường như ai nấy cũng hớn hở hẳn lên, già Đích nói với chúng tôi là gia đình ông mấy năm qua đã trồng được gần 500 cây sâm Ngọc Linh. Hiện nay vườn sâm của gia đình ông đã bước sang tuổi thứ tư, nếu tất cả đều thuận lợi ít năm nữa ông thu về khá bộn tiền từ sâm. Quả thật, nhìn những nóc nhà trong thôn 2 này, vì nhờ có củ sâm, cư dân đã thay mái tranh vách nứa bằng mái tôn vách ván, điều kiện sống cũng khá hơn trước, đàn trâu bò cũng nhiều lên.

Ông Ngơng cho biết, từ hiệu quả kinh tế cao do cây sâm mang lại, vài ba năm trở lại đây, tại xã Trà Linh huyện Nam Trà My, đã xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú trẻ như: Hồ Văn Lượng ở nóc Măng Lùng, sở hữu hơn 2 tỷ đồng từ việc trồng và bán sâm, hay ông Hồ Văn Du ở thôn 2 xã Trà Linh cũng đã gửi ngân hàng hàng tỷ đồng... Cũng từ cây sâm, đời sống của người dân vùng núi cao Ngọc Linh đã có những đổi thay đáng kể, nhiều hộ dân đã có phương tiện nghe nhìn hiện đại, nhà tranh tre, nứa là đã được thay bằng những mái tôn, cái đói, cái nghèo đã dần lùi xa, con trẻ được học hành.

Sau một giấc ngủ sâu giữa cái lạnh của đại ngàn cạnh bếp lửa giữa nhà sàn, sớm mai ở Trà Linh lại… vắng mặt trời. Sương cứ chùng chình qua mái bếp, giăng đầy lên cỏ cây. Chẳng thấy gì ngoài màn sương đặc quánh. Giơ tay hứng giữa trời, những giọt sương li ti đọng đầy trong vốc tay, lạnh ngắt...

Còn tiếp...

 
Tiêu Dao

Bạn đang đọc bài viết "Ngọk Linh ký sự: Những ngôi làng trên đỉnh mây mù " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.