Ngày “trở về” của một liệt sỹ

10/11/2021 16:01

Theo dõi trên

Đó là liệt sĩ Đỗ Duy Linh, sinh năm 1932 tại thôn Bình Hòa, xã An Dân, tỉnh Phú Yên. Nhập ngũ năm 1961, là trinh sát quân báo Thị Đội Tuy Hòa. Liệt sỹ đã hi sinh trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

ls-do-duy-linh-1636520550.png
Chân dung liệt sỹ Đỗ Duy Linh

Vào một sáng tháng 2/2000, bất ngờ anh Đỗ Duy Vinh gọi điện nhờ tôi đi chụp ảnh giúp. Vốn tính xông xáo nên tôi ngay lập tức “ôm” máy ảnh lên đường. Đến điểm tập kết đã có nhiều người, một số sĩ quan ở Tỉnh Đội Phú Yên, vài người khác và người nhà anh Vinh. Lúc này tôi mới biết hôm ấy tổ chức đi bốc mộ liệt sĩ Đỗ Duy Linh cha ruột của anh Đỗ Duy Vinh (đang là Phó Giám đốc Sở Tài chính Phú Yên), theo hướng dẫn từ xa của nhà ngoại cảm Hai Hoàng.

Theo lời kể của chị Lê Thị Bích Thu (Nguyên Phó Giám đốc Công ty sổ xố kiến thiết tỉnh Phú Yên, con dâu cả của liệt sĩ Duy Linh): Thời gian đó, ông Vũ Văn Thoại (Phó Chủ tịch tỉnh Phú Yên thời bấy giờ) khuyên gia đình anh Vinh nên thực hiện việc tìm kiếm mộ liệt sĩ Đỗ Duy Linh. Vì thời gian đó, rất nhiều ngôi mộ liệt sĩ được các nhà ngoại cảm tìm thấy. Họ đã được quy tập đoàn tụ cùng đồng đội. Đó là một trong những hoạt động thiết thực nhằm tri ân sự hi sinh cao cả của các Anh hùng liệt sĩ vì sự nghiệp giành độc lập cho quê hương.

Đang theo chương trình cao học Kinh tế ở TPHCM nên anh Vinh lưỡng lự. Hơn nữa, anh đinh ninh cha mình đang yên nghỉ cùng đồng đội ở Đài tưởng niệm hai mươi bảy Liệt sĩ ở của ngõ TP Tuy Hòa. Hơn 30 năm ,anh Vinh không muốn khơi lên nỗi đau thương mất mát và muốn cho cha yên giấc ngàn thu cùng đồng đội. Nhưng chị Thu, vợ anh luôn có cảm giác băn khoăn day dứt. Sau nhiều ngày suy nghĩ, chị quyết định bàn bạc với người em chồng là anh Đỗ Duy Trung (đang là Giám thị trưởng Trại giam A1 của Bộ CA). Cuối cùng họ đã thống nhất.

Lúc đầu anh Vinh chỉ muốn nhờ Sở Tài chính tỉnh Phú Yên giúp đỡ. Nhưng mẹ anh, bà Nguyễn Thị Dư  muốn có sự tham gia của Tỉnh Đội. Nhận được yêu cầu của gia đình anh Vinh. Tỉnh Đội Phú Yên lập tức cử đại diện tham gia. Đi cùng đoàn hôm đó còn có ông Vũ, ông Hoa và ông Thiện bên Hội chất độc da cam của tỉnh Phú Yên. Được ông Vũ Văn Thoại giới thiệu gặp nhà ngoại cảm Hai Hoàng đặt vấn đề, bàn bạc chọn ngày tiến hành. Tôi cũng tình cờ được tận mắt chứng kiến chuyến tìm mộ liệt sĩ linh thiêng và vô cùng xúc động này trong một ngày nắng nhạt đầu năm 2000.

Ở khách sạn Công Đoàn, qua điện thoại ông Hai Hoàng hướng dẫn đi ra hướng Đông Bắc TP Tuy Hòa. Đến khu vườn nọ, tìm gặp ông Tứ. Ông nói thêm, nơi có một cây cao buổi sáng ngã bóng xuống, bước tới 1 hoặc 2m sẽ gặp đám côn trùng bò qua bò lại, hãy đào nơi đó, phải đào thật khẽ… Tìm được nhà ông Tứ, khu vườn trồng khoai hạ có một cây sầu đông đổ bóng như lời nhà ngoại cảm.

