Ngao ngán những câu nói phản cảm trên sóng truyền hình

22/01/2015 16:18

Theo dõi trên

Dường như việc phát ngôn trên sóng truyền hình quốc gia, đặc biệt là ở những game show truyền hình ngày càng không được kiểm soát một cách đúng mức. Gần đây, rất nhiều chương trình bị khán giả bất bình vì những câu nói không hợp thuần phong mỹ tục.

“Ơn giời, cậu đây rồi”: Ngôn ngữ “vỉa hè” và dung tục

"Ơn giời, cậu đây rồi” là chương trình tấu hài ứng biến được phát sóng trên kênh VTV3. Theo yêu cầu của chương trình, các nghệ sĩ tham gia phải thể hiện được khả năng tung hứng khi vào vai một nhân vật mà không biết trước kịch bản.

“Ơn giời, cậu đây rồi” trước khi lên sóng hứa hẹn mang lại nhiều thú vị cho khán giả ở giờ vàng. Bởi nhiều người sẽ chờ đợi tài năng của các nghệ sĩ khi ứng biến với tình huống sẽ tạo ra điều mới lạ. Thế nhưng, việc đẩy những nghệ sĩ vào các tình huống để tự ứng biến đã khiến họ “nghĩ không tới” và tuôn ra vô số câu chọc cười bằng hành động, ngôn từ “vỉa hè.”

 
 
"Ơn giời, cậu đây rồi" - chương trình hài đang gây tranh cãi

Số thứ 2 ngày 18/10, diễn viên Phi Thanh Vân vào vai một cô gái đi xin việc. Vừa bước ra sân khấu nữ diễn viên đã không ngần ngại ôm hôn MC Xuân Bắc, rồi “muốn vào phòng chỉ có hai người” khiến MC lúng túng. Khi vào căn phòng thử thách vẫn cách thể hiện đó với Trường Giang, Chí Tài : “Anh có bảo em tiêm chỗ nào đâu. Nên em tiêm vào bụng là đúng rồi. Chứ em trật tay xuống tí xíu là tiêu luôn đấy”. Rồi hành động “ưỡn ẹo” ở cuối chương trình, hỏi MC Xuân Bắc “anh có muốn một người vợ với ba vòng như vậy không?”. Chưa thấy hài hước đâu, khán giả đã thấy đỏ mặt vì những câu đùa quá vô tư.

Vì bị “ép” phải gây cười cho khán giả bằng mọi cách nên nhiều nghệ sĩ khiến khán giả phát ngượng vì sự tự do, thiếu kiềm chế của họ. Ở tập đầu, danh hài Việt Hương vào vai bà Ba vợ Bá Kiến “lẳng lơ” nên đã thể hiện bằng những ngôn từ hết sức táo bạo: Quất, đè, dạo đầu... Để rồi khách mời Anh Đức “bí từ” buột miệng “Tướng bà ngon quá, nhìn tròn như miếng dồi chó”. Rồi những hành động suồng sã đi kèm khiến khán giả ngao ngán.

Cả MC kỳ cựu là một nghệ sĩ hài như Xuân Bắc khi bị đặt vào tình huống cũng “bị hớ”, với nhiều câu nói khá vô duyên kiểu như nói với danh hài Kiều Linh: “Xin chia buồn với cái buồng trứng của chị”.

"Ơn giời, cậu đây" rồi lên sóng khán giả thấy được sự nhiệt huyết của các nghệ sĩ, điều đó rất đáng trân trọng. Thế nhưng, dường như chương trình đang đi quá giới hạn, sự tung hứng quá tự do, nhiều lúc là “bí từ” tuôn ra những ngôn từ “vỉa hè”, hành động quá thân mật ở một chương trình phát sóng giờ vàng là điều nên xem lại. Bởi khán giả ở giờ này là đủ mọi lứa tuổi! Ảnh hưởng từ việc bắt chước theo diễn viên trên truyền hình là điều đã xảy ra, đặc biệt là với những khán giả nhỏ tuổi. Vì thế nên những tình huống, những cách thể hiện quá ư “trần trụi vỉa hè” là điều không tốt.

Khi "Cái gì càng chơi càng ra nước" lên sóng VTV

Sau khi chương trình hài thực tế mới "Chết cười" lên sóng VTV lúc 20h ngày 17/1, nhiều khán giả đã phản ứng vì những ngôn từ thô tục được sử dụng trong chương trình được phát vào giờ vàng trên tivi.

 
 
 MC Đức Hải "nổi tiếng" với câu hỏi "cái gì càng chơi càng ra nước?"

