Nghệ nhân gắn bó 70 năm với nhạc cụ dân tộc Ba Na

09/09/2016 14:38

Theo dõi trên

Nghệ nhân dân gian Phan Chí Thành - người dân tộc Ba Na là một trong số ít nghệ nhân lão thành tại vùng đất Bình Định có nhiều đóng góp cho nền văn hóa dân gian, nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Ông vừa có khả năng chế tác nhạc cụ vừa thực hành biểu diễn nhạc cụ truyền thống dân tộc Ba Na K’riêm.

Cội nguồn niềm đam mê

Về thôn Đại Khoan, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, gặp nghệ nhân dân gian Phan Chí Thành (89 tuổi) người dân tộc Ba Na. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên khi gặp ông, mặc dù tuổi đã cao nhưng nghệ nhân thổi sáo, chơi nhạc cụ, đọc thơ rất hay. Ông khoe với chúng tôi về bộ nhạc cụ dân tộc Ba Na K’riêm độc đáo mà ông tự chế tác. Mỗi một loại nhạc cụ đều phát ra những âm thanh kỳ diệu, rất lạ, độc đáo khiến chúng tôi mê mẫn và thán phục tài năng người nghệ nhân lão thành này.



Sinh ra trong gia đình có truyền thống chế tác và chơi nhạc cụ dân tộc K’riêm nên ông sớm được tiếp xúc với văn hóa dân gian, nhạc cụ dân tộc Ba Na K’riêm từ nhỏ. Gia đình chính là nguồn cội hun đúc niềm đam mê chế tác, biểu diễn nhạc cụ truyền thống dân tộc Ba Na K’riêm cho ông.

Cuộc đời của nghệ nhân Phan Chí Thành trải qua nhiều thăng trầm trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Đó cũng là ngần ấy thời gian ông gắn liền với chiếc đàn Bơ-răng 12 dây do mình chế tác.

Dành trọn đời cho nhạc cụ dân tộc

70 năm gắn bó, đam mê với nhạc cụ dân tộc Ba Na K’riêm, ông đã chế tác ra 15 loại nhạc cụ gồm cả bộ dây, bộ hơi, bộ gõ như đàn Bơ-răng, đàn Pơlơng-khơng, đàn Tơ-rưng, đàn Bơ-ró, đàn Hơ-đoong, sáo Bê-lá, K’long Put, Đing Jơng, Đing Hor, trờ triếp, ta lum, cồng chiêng, phù hồ, tơ nút. Trong đó đặc biệt là loại nhạc cụ cổ vũ độc đáo thuộc bộ gõ làm bằng gỗ xương mộc, dáng hình thang có kích thước 0,8m x 0,4m, bên trong đục rỗng ruột. Mỗi khi đánh nó vang lên âm thanh lảnh lót, dồn dập, hối thúc như tiếng hò reo cổ vũ săn thú, có khi khoan thai, đều đều như tiếng mõ gọi trâu, bò về chuồng lúc hoàng hôn.



Đây là những loại nhạc cụ truyền thống mà người dân tộc Ba Na hay sử dụng trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, vào dịp cúng, giỗ, cưới, hỏi, lễ, tết của làng. Chúng được làm bằng chất liệu có sẵn trong tự nhiên, gần gũi với cuộc sống nơi núi rừng của đồng bào Ba Na, lợi dụng sức nước, sức gió để tạo ra âm thanh: đá, tre, nứa, gỗ, dây cước, vỏ quả bầu khô. Tuy những nhạc cụ này chế tác còn thô sơ nhưng lại rất độc đáo về hình thức lẫn âm thanh thể hiện qua nhiều cách thức biểu diễn như gõ, thổi, búng, gảy, kéo, vỗ. Người Ba Na làm ra những nhạc cụ dân tộc mình là thể hiện sự giao hòa, chinh phục của con người đối với thiên nhiên hùng vĩ.

Tâm sự với chúng tôi, nghệ nhân dân gian Phan Chí Thành chia sẻ: “70 năm cuộc đời gắn bó, đam mê với nhạc cụ dân tộc Ba Na K’riêm. Nỗi niềm khắc khoải, đau đáu trong lòng tôi bấy lâu là không có con nên tôi không có người kế nghiệp chế tác nhạc cụ truyền thống của gia đình. Bọn trẻ bây giờ ít mặn mà với nhạc cụ dân tộc lắm. Tôi cũng đã truyền dạy cho nhiều thế hệ con cháu trong dòng tộc, trong làng nhưng không ai chơi nhạc cụ làm tôi ưng cái bụng chứ nói gì đến chế tác. Hiện nhiều nhạc cụ bị hư hỏng không sử dụng được mà vẫn chưa thể sửa lại. Tôi chỉ mong tìm được người tài năng để truyền dạy nghề thôi”

(Theo Làng Việt Online)

MỸ BÌNH
Bạn đang đọc bài viết "Nghệ nhân gắn bó 70 năm với nhạc cụ dân tộc Ba Na" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.