Tiết Xuân, cây sầu đông lún phún chồi non, khoe hoa sắc tím mơn man trong gió lay nhẹ. Bóng thân đổ dài vẽ xuống những hình thù khác lạ, hình như đang ẩn khuất một điều gì đó rất kì bí linh thiêng…

dai-tuong-niem-hai-bay-chien-si-hi-sinh-mo-duong-mau-xay-dung-1976-1636520657.JPG
Đài tưởng niệm 27 chiến sỹ đã hy sinh trong cuộc giải phóng dân tộc

Những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở đây đều đã được trang bị đầy đủ “chuyên sâu” trong công tác tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ. Như kỹ năng đào đất, cách xác định vị trí đào và thứ tự các bước cần phải làm khi phát hiện hài cốt. Nhưng họ vẫn cẩn thận tỉ mỉ làm theo hướng dẫn của ông Hai Hoàng. Tất cả nín thở theo dõi, hồi hộp. Sự hồi hộp khắc rõ căng trên từng khuôn mặt đang dõi theo từng lát cuốc nhẹ nhàng khéo léo của đội tìm kiếm “chuyên nghiệp”. Có tiếng sụt sịt của ai đó và tất cả những người có mặt ở đó đều thấp thỏm trông đợi một kết quả như mong đợi.

Đào thật khẽ khàng nên được hơn một mét trong thời gian khá lâu, chỉ có cát đất, tuyệt nhiên chưa có dấu hiệu của hài cốt. Ông Hoàng tiếp tục điện thoại hướng dẫn đào thêm vài tấc đất nữa. Lần này không được đào bằng vật cứng mà phải bới bằng tay. Đến khi gặp một mảnh sành màu vàng và đất hơi đen là dấu hiệu tốt. Một người bốc nắm đất lên mũi ngửi rồi ra hiệu gì đó với nhau. Theo tôi tìm hiểu, người chiến sĩ khi tìm kiếm hài cốt phải biết cách cuốc đất sao cho nhanh, gọn bền. Cuốc đất xúc đất trong phạm vi chật hẹp mà không được phạm vào di thể liệt sĩ. Phải có độ nhạy trong cách nhìn đất, ngửi đất để biết khi nào đến hài cốt. Đồng thời những người lính trẻ nhận nhiệm vụ thiêng liêng đó còn phải biết phân biệt đâu là hài cốt liệt sĩ, đâu là hài cốt nhân dân hay các trường hợp khác. Rồi phải biết cách thu gom chính xác xương người lẫn trong tạp chất, đá sỏi. Nhận đúng quy trình lấy mẫu thử AND cho liệt sĩ, cách thu gom bảo quản di vật liệt sĩ. Họ cũng reo vui, hạnh phúc mỗi lần tìm được hài cốt như chính người thân của mình vậy!

Người chưa chứng kiến có thể không tin về khả năng của các nhà ngoại cảm. Nhưng chỉ có những người tham gia mới hiểu họ làm việc theo tâm đức. Mỗi lần nghĩ đến những con người còn nằm lại chiến trường lại gây cho họ cảm giác chiến tranh còn đâu đây. Họ muốn giải thoát cái suy tư day dứt đó bằng việc giúp người thân của liệt sĩ tìm họ về. Đúng như lời Hai Hoàng, một mảnh sành màu vàng hiện ra dưới lớp đất màu đen xỉn.

Tiếng chuông king coong, âm thanh gõ mõ như hối thúc, giọng sư Thầy tụng kinh càng dồn dập, gấp gáp… 

Vài phút sau, một khoảnh đất đen lộ ra. Đầu tiên là chiếc ba lô, tấm ni lông màu xanh chưa phân hủy.

Bộ hài cốt không bình thường mà dồn lại khoanh tròn, hộp sọ nằm trên xương cơ thể. Nhanh nhẹn dứt khoát gọn ghẽ, họ thinh lặng từng thao tác rất chuẩn.

