Mùa hè đáng nhớ - Truyện ngắn của Trần Anh Tuấn

21/07/2024 08:21

Theo dõi trên

Phải mất gần hai tiếng đồng hồ, bè nứa của họ mới thoát khỏi những ngọn thác hung dữ để đổ ra dòng sông Lam xanh biếc… Tú Linh và Trần Toàn hôm ấy được một phen hú vía…

ahoa-23554-1721524836.jpg
Ảnh minh họa Internet

Dưới cái nắng hè gay gắt của dải đất miền Trung xứ Nghệ, gió Lào thổi bỏng rát cả da thịt. Ấy vậy mà có đôi bạn trẻ vẫn chở nhau bằng xe đạp cùng hai chiếc ba lô đầy gạo vượt qua những cái dốc cao… cô gái ngồi sau xe thỉnh thoảng đặt tay lên lưng Toàn âu yếm động viên:

- Có mệt lắm không Toàn?  

- Phình phường thôi… Toàn trả lời nhưng không dấu được những hơi thở của mình đang thoát ra từ hai lỗ tai.

- Hay để tớ đạp xe thay cho cậu?

- Mình đã bảo không sao mà… Con trai, ai ngồi sau xe con gái…

- Thế! Tùy cậu nhé…

Hai người tiếp tục chở nhau đi qua huyện Đức Thọ về xã Vũ Quang, huyện Hương Khê. Đấy là những ngày hè của năm 1973, khi Trần Toàn vừa mới tốt nghiệp cấp 2 cũng là lúc cậu vừa tròn mười lăm tuổi… Tú Linh, cô bạn gái hơn Toàn hai tuổi cũng vừa học xong lớp 9 bổ túc văn hóa. Cũng thật tình cờ, bố Toàn là giáo viên đồng nghiệp với chú của Linh nên hai người có cơ hội làm quen với nhau để cùng đi một chuyến lên rừng chặt nứa… Chuyến đi ấy chỉ có Toàn, Linh, thầy Thành (chú của Linh) và thầy Bằng dạy thể dục. Bố Toàn muốn cho con trai mình được trải nghiệm trong mùa hè, đồng thời kiếm thêm chút tiền đóng học phí khi vào học cấp 3. Còn Linh được chú cho đi theo để nấu nướng, cơm nước.    

Từ nhà đến rừng Vũ Quang chỉ hơn năm mươi cây số mà họ phải đi bằng xe đạp suốt một ngày. Trời xẩm tối, họ mới đến được nhà người quen để nhờ nghỉ trọ. Vừa mới bước vào sân, chủ nhà vội vàng chạy ra đon đã mời họ vào nhà, không dấu được xúc động, ông nói:

- Hôm nay, rất vui được đón tiếp mấy thầy trò lên với miền núi Vũ Quang. Từ nhà đi vào rừng khoảng 5 cây số, các thầy và hai cháu phải lội qua hai con suối và một ngọn núi mới có nứa để chặt đấy… Trong nhóm ta, ngoài thầy Bằng ra có ai đi rừng chặt nứa lần nào chưa?

- Dạ, chưa à - thầy Thành trả lời.

- Thế thì vất vả đấy… mùa này buổi đêm thường mưa, sáng ra vào rừng con vắt nhiều lắm nó nhỏ như sợi tóc, mắt thường khó phát hiện. Khi dính vào đầu, mình chân, tay, cổ, vai, gáy nó hút máu ghê lắm… cháu gái có sợ không?

- Dạ, cháu chỉ đi theo nấu cơm, không vào rừng - Linh vội đáp…

- Thấy chủ nhà nói vậy Toàn hơi lo sợ… Trước đây khi nghe chú của Toàn là bộ đội chiến đấu ở Trường Sơn về kể chuyện con vắt, con muỗi rừng hắn đã sợ lắm rồi… nhưng hắn vẫn quyết định: “Thôi cứ đi vào rừng cho biết”.

Trời vừa sáng tinh mơ, bốn thầy trò băng rừng, lội suối đến địa điểm chặt nứa. Những cánh rừng bạt ngạt màu xanh, sương giăng mờ lối, xen lẫn tiếng suối và tiếng chim hót tạo nên những bức tranh thật kỳ vĩ… giữa đại ngàn Trường Sơn.

