Nghệ nhân Jrai-Người khiến hoa văn "nhảy múa"

13/07/2016 08:41

Theo dõi trên

Từ bé đã được mẹ, bà và những người lớn chỉ dạy nghề dệt thổ cẩm, chị Rahlan Pel (thôn Phung 1, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) nhanh chóng “bén duyên” khung cửi và những sợi chỉ đủ sắc màu. Sáng dạ nên chị học nhanh, dệt nhanh, khéo léo và đầy sáng tạo trong các hoa văn tinh xảo, phức tạp... Các hoa văn trên váy áo thổ cẩm có thể “nhảy múa” khiến người con gái Jrai nào nhìn vào cũng phải khâm phục.

Nhờ niềm đam mê dệt vải cộng với sự thông minh sáng tạo, năm 2002, chị Rahlan Pel được công nhận là nghệ nhân dệt thổ cẩm truyền thống, được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm Biển Hồ, trực tiếp hướng dẫn hơn 100 học viên dệt vải.
 


Chị Rahlan Pel (thứ 2 từ trái sang) ngắm sản phẩm của lớp học dệt thổ cẩm nâng cao. Ảnh: Y.P

Những năm qua, chị nhiều lần được mời đi hướng dẫn cách dệt thổ cẩm cho cá nhân cũng như nhiều tổ chức có yêu cầu trên toàn tỉnh. Đặc biệt, không những chỉ bảo nghề dệt mà chị Pel còn truyền đến các lớp học niềm tự hào dân tộc đối với nghề dệt trang phục truyền thống Jrai. Năm 2015 và đầu năm 2016, chị được mời hướng dẫn một lớp dệt thổ cẩm với nội dung cơ bản và nâng cao dành cho hơn 30 học viên, tổ chức tại làng Kép (phường Đống Đa, TP. Pleiku). Qua 48 buổi học, ngoài màu sắc và hoa văn truyền thống, các học viên đã học được hơn 10  mẫu hoa văn tinh xảo và phức tạp như hình hạt gạo, bông lúa, hình người, con cá, nhà rông, bông hoa, hoa văn Jrai…, thể hiện trên 20 sản phẩm các loại như: túi, địu, khăn quàng, khăn choàng, khăn trải bàn, áo váy, áo nam, dây buộc đầu, trang sức đeo tay…

Chị Rơ Châm H’Buyih, đến từ huyện Ia Grai, xúc động chia sẻ: “Nếu như không có lớp dệt cơ bản và lớp dệt nâng cao diễn ra liên tục trong 2 năm qua chắc chúng tôi đã quên hết cách dệt rồi, đừng nói là những hoa văn khó. Không học thì làm sao biết làm. Bây giờ chúng tôi rất tự tin dệt cho bản thân cũng như gia đình và mọi người có nhu cầu đặt hàng. Cảm ơn  cô giáo Pel đã tâm huyết, nhiệt tình chỉ dạy, qua lớp học nâng cao này chúng tôi sẽ về truyền đạt lại cho con cháu và dạy những ai muốn học…”.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Pel trải lòng: “Điều khiến mình hạnh phúc nhất là nhìn thấy các chị từ chỗ đã quên các kỹ thuật dệt, có những chị chưa dệt lần nào, giờ đã tự tin học từ lớp cơ bản đến nâng cao với tinh thần tự giác, chăm chỉ, có những sản phẩm đẹp và bản thân người dệt khi nhìn thấy cũng ngỡ ngàng và vui lắm... Vì thế nếu có cá nhân và tổ chức nào mời, mình sẽ cố gắng sắp xếp việc gia đình để đến với lớp bằng tất cả niềm đam mê”. Chị Pel cũng trăn trở chuyện lâu nay thanh niên không còn thích mặc đồ thổ cẩm nữa, điều ấy đồng nghĩa với việc không biết và không thích học nghề dệt thổ cẩm. Đáng buồn hơn, khi có lễ hội bắt buộc phải mặc trang phục truyền thống thì có những gia đình không có nổi 1 bộ đồ thổ cẩm mới, đẹp để mặc, có khi phải đi mượn hoặc mua gấp về mặc.

Bên cạnh đó, theo chị Pel, việc trao đổi, mua bán các sản phẩm từ nghề dệt hiện vẫn đang gặp khó, “chủ yếu thấy ở đâu có nhu cầu là đến mời chào và có chỗ họ mua, đặt hàng, có chỗ không mua. Có chị đã dệt được cả chục bộ đẹp, hoa văn tinh xảo có giá trị từ 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng/bộ  mà vẫn chưa tìm được người mua, vì thế động lực của các chị chưa thật sự được phát huy. Tôi mong rằng các cơ quan, ban ngành sẽ quan tâm hơn nữa và có những dự án thiết thực giúp nghề dệt phát triển và đi vào ổn định để ngoài việc gìn giữ, phát huy văn hóa của dân tộc mình, các mẹ, các chị còn có nguồn thu nhập nhất định giúp đỡ gia đình”-chị Pel chia sẻ.

(Theo Báo Gia Lai)

Y PHƯƠNG
Bạn đang đọc bài viết "Nghệ nhân Jrai-Người khiến hoa văn "nhảy múa"" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.