Ông Hoàng vẫn hối thúc bốc nhanh kẻo ruồi tới. Nhưng không kịp, mới bốc được hơn nửa thì “ong ong” cả đàn ruồi to từ đâu bay lại vù vù đen đặc.

Bất chợt một cơn gió mồ côi lướt qua, lạnh toát, cảm giác của tôi khi đó vừa xúc động và hơi sợ vì lần đầu thấy một chuyện mà không phải ai cũng có cơ hội. Điều mà bất cứ ai được chứng kiến tận mắt cũng cảm nhận được trong hành trình tìm mộ bằng ngoại cảm đó là sự mong mỏi chờ đợi vào sự kì diệu.

Hầu như mọi thứ còn nguyên vẹn, chỉ có một ít xương nhỏ bị vụn vỡ. Theo hình dạng hài cốt thì liệt sĩ Đỗ Duy Linh hi sinh ở tư thế ngồi. Xương đùi có một lỗ thủng, tương tự vết thương của viên đạn bắn vào. Các đồng chí Tỉnh Đội trân trọng các bước để làm lễ khâm liệm tại chỗ. Một lá cờ Tổ quốc được phủ lên nắp hòm. Bà Nguyễn Thị Dư, vợ liệt sĩ xúc động khóc không thành tiếng…

Đến bây giờ bà mới kể: Ngày ấy, ông bà là cơ sở cho cách mạng. Bà là cán bộ phụ nữ xã. Sau khi bị lộ ông rút lên núi và trở thành chiến sĩ quân báo. Bà ở nhà nuôi con, chịu đựng sự hà khắc của chế độ cũ. Vì có chồng là Cộng sản.

Thỉnh thoảng, đêm ông về thăm nhà, thu thập thông tin từ bà. Ôm con hôn vội vàng rồi đi ngay trước khi trời sáng. Cuối 1967 ông nhận nhiệm vụ trinh sát địa hình nội thị Tuy Hòa. Tổ quân báo ông gồm hai mươi bảy chiến sĩ. Tết Mậu Thân 1968. Ông tham gia trận đánh đêm mồng Một rồi rút ra an toàn. Đến trận thứ 2 (bà nhớ hình như mồng 3 Tết). Tổ trinh sát quân báo đang xâm nhập Ty cảnh sát (nay là Nhà Văn Hóa Thiếu Nhi Tỉnh) thì bị lộ. Chỉ huy lệnh rút quân theo hông chùa Hồ Sơn, đến Ninh Tịnh khi đó là cửa ngõ TP thì gặp địch phục kích.

Liệt sĩ Đỗ Duy Linh là người chịu trách nhiệm giữ toàn bộ tài liệu, bản đồ vừa thu thập được. Nên đồng đội đã quyết mở đường máu để ông rút lui an toàn. Ông và liệt sĩ Minh (thường gọi là Minh Xăng. Ông Minh hi sinh sau đó vài năm). Đến đây thì trời sáng, ông Linh bị thương ở đùi, máu ra nhiều. Hai ông lần theo bờ rào, đến hào giao thông (nơi vừa phát hiện hài cốt) ngồi dựa vách thông hào nghỉ. Ngày hôm đó địch lùng sục theo vết máu để tìm. Ông Minh Xăng nhanh trí xóa sạch mọi thứ. (Về cứ ông Minh Xăng báo cáo tổ chức. Còn việc hài cốt của các liệt sĩ chỉ đến ngày giải phóng mới quy tập).

Ông Minh lấy lá ngụy trang ông Linh, tránh bị phát hiện. Chờ đêm xuống, sẽ dìu đồng đội men theo bãi xương rồng, vượt qua cánh đồng trống (hay gọi là Màng Màng, nơi luật sư Nguyễn Hữu Thọ đi qua khi được giải thoát) vòng qua núi Chóp Chài để về căn cứ. Nhưng đến chiều thì liệt sĩ Đỗ Duy Linh đã hi sinh vì kiệt sức và mất máu, dưới giao thông hào trong tư thế ngồi. Trước khi tắt thở ông dặn dò đồng chí của mình hãy cố gắng bảo toàn tài liệu. Tập lài liệu mà hai mươi sáu đồng đội ông đã anh dũng hi sinh để bảo vệ. Ngậm ngùi lấp vội đồng đội, ông Minh Xăng ôm tài liệu lần theo đường biển. Ra đến Tuy An, tạt lại nhà bà Nguyễn Thị Dư. Chỉ kịp hé cửa báo tin chồng bà đã hi sinh ở trận này rồi thoát ngay lên cứ.

