Nghệ thuật múa rối: Những câu chuyện về nhân sinh

10/11/2016 07:42

Theo dõi trên

Múa rối là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian độc đáo. Theo thời gian, múa rối dần trở thành nghệ thuật truyền thống, mang đậm nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.


Tuy nhiên lâu nay, người ta vốn chỉ quen thuộc với nghệ thuật rối nước. Những thể nghiệm mới đây của các nghệ sĩ trong lĩnh vực này ở loại hình rối dây và rối que đã mang lại những khám phá bất ngờ cho khán giả.

Đậm đà bản sắc Việt Nam

Trong nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, múa rối hấp dẫn người xem bởi nhiều yếu tố kết hợp giữa trực quan sinh động, âm nhạc và cả cốt truyện mà các nghệ sĩ dẫn dắt.

Mỗi con rối là một sản phẩm nghệ thuật kỳ công, được đẽo gọt một cách tỉ mỉ, trau chuốt qua những đôi tay khéo léo của nghệ nhân dân gian.

Những thân gỗ vô tri trở thành những nhân vật có hồn, lại có thể làm động tác khiến cho người xem thích thú. Kế đó là những tích truyện hấp dẫn được kể lại bằng hình thức độc đáo kết hợp với những âm thanh tươi vui rộn rã. Nên từ lâu nghệ thuật rối nước đã trở thành “món ăn đặc sản” của khách du lịch khi đến với Việt Nam.

Dưới bàn tay khéo léo của những người nghệ sĩ, những con rối đã trở nên có hồn, tạo nên những vở kịch rối hết sức sống động và đẹp mắt.

Thông qua đó, người nghệ sĩ phản ánh lại đời sống bằng cách kể những câu chuyện gần gũi gắn bó với đời sống con người. Và cũng từ đó nghệ thuật múa rối nói chung đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Không chỉ biểu diễn ở Việt Nam, nghệ thuật rối nước đã vượt ra thế giới đại diện cho nét văn hóa truyền thống để đến với bạn bè năm châu.

Tuy nhiên nếu trước đây, người ta chỉ biết đến rối nước thì giờ đây nghệ thuật rối que đã chinh phục được những khán giả yêu vẻ đẹp truyền thống dân tộc.

Với chủ trương sẽ đưa những chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu đạt chất lượng cao về tư tưởng, nội dung nghệ thuật tại Nhà hát Lớn, mà nghệ thuật múa rối đã có mặt tại thánh đường nghệ thuật này.

Điều đặc biệt là, chỉ trong hai tháng gần đây nghệ thuật múa rối đã trình làng hai chương trình nghệ thuật rối được đánh giá rất đặc sắc và xứng tầm quốc tế.

Gửi gắm câu chuyện về nhân sinh

Giữa tháng 9 chương trình “Nhịp điệu quê hương” lần đầu tiên ra mắt khán giả tại Nhà hát Lớn đã thực sự thành công. Các nghệ sĩ đã thuyết phục được khán giả bởi những cảm xúc thăng hoa trong đêm diễn.

Chỉ bằng những đạo cụ vô cùng giản dị gần gũi với đời sống của người lao động, các nghệ sĩ rối que đã thổi hồn vào những con rối tựa hồ vô tri vô giác.

Qua sự sáng tạo của người nghệ sĩ, những bức tranh quê hương mộc mạc bình dị đã được tái hiện trước mắt người xem. Bên cạnh đó sự kết hợp nhuần nhị giữa ánh sáng và âm thanh đã tạo hiệu ứng hết sức độc đáo.

Chương trình “Nhịp điệu quê hương” được dàn dựng dựa trên một số làn điệu dân ca truyền thống, gần gũi với đời sống sinh hoạt của người nông dân Việt Nam.

NSND Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam - chia sẻ: Hồn quê, tình quê được gửi gắm qua hình ảnh những cô thôn nữ trong trang phục mớ bảy mớ ba, hình ảnh cánh cò trong lời ru của mẹ, hình ảnh cậu bé thổi sáo chăn trâu …

Tất cả tạo nên bức tranh cuộc sống, thành khung cảnh lao động hăng say với các trích đoạn: “Đeo mặt nạ”, “Chăn trâu”, “Múa sen Việt”, “Hát ru”, “Múa gà”, “Múa chân”…

Chương trình nghệ thuật múa rối “Vũ điệu hoa quỳnh” lại là sự sáng tạo đầy kỳ thú. Tưởng rằng khó có thể hòa quyện được sự tinh tế mềm mại của hình ảnh những đóa quỳnh nở trong đêm dưới hình thức những khúc tre khô cứng, nhưng các nghệ sĩ tài hoa đã làm điều này rất tuyệt vời.

Chương trình “Vũ điệu hoa quỳnh” được dàn dựng thành 2 phần: Phần múa quạt và Vũ điệu hoa quỳnh. Nếu “Nhịp điệu quê hương” là sự tổng hòa của nhiều thể loại rối với nhau, thì “Vũ điệu hoa quỳnh” chú trọng đến loại hình rối dây và rối que.

Các con rối được chuyển động thông qua sự điều chỉnh khéo léo của các nghệ sĩ với các dây nối. Thậm chí có những con rối phải sử dụng tới 30 sợi dây trong khi điều khiển. Cái tài của các nghệ sĩ là làm sao phải linh hoạt khéo léo để tạo nên sự dịch chuyển theo một loạt ý tưởng được xâu chuỗi.

Không chỉ có rối nước mà nhiều loại hình rối khác trong đó có rối que và rối dây vẫn luôn là miền đất đầy tiềm năng để những người nghệ sĩ hết lòng với nghệ thuật này khai phá.

Không đơn thuần chỉ mang lại tiếng cười giải trí cho người xem, nghệ thuật rối còn có thể gửi gắm nhiều điều hơn thế trong nhân sinh quan cuộc sống này và hướng con người tới cái thiện tới những điều tốt đẹp.

(Theo Giáo Dục Thời Đại)

Thu Thủy
Bạn đang đọc bài viết "Nghệ thuật múa rối: Những câu chuyện về nhân sinh" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.