Một đêm ở "đệ nhất" cảng cá Cà Mau

21/10/2014 16:18

Theo dõi trên

Quá nửa đêm, tôi theo chân một người quen đi lấy hàng ở cảng cá Cà Mau. Thành phố đã chìm sâu vào giấc ngủ. Các ngõ nhỏ tối om. Gió từ ngoài biển thổi vào từng đợt mang theo hơi lạnh se se đặc trưng của vùng sông nước.

“Đệ nhất” cảng cá



Những phụ nữ làm đêm ở xưởng chế biến tôm tại cảng Cà Mau.

Cảng cá Cà Mau hoạt động từ năm 2000, sau hơn chục năm đã thu hút 45 doanh nghiệp về chế biến, kinh doanh mua bán thủy hải sản các loại. Cảng cá Cà Mau được đánh giá là cảng cá lớn nhất khu vực với 17 vựa cá lớn nhỏ mà trung bình một đêm giao thương lên tới trên dưới 40 tấn thủy hải sản. Vì vậy, có người gọi nó là “đệ nhất” cảng cá cũng không có gì ngoa.

Ở đây, hằng đêm, các bạn hàng từ Sông Đốc, Khánh Hội, Rạch Gốc… ùn ùn chở hàng về giao cho các chủ vựa. Các chủ vựa phân cỡ, sơ chế rồi lại tiếp tục chuyển đi nhiều tỉnh thành mà thị trường lớn nhất là TP. Hồ Chí Minh. Lúc về, họ lại nhập những thứ hàng khác mà Cà Mau cần. Một số người buôn bán nhỏ thì đến đây mua từ dăm ký đến vài ba chục ký để đi bán lẻ ở các chợ trong thành phố và vùng lân cận.

1 giờ sáng. Đây là thời khắc bắt đầu một ngày mới ở cảng cá Cà Mau. Chỉ cách trung tâm thành phố có vài trăm mét nhưng dường như ở đây là một thế giới khác. Hàng chục chiếc xe tải lớn nhỏ chở hàng ầm ì vào ra. Hàng trăm lượt người đến mua bán vội vã, tấp nập. Những ngày vào vụ cá thì còn đông đúc, nhộn nhịp hơn.

Dưới ánh đèn điện tù mù, các loại hải sản vẫn đua nhau khoe sắc, khoe sự độc đáo về hình thể có một không hai của mình. Nào là cá mặt quỷ, nào là cá bớp, cá chét, cá chẽm, cá gún, cá đối… Nào là bạch tuộc, mực ống, mực tua, mực gai, mực lá… Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi được mục sở thị nhiều chủng loại hải sản phong phú đến nhường này.

Những người “họ nhà vạc”

Một thanh niên đang oằn mình cõng trên lưng một bao hàng, thấy tôi vai đeo máy ảnh liền trêu: Cô ơi! Chụp cho cháu một kiểu để cháu gửi về cho vợ! Hỏi, người thanh niên cho biết tên là Trần Văn Huy, 30 tuổi, quê Thanh Hóa, vào đây làm bốc vác đã trên chục năm. Vẫn với cái giọng bông lơn, Huy bảo:

Chúng cháu là “họ nhà vạc” cô ạ! Thời gian làm việc ở đây bắt đầu từ khoảng 1 đến 11 giờ; chiều tối từ 18 đến 21 giờ nhưng công việc nhiều nhất là từ 1 đến 6 giờ sáng. Huy chỉ vào một tốp hơn chục thanh niên đang ngồi chờ việc bảo: Đây là “đồng đội” của cháu! Ai thuê gì thì vác nấy. Ai được gọi thì người ấy làm.

Hỏi về thu nhập, một thanh niên tên Trần Văn Nự, quê Kiên Giang nhanh nhảu: Công việc ở đây nặng nhọc, lại thức khuya dậy sớm mà tháng cũng chỉ được 3-4 triệu, ăn tiêu hết 2 phần còn 1 phần gửi về phụ giúp vợ nuôi con. Tháng nào xem ra ít việc thì tiêu sạch… là lá la!

Khi được hỏi: Với thời gian làm việc như thế, mọi người ăn ngủ vào lúc nào? Huy chìa chiếc bánh mì đang gặm dở rồi cười bảo: Ăn thì tự phục vụ! Ngủ thì “cảng cá là quê hương”... rồi chỉ vào một thanh niên đang ngồi dựa vào chiếc cột bê tông ngủ gà ngủ gật.