Đó là một ngày đầu Xuân Mậu Thân. Nén chặt nỗi đau mất chồng, bà lặng lẽ hoạt động, lặng lẽ nuôi con khôn lớn chờ ngày giải phóng quê nhà! Đến ngày ông Minh Xăng hi sinh bà không hề được gặp lần nào nữa.

dai-tuong-niem-ls-vua-khanh-thanh-2021-tai-noi-hi-sinh-cua-hai-bay-chien-si-1636520783.JPG
Đền thờ liệt sỹ tỉnh Phú Yên mới hoàn thiện năm 2021, nơi 27 chiến sỹ cách mạng hy sinh

Sau ngày giải phóng, tổ chức ghi danh hai mươi bảy chiến sĩ ở ngôi mộ tập thể. Trong đó có liệt sĩ Đỗ Duy Linh. Đó là Tượng đài ghi công ở Ninh Tịnh 5 (phường 9 TP Tuy Hòa). Hàng năm gia đình, đồng đội cũ của ông vẫn đến thắp hương tưởng niệm tại đây. Có một điều kì lạ, rằng suốt mấy mươi năm ông đi xa. Hằng đêm bà vẫn mộng thấy ông về. Bà vẫn day dứt bồn chồn ngần ấy năm!.

Mọi việc đã hoàn tất, mọi người đưa ông về Nghĩa trang liệt sĩ Đông Tác. Một lễ truy điệu được diễn ra trong không khí bùi ngùi  xúc động và trang nghiêm thành kính. Sau mọi thủ tục, ông được an nghỉ tại hàng D31 cùng nhiều đồng đội khác. Bát hương được bà Dư thỉnh về quê. Để ông ra mắt tổ tiên, thăm lại ngôi nhà và những đứa con thân yêu, mà hơn ba mươi năm đau đáu khôn nguôi. Quanh đây, trên mộ chí của các anh, các chị có thể là dòng chữ vô danh. Nhưng tên của các anh, các chị đã là niềm thương kính, sự tự hào chung của chúng tôi. Tên các anh, các chị là tên của Tổ quốc!.

Có một điều rất trân trọng là năm nay 2021, một Đài tưởng niệm liệt sĩ đã được khánh thành đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành tại Phú Yên. Và đài tưởng niệm chỉ cách tượng đài cũ nơi hai mươi bảy chiến sĩ mở đường máu chỉ 50m.

Quê hương đang trên đà phát triển, phố xá ruộng đồng xanh mởn là nhờ bao Anh hùng liệt sĩ đã hi sinh máu thịt của mình. Giờ đây, bên dưới lớp cây cỏ tươi tốt hay dòng nước ngọt. Có ai dám khẳng định rằng sẽ không có xương máu của đồng bào, đồng chí. Đó là một phần trầm tích sâu dày của quê hương. Trên mảnh đất Việt Nam, vang vọng nhiều hào khí vinh quang của cả dân tộc. Trong đó có nét vàng kiên dũng của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Góp phần làm nên chiến thắng chấn động Địa Cầu - Chiến dịch thần tốc Hồ Chí Minh 1975.

“Sự hi sinh của các anh, các chị đã làm nên quả ngọt, nước trong. Ngày đi xa mãi mãi của các anh chị đã làm nên ngày đoàn tụ của bao người trên mảnh đất hình chữ S này! Sự hi sinh cao đẹp của các anh, các chị đã vun đắp nên hạnh phúc của hàng triệu, triệu gia đình Việt Nam. Cao cả hơn nhiều là đã phục dựng sự hồi sinh cho đất nước, hồi sinh cho cả một dân tộc. Điều ấy sẽ mãi trường tồn, niềm tự hào ấy thuộc về các Anh hùng liệt sĩ mà chúng tôi có trách nhiệm nhân lên và truyền lửa lại cho các thế hệ mai sau./.

Lê Pha Lê
Bạn đang đọc bài viết "Ngày “trở về” của một liệt sỹ" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.