Một ngày với người Tày tại “Ngôi nhà chung”

18/08/2016 08:05

Theo dõi trên

Thoát khỏi cái nóng oi bức của những ngày cuối hè Hà Nội, tôi “phượt” về Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, để hít căng lồng ngực thứ không khí trong lành của Đồng Mô “sơn thủy hữu tình”. Và thật may mắn có được một ngày cuối tuần trọn vẹn với những trải nghiệm lý thú cùng đồng bào Tày đang hoạt động thường xuyên ở đây.

Nghệ nhân “bất đắc dĩ”

Bước vào không gian văn hóa dân tộc Tày, ấn tượng đầu tiên là hình ảnh của ngôi nhà sàn khum khum hình mai rùa nổi bật giữa màu xanh của cỏ cây, hoa lá, điểm thêm những lọn khói bếp len lỏi trên mái nhà, tạo nên một khuôn hình chân thực và vô cùng sống động. Đón khách từ cầu thang, trưởng nhóm nghệ nhân đang hoạt động nơi đây - ông Mông Văn Hoàng say sưa giới thiệu về không gian ngôi nhà sàn truyền thống, về những nét văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc mình bằng chất giọng mộc mạc, chân chất đặc trưng của người Tày vùng Đông Bắc.

Tôi đặc biệt ấn tượng với không gian trưng bày và chế tác nhạc cụ được bố trí bên hành lang ngoài cùng của ngôi nhà sàn. Trong bộ áo chàm truyền thống, một cụ già đang cặm cụi, tỉ mẩn từng mũi dao chế tác một cây đàn Tính. Thấy khách tỏ ra hứng thú, ông hoàng liền dẫn tôi tới bên vị nghệ nhân già, ông là nghệ nhân ưu tú Lưu Xuân Lai, một trong những nghệ nhân có đóng góp quan trọng trong gìn giữ và phát huy những làn điệu Then cổ và chế tác nhạc cụ truyền thống của người Tày ở Thái Nguyên.




Nghệ nhân ưu tú Lưu Xuân Lai, 73 tuổi.

Tôi ngỏ ý muốn trải nghiệm công việc lý thú này, ông Lai vui vẻ đồng ý. Vừa chuyển chiếc đàn Tính cho tôi ông vừa giải thích: Cây đàn Tính là nhạc cụ truyền thống không thể thiếu trong đời sống tinh thần của dân tộc Tày. Là nhạc cụ thuộc họ dây, chỉ gẩy, gồm các bộ phận chính: Bầu, cần, mặt, thủ và dây đàn. Để làm ra một cây đàn tính phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp. Đầu tiên là chọn bầu. Một quả bầu tốt để làm đàn phải là quả bầu nậm già, không bị ong châm, miệng phải tròn, xung quanh quả bầu sẽ chia thành 6 điểm đục lỗ, mỗi điểm đục 9 lỗ nhỏ có kích thước bằng nhau để tạo âm cho đàn. Mặt đàn thường dùng gỗ cây hoa sữa (phần thân) vì gỗ mềm để tạo tiếng vang, dày khoảng 3mm. Cần đàn làm bằng gỗ thực mực, không bị cong vênh, có chiều dài tùy theo sải tay của người chơi. Thủ đàn cong hình lưỡi liềm, mỗi nghệ nhân sẽ chạm khắc những hoa văn riêng trang trí cho thủ đàn. Tiếp đó, nghệ nhân sẽ đo điểm, đục lỗ trên thủ đàn để lắp tai đàn. Gắn chặt cần vào bầu đàn, mài cho cần và mặt đàn thật nhẵn rồi lắp ngựa đàn và tai đàn. Cuối cùng là công đoạn lắp dây đàn. Khác với đàn Tính của người Thái, đàn Tính truyền thống người Tày có 3 dây. Trước đây, dây đàn làm bằng tơ tằm, hiện nay dây được làm bằng dây cước.



Chế tác đàn Tính.