Chia tay những thanh niên bốc vác, tôi đến thăm một vựa chế biến tôm. Khi những chiếc xe tải đã làm xong phận sự của mình, lần lượt nối đuôi nhau ra khỏi cảng thì các vựa chế biến tôm mới thật sự nhộn nhịp. Chủ vựa nhập tôm rồi giao khoán cho những người làm thuê. Vựa tôm lúc này có khoảng dăm chục người, chủ yếu là phụ nữ đang cặm mặt vào các rổ tôm.

Công việc sơ chế tôm cũng không nhàn hạ hơn nhiều so với bốc vác. Người làm thuê phải đứng một tư thế trong suốt thời gian dài. Công đoạn sơ chế tôm gồm có bóc sạch vỏ, bổ dọc con tôm, rút tim ra… Xong, mỗi kg được 4.000 đồng.

Như vậy, một kg tôm cỡ như hôm nay có khoảng 50 con, người làm thuê phải 50 lần bóc sạch vỏ cộng với 50 lần rạch dọc con tôm, rút tim ra mới được 4.000 đồng. Thời gian làm việc cũng chủ yếu vào ban đêm. Mỗi ngày làm từ 12 - 15 tiếng, thu nhập từ 100.000 - 150.000 đồng.

Tôi chào để đi, một thanh niên véo von: Người ơi, người ở đừng về… Tôi thật ngỡ ngàng về sự hồn nhiên và lạc quan của những người lao động ở đây. Công việc vất vả, thu nhập chẳng “sáng sủa” gì, vậy thì không hiểu họ lấy đâu động lực để mà hồn nhiên, yêu đời đến thế?

Cá lớn nuốt cá bé?

Toàn bộ cảng cá Cà Mau có 17 vựa cá nhưng có đến 5-6 vựa thấy đóng cửa im ỉm. Hỏi một người đàn ông, chủ một vựa cá nhỏ ở cảng (ông xin được giấu tên), ông thủng thẳng: Mấy cái đó sắp “chết” rồi! Ông kể, Cảng cá Cà Mau chỉ có 2 vựa lớn nhất là H.T và Q.N.

Riêng 2 vựa này, số lượng mua bán hàng đêm chiếm già nửa tổng số thủy hải sản được lưu thông của cả cảng. Tức là, riêng hai vựa ấy còn lớn hơn, hơn chục vựa còn lại. Những vựa nhỏ do ít vốn nên thường bị lép vế. Họ nhiều vốn nên thu mua được nhiều.

Mua được nhiều họ lại bán ra với giá rẻ hơn nên người mua đổ xô vào đấy. Đó là chưa kể họ có điều kiện để mà buôn tận gốc, bán tận ngọn. Ông thở dài: “Thôi thì họ “lớn” họ bắt con cá to; chúng tôi “bé” chúng tôi bắt con cá lẹp vậy”...

Khi trời đã sáng rõ mặt người, cảng cá không còn nhộn nhịp như lúc “giao thừa” của một ngày mới. Các bạn hàng đã hối hả tỏa đi muôn ngả. Sau một đêm, nền bê tông nham nhở, tróc vỡ còn đọng lại đầy những đám nước. Có chỗ thì đen sì, chỗ thì đỏ lòm do hậu quả của việc sơ chế thủy hải sản để lại. Những dòng nước có mùi rất “đặc biệt” này cứ thế xả thẳng xuống sông.

Tôi nhìn thấy một chiếc ghe máy đang đi dọc trên sông. Lẫn trong tiếng máy xình xịch êm êm, vọng lên câu hát của bé Phương Mỹ Chi có lẽ từ chiếc đài cát-xét: “Gành Hào ơi! Nửa đêm ai hát câu hoài lang. Vầng trăng nghiêng xuống trên vạt rừng tràm”...

Tôi thơ thẩn nghĩ: Giá như đừng có những vũng nước đen sì, đỏ lòm đang ngày đêm làm đổi màu dòng sông Gành Hào, thì phong cảnh nơi đây hẳn sẽ thơ mộng biết bao.

Theo Dân Việt

Bạn đang đọc bài viết "Một đêm ở "đệ nhất" cảng cá Cà Mau" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.