Từ dưới bờ suối, ba thầy trò men theo những con đường ngoằn nghèo, đá tai bèo chỏng chơ, phủ một lớp lá khô che lấp, nếu không cẩn thận có thể rơi xuống vực thẳm… Trước mắt họ là những rừng nứa, tre, mai, vầu đủ các loại khác nhau. Những thân cây nứa vươn cao, mọc thẳng. Thầy Bằng hướng dẫn mọi người cách chặt nứa và bó lại để kéo xuống núi… thầy Bằng luôn nhắc nhở Toàn:

- Em phải cẩn thận, chặt cây nứa 2 nhát, không được chặt ngang người như thế rất nguy hiểm…

Ngày đầu tiên, Toàn được trải nghiệm công việc lao động nặng nhọc và hơn hết là vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng. Trước đây Toàn chỉ biết qua sách vở và lời bố, mẹ kể…

Sáng sớm hôm sau, mấy thầy trò lại vào rừng. Không gian thật yên ắng. Những hạt mưa tỷ tách rơi trên lá cây, chỉ cần khẽ chạm nhẹ là hàng đàn chú vắt nhỏ li ti rơi xuống bám vào người.

Thỉnh thoảng, Toàn thấy ngứa ở cổ và phía sau lưng, vội đưa tay ra sờ đã tóm được mấy chú vắt căng tròn máu, Toàn hoảng sợ kêu toáng lên:

- Thầy Bằng ơi! Vắt… Vắt nhiều lắm, nó đang bám vào cổ và lưng em đây.

- Bình tĩnh em, đừng sợ thầy đã có cách giúp em…

Với kinh nghiệm đi rừng nhiều năm, thầy Bằng lấy trong túi ra một lọ thủy tinh đựng nước vôi đổ ra bàn tay xoa vào cổ và lưng của Toàn, thế là lũ vắt rơi xuống đất. Toàn được phen hết hồn. Toàn nghĩ: “Nếu mai mà trời mưa chắc hắn sẽ không vào rừng…Cũng may cho Linh ở ngoài suối chứ vào rừng thì cũng sẽ làm mồi cho vắt. Con gái thơm thịt mà”… 

Cả buổi sáng Toàn chực để bắt con vắt… nên cả ngày hôm đó chỉ chặt được một bó nứa thôi. Vừa sợ vắt, vừa leo núi Toàn đã thấm mệt nên rất bi quan. Sau mười ngày, thầy trò chặt nứa và kéo ra sông đóng được bốn mảng bè. Trên mỗi mảng có một tấm phên nứa cuốn thành vòm để che mưa, che nắng …      

Đóng bè xong, mấy thầy trò được nghỉ một hôm để chuẩn bị về xuôi. Toàn mượn được khẩu súng hơi của thầy Bằng, rồi rủ Linh vào rừng bắn chim. Hai người lội qua con suối nhỏ, dòng nước trong veo… Linh mặc chiếc quần lụa đen và  áo phông màu trắng bó sát người càng tôn thêm vẻ đẹp của cô gái vừa tròn mười bảy - Cái tuổi “bẻ gãy rừng trâu”… Thân hình Linh không cao lắm, chỉ khoảng độ một mét năm lăm, nhưng bù lại cô có làn da trắng hồng, cặp mắt nâu huyền, mỗi khi cười để lộ chiếc răng khểnh làm mê hồn biết bao chàng trai thời đó. Nghe nói ở xóm cô cũng đã có mấy anh chàng theo đuổi…Trong đó có anh bộ đội đang học Y sĩ ngoài Quảng Ninh… Nhà Linh nghèo, bố là Liệt sĩ chỉ có hai chị em gái mà Linh lại là chị cả nên mọi việc trong nhà cô đều phải gánh vác. Từ việc cày, bừa, bếp núc, ruộng, vườn đến đánh tranh, lợp nhà… Linh đều phải đảm nhận, vì mẹ Linh sau khi bố hy sinh sức khỏe giảm sút, hay đau yếu.

Hôm vào rừng đi săn, hai người phải lội qua một con suối để sang bìa rừng bên kia. Đang đi, bỗng nhiên Linh kêu lên:

- Ôi! Đoạn này sâu quá, Linh không qua được đâu.

- Để tớ cõng Linh nhé…

- Không…tớ xấu hổ lắm!

- Sao phải xấu hổ?

- Linh hơn Toàn hai tuổi, mình chỉ đáng tuổi em của Linh mà.

- Nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một, vẫn phải cảnh giác đấy!

- À … Té ra Linh cũng coi Toàn là…

Khi để Toàn cõng lên lưng qua suối, Linh xấu hổ, đôi má ửng hồng, trông cô lại càng xinh hơn. Đến giữa dòng suối, Toàn trượt chân ngã, Linh tuột khỏi lưng Toàn. Chiếc áo phông đông xuân trắng của Linh bị ướt. Toàn vội vàng đỡ Linh dậy đưa vào bờ và cởi chiếc áo của mình khoác lên người Linh… Cả hai vội trở về nhà, đành bỏ dỡ cuộc vào rừng đi săn tưởng chừng rất thú vị ấy…

Hết thời gian, chuyến bè lại về xuôi. Có lẽ, trong đời chưa bao giờ Toàn lại thấy khoan khoái như khi được ngồi trên bè nứa ngắm cảnh vật hai bên bờ con sông Ngàn Sâu. Trời, nước, núi, rừng mênh mông một màu xanh dưới cái nắng sớm, gió thổi nhè nhẹ khi tiết trời sắp bước sang thu… Phía đầu của bè, hai thầy giáo đang dùng sào để lái, phía sau Tú Linh đang chuẩn bị cơm nước buổi sáng.

