Khách hàng dễ dàng có trong tay đao kiếm, nếu bỏ ra số tiền bằng cây dao thường ở phía Việt
“Hàng lạnh” mặt hàng đặc biệt
Chiếc xe đã lột sạch hết lớp áo choàng của một người bạn tốt bụng cho mượn lượn lờ trên đất Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị. Trên xe chất đầy đồ đạc như một con lạc đà sẵn sàng lăn qua biên giới đầy nắng và gió. Các chiến sỹ tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đưa ra lời khuyên: Bỏ xe máy lại và… đi bộ.
Lân la mãi ở các khu ăn uống và quần áo, tôi và anh bạn đi cùng quyết định “mục sở thị” khu vực bày bán đao kiếm.
Trước khi vào khu chợ đao kiếm này chúng tôi vẫn nhớ như in lời của Thiếu tá Nguyễn Công Trình, Đồn phó Quân sự Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã nhắc nhở rằng sang đó các bạn sẽ được ngắm các mặt hàng đao kiếm bày bán giữa chợ như cá tôm ở phía mình vậy. Đó cũng chính là điều mà các chiến sỹ ở đây đang ngày đêm kiểm tra kiểm soát để làm sao không cho chúng có cơ hội lọt vào nước ta.
Có lẽ không một khu chợ hay nơi nào ở Việt Nam bày bán mặt hàng này. Có chăng ở Việt Nam chỉ cuốc, thuổng, dao, rựa là cùng. Ở đây thì khác hẳn, mã tấu, ma đao, đoản đao, trường kiếm, đoản kiếm, lưỡi lê, dao găm… đều đầy đủ. Thậm chí, súng hơi hạng nhẹ sẵn sàng lên đạn để những vị khách muốn mua ngắm bắn thử hàng.
Những chủ sạp “vũ khí” ở khu chợ đặc biệt này tất thảy đều là người bản địa. Hiếm, thậm chí không có chủ sạp người Việt nào kinh doanh mặt hàng này. Có lẽ vì đã quen với luật lệ ở Việt Nam nên việc kinh doanh những mặt hàng này là một điều “cấm kỵ”.
Anh bạn đi cùng vung cây đao trong tay hỏi giá, chủ nhân của nó bảo hai trăm nghìn tiền Việt Nam. Chúng tôi thật sự bất ngờ vì giá cả của nó, đang cầm trên tay một “bảo đao”, “bảo kiếm” tựa hồ trong phim chưởng của tàu mà giá chỉ bằng một cây dao cắt chuối của những bà nuôi lợn ở quê mình hay sao? Chàng chủ nhân người Lào có dáng dấp như một hộ pháp sành sỏi tiếng Việt: “Đây không cấm bán đao kiếm ở chợ, vì vậy giá cả của nó cũng tựa như nông cụ vậy. Lò rèn ở đây cũng như phía các bạn, họ rèn hàng loạt, đao kiếm chất chồng như núi vậy đó, mỗi chuyến hàng là cả xe tải phân phát cho từng khu chợ”.
Hỏi thăm cái nào đắt nhất thì anh chỉ vào những thanh đoản đao cong vút như ngà voi được chạm trổ một cách tinh vi: Giá bảy trăm nghìn đồng tiền Việt Nam. Mô phỏng theo các loại đao kiếm mà hoàng thân quốc thích, ông vua bà chúa nước Lào thường đeo bên người. Nhưng, đây chỉ là hàng mỹ nghệ thôi, như một vật trang trí treo ở khoảng tường trong gia đình. Chứ “chiến đấu” như cha ông thì thua cả dao chặt thịt của mấy ông đồ tể. Chúng tôi thầm hiểm rằng đối với nước bạn, đây là một loại đồ lưu niệm bày bán để treo trong nhà nhằm trừ ma quỷ, diệt tà khí, ngoài ra không có gì hơn.
Anh chủ hàng nói nhỏ, nếu muốn có một thứ “vũ khí” ưng ý thì khách hàng phải đặt trước, giá cả thì cao hơn nhiều lần so với những mặt hàng bày bán ở đây. Họ sẽ thuê những thợ rèn lành nghề chế tác riêng cho bạn.
Chúng tôi bảo: “Mua thì được nhưng đưa về đâu phải chuyện dễ, nếu chúng tôi mua anh có giúp chuyển sang biên giới không?” . Chủ sạp lắc đầu ngay mà bảo rằng: “Cái đó thì tôi chịu”. Quyết định nhờ vả hai chàng xe ôm đã chất chở chúng tôi trên những con xe đặc biệt, nhưng cả hai đều cương quyết không giúp cho dù thù lao là bao nhiêu. Điều này cho thấy việc quản lý đao kiếm phía Việt Nam nghiêm ngặt đến mức nào. Vì vậy khó lòng cho những đối tượng muốn làm giàu từ mặt hàng này, nếu mang về Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự trừng trị nghiêm minh của pháp luật.
Xứ người trang trí… ta “vũ khí”
Mỗi dịp lễ Tết, nhất là Tết cổ truyền của người Việt và Tết té nước của người Lào, khi đó du khách hai nước có thể qua về một cách dễ dàng hơn ngày thường. Những nhóm thanh niên tóc hung lấy đó làm cơ hội duy nhất để lọt sang vùng biên nước bạn. Và, mặt hàng được chọn mua nhiều nhất đó là đao kiếm, cho dù trước khi đi những người mang quân hàm xanh đã dặn dò, phân tích.
Với những người này nếu về phía Việt Nam mà lận lưng một thứ “vũ khí” nước bạn xem như là đẳng cấp khác hẳn. Một điều thiết thực được vị chủ sạp phía Lào giải thích. Với người Lào đao kiếm chỉ là vật trang trí treo ở nhà để trừ ma quỷ, tà khí. Còn ở nước bạn, tức Việt Nam thì đúng như bản chất của nó, dùng để giải quyết mâu thuẫn, xung đột.
Rồi anh ta đưa ra một con số so sánh làm ai cũng rợn người. Ở Việt Nam mỗi năm không biết bao nhiêu án tử hình, còn ở phía Lào thì con số đó chỉ đếm trên đầu ngón tay trong những năm vừa qua. Mặc dù chưa mấy tin tưởng về cách so sánh đó nhưng tôi nghĩ điều đó cũng đúng với một đất nước mà phần đa là Phật giáo.
Làm “ta ba - lô” cả ngày trên khu chợ đặc biệt giáp ranh với cửa khẩu quốc tế Lao Bảo chúng tôi không khỏi bất ngờ về những điều ở nơi đây. Bản tính của những người thích tò mò một lần nữa lại được mãn nhãn với những món hàng chỉ được ngắm chứ “sở hữu” là một điều cấm kỵ tại Việt Nam. Tôi và anh bạn lạnh người khi nghĩ về sự sắc lạnh của những thứ này.