Nghe đờn ca tài tử ở quê hương Cao Văn Lầu

23/10/2018 16:37

Theo dõi trên

Đời ca tài tử xuất hiện vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, phong trào phát triển mạnh nhất, gây được tiếng vang nhất là ở xứ Bạc Liêu và Cần Đước (Long An), nên có câu: “Nhất Bạc Liêu, nhì Cần Đước). Chính vì thế Bạc Liêu, với những tên tuổi nổi tiếng như Nhạc Khị, Cao Văn Lầu, Ba Chột, Bảy Nhiêu đã được tôn vinh là cái nôi của phong trào đờn ca tài tử Nam bộ.

Từ nhiều năm nay, du khách đi bất cứ tỉnh, thành nào ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nếu muốn và có nhu cầu đều được thưởng thức chương trình biểu diễn đờn ca tài tử. Nhưng có lẽ trong tâm thế mỗi du khách sẽ vẫn cảm thấy thú vị nhất, thăng hoa nhất là khi được thưởng thức đờn ca tài tử tại Bạc Liêu, nơi được coi là cái nôi của loại hình nghệ thuật này.

Những năm trước, khi tới Bạc Liêu công tác, tôi vẫn thường dành thời gian buổi tối để thưởng thức chương trình đờn ca tài tử ở chính khách sạn mình lưu trú ngay trung tâm thành phố Bạc Liêu.

Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu và thu hút đông đảo du khách khi tới Bạc Liêu muốn thưởng thức đờn ca tài tử, ngành du lịch tỉnh nhà đã cho thành lập một đội chuyên trách biểu diễn hằng đêm trên một sân khấu tại khuân viên biệt thự cổ rộng lớn của công tử Bạc Liêu.

Tại đây, du khách sẽ được thưởng thức một chương trình đờn ca tài tử với phần lớn là những giọng ca, ngón đờn nổi tiếng của xứ Bạc Liêu biểu diễn. Trong chương trình, du khách sẽ được thả hồn theo nhiều cung bậc cảm xúc của 20 bản tổ danh bất hư truyền qua những giọng ca, ngón đàn tài danh biểu diễn như: “Lưu thủy trường”, “Phú lục chấn”, “Bình bán chấn”, Xuân tình chấn”, “Cổ bản vắn”, Tây Thi vắn” (Bắc); “Ngũ đối thượng”, “Ngũ đối hạ”, “Long đăng”, “ Long ngân”, “Vạn giá”, “Tiểu khúc”, “Xàng xê” (Hạ); “Nam xuân”, “Nam ai”, “Nam đảo” (Nam); “Tứ đại oán”, “Phụng hoàng”, “Phụng cầu”, Giang Nam” (Oán).

Ngoài 20 bản tổ kể trên, du khách còn được nghe rất nhiều bản đờn ca tài tử của những soạn giả danh tiếng không chỉ của xứ Bạc Liêu mà của cả Nam bộ.

Đó là nhạc sư Lê Tài Khí (Nhạc Khị) với bốn bản nổi tiếng được xem là báu vật: “Ngự giá đăng lâu”, “Minh hoàng thưởng nghiệt”, “Phò mã giao duyên” và “Ái tử kê”; soạn giả Cao Văn Lầu với 3 bản bất hủ: “Dạ cổ hoài lang”, “Thu Phong”, “Giọt mưa đêm” và của soạn giả Ba Chột với các bản nổi tiếng: “Liêu giang, “Ngũ quan”, “Mẫu đơn”, “Lý con sáo”…

Tiếng đàn khi réo rắt, lúc nhấn nhá hòa với giọng ca khi lên bổng, lúc xuống trầm, ngân nga đầy ngẫu hứng và biến hóa càng về khuya càng cuốn hút, càng làm say đắm, thổn thức lòng du khách. Đặc biệt là ngón đàn kìm của tài nữ Ngọc Cần khiến người nghe mê mẩn như bị thôi miên hút hồn, với những bản “Tứ đại oán”, “Phụng hoàng”, “Phụng cầu”,  “Nam ai”, “Nam xuân” “Xàng xê” và “Dạ cổ hoài lang”…


 
Tại khuôn viên biệt thự công tử Bạc Liêu, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu hằng đêm đều có biểu diễn đờn ca tài tử phục vụ du khách
Đêm nghe đờn ca tài tử ở Bạc Liêu, qua lời giới thiệu dẫn dắt chương trình của MC, du khách sẽ hiểu hơn về sự hình thành và phát triển loại hình nghệ thuật đặc sắc, độc đáo này. Theo đó, đờn ca tài tử hay còn có cách gọi khác là ca nhạc tài tử vốn có gốc từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế, kết hợp với những làn điệu dân ca ngọt ngào của các địa phương Nam bộ, xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Trong giai đoạn này, việc cách tân và hiệu đính “thập loại bài bản” là nhất lý, nhì ngâm, tam nam, tứ oán, ngũ điểm, lục xuát, thất chỉnh, bát ngự, cửu nhĩ, thập thủ lien hườn đã được nhen nhóm. Người khởi xướng phong trào là nhạc sư Lê Tài Khí (Nhạc Khị), thầy của Cao Văn Lầu, với sự cộng tác tích cực của Sư Nguyệt Chiếu ở chùa Vĩnh Phước, nay thuộc phường 3 thành phố Bạc Liêu.

Đờn ca tài tử là loại hình ca diễn với sự góp mặt của các giọng ca và nhạc công ban nhạc gồm 4 loại nhạc cụ chủ yếu như đàn kìm, đàn cò, đàn đàn tranh, đàn bầu, sau này cách tân có thêm cây ghi ta phím lõm.  

Trong dân gian xứ Bạc Liêu từ lâu đã lưu truyền câu đối nổi tiếng rằng: “Thức thời tối thiểu làu thông nhị thập huyền tổ bản/ Quán thế thâm đa lịch luyện thất thập nhị huyền công”. Nghĩa là người hiểu biết về đờn ca tài tử không chỉ am tường tối thiểu  20 bản tổ, mà còn phải am tường thông suốt 72 bản khác nhau. Đó chính là cái công phu trong khổ luyện của người đàn, người hát đờn ca tài tử vậy. Chính vì thế năm 2014, Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất đã được tổ chức tại Bạc Liêu, nhằm tôn vinh và quảng bá nghệ thuật đờn ca tải tử Nam bộ, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Kết thúc chương trình, du khách bao giờ cũng được chìm đắm vào những câu ca vọng cổ ngọt ngào đầy cảm xúc ngậm ngùi, lưu luyến trong những giây phút chia tay, hò hẹn.

“Đêm Bạc Liêu nghe đờn ca tài tử/ Theo ai về hò hẹn đất phương Nam/ Tiếng đàn kìm nổi trôi đời xa xứ/ Ngậm  ngùi thương khúc “Dạ cổ hoài lang”….


Lương Định
Theo baodansinh.vn

Bạn đang đọc bài viết "Nghe đờn ca tài tử ở quê hương Cao Văn Lầu" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.