Dù biết rằng hài là phải cười mà để tạo tiếng cười thì ngoài những câu chuyện, những tình huống hài, sự duyên dáng trong cách thể hiện, sự nhạy bén tinh tế của người nghệ sĩ phải thật thuyết phục.Bên cạnh đó, lời thoại trong hài cũng góp phần rất quan trọng. Thế nhưng, những điều cần thiết trong một chương trình hài lại không có trong "Chết cười". Mới phát tập đầu tiên nhưng khán giả xem xong phải chết đứng vì Chết cười và tự hỏi: Một chương trình như thế này lại được phát trên sóng quốc gia?

Ở trò Chữ xếp người, khi chương trình đưa ra những chữ, người chơi là các nghệ sĩ phải dùng thân mình để xếp chữ. Điều đáng nói là, những nghệ sĩ chơi đã dùng những cách xếp chữ rất thô và tạo hình rất phản cảm như trường hợp của Chí Trung và Thị Mười hay Chí Trung và Thanh Tùng. Không những thế, khi dùng thân xếp chữ, các nghệ sĩ lại dùng nhiều từ ẩn ý để đối đáp: Lê Nam "Cong quá gãy sao?". "Sốc đi, sốc mà không ra là có chuyện". Hoặc khi Đức Hải hỏi Kiều Mai Lý: vì sao xếp hình mà chị nằm sắp, Lê Nam nhanh nhẩu bảo: "Anh Chí Trung giơ tay cao thì chị ấy phải nằm úp xuống chứ ngửa lên là... ngửi chết" .

Tận cùng của sự nhảm nhí là trò Đố ai nhảy được. Thí sinh vừa nhảy vừa trả lời câu hỏi của chương trình: Và hàng loạt câu hỏi đưa ra mà nghe qua khán giả không thể chấp nhận được: Cái gì càng chơi càng ra nước? Cái gì càng to càng nhỏ…

Dẫu biết rằng từ xưa, truyện cười chúng ta thường hỏi tục nhưng trả lời thanh. Tuy nhiên, với giờ vàng của chương trình được phát trên sóng quốc gia với khán giả từ người già đến trẻ em thì quả thật là đáng để xem xét lại.

Chuyển động 24h gây bức xúc khi ví người mua vé xem bóng đá như "hổ đói"

Tối 20/1, tại Chương trình chuyển động 24h phát trên kênh VTV1, phát thanh viên đọc lời dẫn đã so sánh hành động chen lấn chờ mua vé bóng đá trận Hải Phòng - Hoàng Anh Gia Lai của khán giả, cổ động viên với “hổ đói”.

 
 
VTV chèn hình so sánh người mua vé bóng đá với "hổ đói"

Nguyên văn đoạn so sánh người mua vé với "hổ đói" như sau: “Nếu những chiếc vé là món mồi ngon thì có lẽ phải ví những người mua vé là những chú hổ đói. Một so sánh vui để thấy rằng nhu cầu mua vé để xem trận đấu ngày mai trên sân Lạch Tray đang lớn thế nào”.

Không những thế, như để người xem truyền hình có thể so sánh trực quan giữa người mua vé và những “chú hổ đói”, người dựng hình đã để 2 bức ảnh: Người mua vé và con hổ bên cạnh nhau.

Điều này khiến cho nhiều người bất bình khi nhà đài đã lại ví con người với con vật, mà ở trạng thái "con vật nhất, bản năng nhất”- đang đói.

Ngay lập tức, nhiều fan túc cầu, nhất là người dân ở Hải Phòng, không những không thấy vui gì với so sánh này mà còn bày tỏ thái độ rất bức xúc và cho rằng "bị so sánh với con vật thì không thể nào vui được, không những thế lại lấy hình ảnh con hổ đói trong vườn thú thì không chấp nhận được".

Đồng thời, lời bình cùng hình ảnh này đã nhanh chóng được chia sẻ trên khắp mạng xã hội với nhiều ý kiến tranh cãi từ cộng đồng mạng. Một số cư dân mạng cho rằng so sánh này của chuyển động 24h có phần hơi nặng nề và phản cảm.

Cách so sánh này của chuyển động 24h, dù vui, nhưng cho thấy sự cẩu thả, thiếu thận trọng, nghiêm túc của cả người làm lẫn người duyệt. Sau những lùm xùm, ầm ĩ vừa qua, khi khán giả còn chưa thật sự nguôi ngoai, thì một lần nữa chuyển động 24h đã khiến khán giả thất vọng khi đưa ra những lời lẽ so sánh cổ động viên với một loài động vật.

Cơ Lộc 
Theo giadinh.net.vn

Bạn đang đọc bài viết " Ngao ngán những câu nói phản cảm trên sóng truyền hình " tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.