Tôi chăm chú lắng nghe và thực hiện theo lời nghệ nhân, nhưng quả thực, nhìn chiếc đàn Tính giản đơn là thế, mà để chế tác thành công là chuyện không hề đơn giản, công việc này không chỉ đòi hỏi nghệ nhân có đôi tay khéo léo mà còn phải có khả năng cảm thụ âm nhạc, có kinh nghiệm chơi đàn. Tôi đành thành thật với kỹ năng hạn chế của mình, ngậm ngùi trao chiếc đàn cho nghệ nhân Lai hoàn thành nó. Nhưng dẫu sao, trong vai trò của một nghệ nhân “bất đắc dĩ”, tôi đã có những trải nghiệm lý thú với cây đàn Tính của đồng bào Tày ngay giữa lòng Thủ đô. Và khi chiếc đàn Tính được hoàn thành, cũng là lúc chủ nhà dọn cơm đãi khách với món “khau nhục” truyền thống thơm, ngậy đầy quyến luyến, cá suối nấu canh măng chua thanh dịu vị núi rừng… cùng bát rượu Tày men lá uống theo lối “pá mừ” sóng sánh, đậm đà tình nghĩa…

Lời Then ấm tình Tày

Tôi tỉnh dậy trong tiếng đàn Then dập dìu, thủ thỉ, ngoài kia ráng chiều đỏ ối tỏa sáng sau núi Tản Viên, tạo nên hình ảnh vừa hoang sơ, hùng vĩ, vừa thơ mộng của trời chiều Đồng Mô. nghệ nhân Lưu Xuân Lai nhìn tôi cười đôn hậu: “Người Tày là thế, khách đến thì trải chiếu xuống nền nhà, uống rượu men lá, hát vài điệu Then, say thì ở lại”. Vị nghệ nhân già tâm sự: Trong đời sống tinh thần của người Tày, Then là thứ không thể thiếu, trở thành một trong số tín ngưỡng đặc thù tạo nên bản sắc riêng của cộng đồng người Tày. Trong Then có nhiều đường then như: pang Khoăn, Thống Đẳm, Cấp Sắc hay cầu hoa… và nhiều dạng, trong mỗi dạng lại có nhiều điệu hát khác nhau như trong cúng lễ có: Điệu khẩu tu (vào cửa trời); pây mạ (đi ngựa); Điệu đông mèng đông quảng (vào rừng ve); gọi vía… trong các buổi Then chữa bệnh, hát hái hoa, nối số, tiêu hao tàn (dành cho người chết), Then kỳ yên giải hạn… Với dạng hát vui như: Then vào nhà mới, Then chúc thơ, Then tảo mộ, Then trong đám cưới...




Không gian nhà Tày tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Hát Then, đàn tính là linh hồn cho các lễ nghi, hội hè, là thế giới quan, nhân sinh quan của cộng đồng, là nhịp điệu thường nhật của cuộc sống. Khi vui người ta mời Then, khi buồn người ta tìm đến Then. Then cùng cha lên rừng, theo mẹ lên nương, cùng gái trai vào hội. Then cũng an ủi người bệnh tật, khó khăn, đưa người chết về Trời… Then là tất cả niềm tin, khát vọng mãnh liệt về một cuộc sống ấm no, đầy đủ. Ông Lai bỗng đăm chiêu, đôi mắt nhìn xa xăm cầm chiếc đàn say sưa hát. Lời then cứ thế thủ thỉ, sôi động rồi lại trầm buồn, ngẫm ngợi. Mỗi khúc một tâm trạng, một sắc thái. có khi căng thẳng lo lắng, có lúc hồ hởi vui tươi, tiếng đàn tiếng hát quyện với nhau làm mê hoặc lòng người.

Tạm biệt Làng dân tộc Tày trong lưu luyến, có điều gì đó cứ níu kéo bước chân tôi. Có lẽ đó là giai điệu mê hoặc của đàn Tính, của lời Then, là men say nồng nàn của rượu Tày men lá, là tấm chân tình của những người Tày nơi đây - những con người mộc mạc, chân chất, tốt bụng và vô cùng mến khách.

(Theo Làng Việt Online)

TRÀ LÂN
Bạn đang đọc bài viết "Một ngày với người Tày tại “Ngôi nhà chung”" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.