Nghệ An: Cảnh giác với những trò lừa đảo

10/01/2019 14:52

Theo dõi trên

Thời gian qua trong lúc nhiều tập thể, cá nhân đã ra sức cùng nhau để giúp đỡ những số phận, mảnh đời khó khăn hoạn nạn trong cuộc sống, thì sau đó lại xuất hiện những đối tượng đã lợi dụng với nhiều chiêu thức khác nhau lừa đảo để chiếm đoạt tiền của các mảnh đời khốn khổ.



Cô Huệ, một giáo viên có hoàn cảnh rất khó khăn ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đã được bạn đọc ủng hộ, giúp đỡ xây dựng nhà cửa sau bài báo "Lời khẩn cầu của một giáo viên" đăng tải trên Phương Nam Plus. Ảnh: P.V

Trước đó, Phương Nam Plus đã đăng bài “Lời khẩn cầu của một nữ sinh trung học”. Bài viết này đã được bạn đọc ủng hộ và chia sẻ lan toả trên cộng đồng mạng xã hội. Tại Nghệ An, Hội thiện tâm “Đình Lộc và Cộng sự” cũng đã đứng ra tổ chức trao học bổng 30.000.000 đồng cho em Th. B (nhân vật trong bài báo) 3 năm học THPT. Rất vui khi em Th. B được một mạnh thường quân tại TP. Hồ Chí Minh nhận tài trợ toàn bộ kinh phí cho tất cả các năm nếu Th. B đậu vào đại học…

Cho đến thời điểm này vẫn chưa thống kê số tiền ủng hộ của bạn đọc gửi về để giúp chị Hoà (mẹ của em Th. B) chữa bệnh, nhưng đã xuất hiện một người đã tự xưng là một thầy giáo Nghệ An “sẽ đứng ra tài trợ một phần cho em Th. B học hết cấp 3 và đạt học”.

“Họ gọi điện, bảo là sẽ tài trợ cho con tôi đạt được ước mơ. Nhưng yêu cầu được gặp trực tiếp em Th. B. Họ gọi cho con tôi tán tỉnh trên trời dưới đất rồi dụ con tôi vào thành phố Vinh để gặp. Thấy nghi ngờ, tôi đã chặn số này”, chị Hoà cho biết.

Ở một trường hợp tương tự, một người ở nước ngoài nhắn tin thông báo, Công ty của bà ta ở Malaixia tài trợ 5.000 USD và sẽ chuyển qua đường sân bay. Quả nhiên, 5 ngày sau có một  nữ “nhân viên sân bay” gọi đến. Chị ta bảo có một người nước ngoài gửi tài trợ bằng USD, tuy nhiên “luật” Việt Nam là phải quy ra tiền bằng 120.000.000 đồng, chị phải nạp phí chuyển đổi 20 triệu đồng để lấy số tiền kia. Rất may các chiêu bài trên đã được phóng viên giúp đỡ gia đình bóc mẽ nên không bị lừa.

Cũng từ bài báo trên Phương Nam Plus, một mảnh đời đã bị lừa hoàn hảo và kỳ công. Chồng mất một mình nuôi 2 con thơ, nuôi luôn mẹ chồng già, chị (xin không nêu tên) được bạn đọc mọi miền ủng hộ 295.000.000 đồng. Một hôm, có vị khách đi tô tô về tận nhà tự xưng là cán bộ Hội chữ thập đỏ “thông báo cho chị một tin mừng, chị được tài trợ 115.000.000 đồng.

"Chị theo tôi vô tỉnh nhận và mang theo 15.000.000 đồng làm thủ tục rồi sau lấy lại”, người đàn ông này nói. Thấy chị còn chần chừ, vị khách vờ kêu lên: “Em không cầm tiền của chị đâu mang tiếng lắm, chị tự cầm vô làm thủ tục và nhận luôn”. Mừng quá đổi lại thấy chắc ăn, chị vẫn cẩn thận nhờ thêm một chị bạn cùng đi. Xe dừng lại trước cổng Hội chữ thập đỏ Nghệ An ở đường Dương Vân Nga, thành phố Vinh. 2 chị em quay lại bảo nhau: “Tưởng bị lừa hóa ra là thật” rồi ôm chầm lấy nhau vì hạnh phúc. Đến quán nước trước cổng, người “cán bộ” bảo hai chị đợi chút rồi bệ vệ đến trước cổng bắt tay bảo vệ ra chiều thân mật, trao đổi chuyện gì đó rồi tất tả chạy ra bảo: “Chị đưa tiền đây, em vô nạp để lấy... Số bảo vệ nó mới cho vô cổng”. Người này cầm tiền bước vô phía trong rồi biến mất không sủi tăm. Đợi mãi không thấy “cán bộ” quay ra, 2 chị đến hỏi bác bảo vệ và kể lại sự tình, ông kêu lên: “Chị bị lừa rồi, ông ta không phải người cơ quan, chỉ bảo vô cơ quan hỏi về chế độ thôi”.


Riêng cô Hồ Thị Huệ, nhân vật trong bài “Lời khẩn cầu của một giáo viên” được đăng tải trên Phương Nam Plus đã được bạn đọc ủng hộ hơn 500.000.000 đồng thì lại được hàng chục nhân viên của các Công ty bảo hiểm khác nhau đến mời mọc mua các gói bảo hiểm với những quyền lợi cao ngất ngưởng. Lại có nhiều người đến mời chị hùn vốn bán hàng đa cấp, vào các Công ty đa cấp góp một lãi mười. Cô lại được mới làm “Đại sứ thiện chí” cho tổ chức “Vòng tay lớn”? mà ở đó, chỉ cần góp vô 30 triệu thì sẽ được nhận về 300 triệu trong 3 năm...

Đó chỉ là một vài ví dụ cho những “con kền kền” muốn bám vào những cảnh đời khốn khổ để chiếm đoạt tiền của họ. Mong rằng bài viết này sẽ là bài học cho tất cả mọi người. Riêng các cảnh đời hiện nay đang được rất nhiều bạn đọc quan tâm ưu ái, đa số họ đều sống trong cảnh nghèo khó và lần đầu tiên có số tiền lớn nên luôn là đối tượng nhắm tới của bọn bất lương.
 
Nguyễn Đình Lộc

Bạn đang đọc bài viết "Nghệ An: Cảnh giác với những trò lừa đảo" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.