Tối đến, nằm ngửa trên bè ngắm ánh trăng thanh dưới làn gió mát cũng thật thú vị… Có nhiều đêm dưới ánh trăng lấp loáng nhìn Linh ngồi tắm… Toàn ước gì mình là nhà thơ để ghi lại những cảnh đẹp lãng mạn đầy cảm xúc ấy… và trong người bỗng trào dâng một tâm trạng khó tả: Hay là mình đã yêu Linh rồi nhỉ… không được đâu Toàn ơi, mày mới mười lăm tuổi mà chưa được nói chuyện người lớn… Linh hơn mày hai tuổi đáng bậc chị… Nhưng hôm trước Linh nói nhất gáí hơn hai nhì trai hơn một mà… hay là Linh cũng có cảm tình với Toàn nhỉ… thôi ông đừng có mơ… hãy tỉnh táo đi Toàn ơi ! Chờ Linh tắm xong, Toàn bước lại gần tâm sự:

- Sau chuyến đi này Linh còn nhớ đến những đêm trăng này nữa không?

- Làm sao quên được hả Toàn!

- Có lẽ, những kỷ niệm này sẽ theo mình suốt cuộc đời Linh ạ!

- Mình cũng vậy, thật là một mùa hè đáng nhớ…

Hai người đang mãi mê tâm sự… bỗng nghe thầy Bằng vội hét lên:

- Bè bị mắc cạn rồi… xuống đẩy bè thôi…

- Ôi! Sao chỗ này nông thế, thầy Thành hỏi lại.

- Thỉnh thoảng trên sông có các cồn cát, do trời tối bè đi không đúng lạch.

Toàn, Linh và hai thầy đều xắn quần lội xuống sông hò nhau đẩy. 

Khủng khiếp nhất là khi bè nứa vượt thác trên các con suối khi đổ ra sông. Thầy Bằng là người có kinh nghiệm nhất, luôn đứng mũi chịu sào, chống bè đi đúng dòng nước, còn thầy Thành, Toàn và Linh được ngồi yên tại chỗ bám chặt vào bè… Mỗi khi, chiếc bè vượt qua thác dữ… Linh sợ quá, mắt nhắm nghiền và ôm chặt lấy Toàn:

- Linh đừng sợ, sắp qua hết thác rồi…

- Tớ chết mất Toàn ơi… Linh không muốn rời Toàn lúc này. Một luồng hơi ấm từ người Linh tỏa ra… lần đầu vượt thác Toàn cũng sợ lắm chứ… 

Phải mất, gần hai giờ đồng hồ bè nứa của họ mới thoát khỏi những con thác hung dữ để đổ ra dòng sông Lam xanh biếc… Linh và Toàn được một phen hú vía…

Sau chuyến đi trải nghiệm trở về, bố của Toàn đã bị gia đình phản ứng mạnh mẽ, ông nội Toàn nói:

- Bố chưa thấy ai liều như anh, con mới 15 tuổi đầu đã cho đi rừng chặt nứa, bao nhiêu nguy hiểm đang rình rập cháu tôi đấy. 

Chuyến trải nghiệm qua những núi cao, suối sâu, ghềnh thác nguy hiểm, nhưng Linh cũng rất vui. Đặc biệt, qua chuyến đi ấy cô đã có một người bạn tốt đó là Toàn. Cậu ấy, tuy ít tuổi hơn Linh nhưng cách xử sự rất người lớn, nhiệt tình, vui vẻ thể hiện sự quan tâm sâu sắc. Linh thầm nghĩ: Mình có thể yêu cậu ta được không nhỉ? Mình có thể vượt qua những trở ngại định kiến để lấy chồng trẻ được không ? Ôi xấu hổ lắm… thôi không được đâu Linh ơi hắn ta bây giờ mới vào cấp ba và rồi sau này mình sẽ già trước, hắn chê xấu theo đứa trẻ hơn thì sao? Thôi, chỉ coi Toàn như người bạn tốt, một cậu em đáng yêu…

Nghĩ vậy, đôi mắt Linh bắt đầu chìm dần trong giấc ngủ… và trong mơ vẫn nhớ Toàn - con người nhỏ bé, nhanh nhẹn, hoạt bát có đôi mắt linh lợi. Bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ của những ngày trải nghiệm trong rừng sâu và lênh đênh trên sông nước lại ùa về - những ngày hè đáng nhớ./.

Trần Anh Tuấn
Bạn đang đọc bài viết "Mùa hè đáng nhớ - Truyện ngắn của Trần Anh Tuấn" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.