Mong ước của hậu duệ cố Nhà văn Hồ Biểu Chánh

15/12/2015 15:24

Theo dõi trên

Từ năm 2009, cháu ngoại nhà văn Hồ Biểu Chánh là ông Lê Kỳ Lân (sinh năm 1939) đã làm đơn gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. HCM xin công nhận nhà lưu niệm cùng khu mộ của nhà văn Hồ Biểu Chánh là Di tích văn hóa. Nhưng đến nay, đề nghị đó vẫn chưa được Sở này trả lời.



Mộ của nhà văn Hồ Biểu Chánh

Khu lưu niệm nhà văn Hồ Biểu Chánh còn gọi là An Tất Viên, ở địa chỉ 44/1D Thống Nhất, tổ 40 KP7, phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM (nay là địa chỉ 30/21 đường số 8, P.11, quận Gò Vấp, TP.HCM). 

Ông Trần Quốc Oai (chắt ngoại của cụ Hồ Biểu Chánh, mẹ ông Oai là bà Lê Thị Mỹ Dung là con gái của bà Hồ Văn Vân Anh, con gái thứ 5 của nhà văn Hồ Biểu Chánh) đưa cho chúng tôi xem lá đơn của ông Lê Kỳ Lân (cậu của ông Oai, con trai cụ  bà Hồ Văn Vân Anh, cụ bà Vân Anh và ông Kỳ Lân nay đều mất) thay mặt bà Vân Anh gửi cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM (nay là Sở Văn hóa, Thể thao TP.HCM) đề nghị xin công nhận khu Di tích văn hóa đối với nhà lưu niệm và khu mộ của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Lá đơn đề ngày 10/9/2009, lúc đó ông Kỳ Lân và cụ bà Vân Anh còn sống.

Trong đơn nêu, vào năm 2003, có 3 cán bộ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM đến viếng ngôi mộ nhà văn Hồ Biểu Chánh. Bà Vân Anh có tặng quyển “Chân dung Hồ Biểu Chánh” cho cô cán bộ theo yêu cầu. Sau đó, gia đình bà Vân Anh xây nhà lưu niệm Hồ Biểu Chánh “đúng theo thiết kế và kích thước do cán bộ chỉ dẫn”.

Cũng theo lá đơn trên, ý nguyện của bà Vân Anh là “nhà văn Hồ Biểu Chánh xứng đáng được tôn vinh vì các tác phẩm của ông không chỉ được giới trí thức mà quần chúng cũng ưa chuộng với tính cách đạo đức dạy mọi người nên ở hiền gặp lành, kẻ làm ác gặp ác; đả phá đại phú gian ác bênh vực nông dân nghèo. Sự nghiệp văn chương của ông cũng được đánh giá cao, như là Di sản văn hóa danh tiếng của miền Nam nói riêng và cả nước nói chung”. 


Trong đơn này, ông Lê Kỳ Lân thay mặt mẹ, “kính xin Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM quan tâm, nghiên cứu và chấp thuận cấp giấy chứng nhận Khu Di tích văn hóa cho hai ngôi mộ của ông bà nhà văn Hồ Văn trung, tức nhà văn Hồ Biểu Chánh”. 

Cũng trong lá đơn này, ông Lê Kỳ Lân cho biết, khu di tích này thường được đại diện của Đài HTV, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng hương tỉnh Tiền Giang và Hội đồng hương Gò Công (quê hương của nhà văn Hồ Biểu Chánh - NV) vùng nhiều vị trí thức, người ái mộ nhà văn… đến thăm viếng.

Sinh thời, nhà văn Sơn Nam mỗi năm đều đến đốt nhanh cho nhà văn Hồ Biểu Chánh và đề nghị bà vân Anh làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận Di tích văn hóa. Năm 1988, hội thảo khoa học về nhà văn Hồ Biểu Chánh được tổ chức lần đầu tiên ở tỉnh Tiền Giang. Nhà văn Hồ Biểu Chánh cũng được đặt tên đường ở quận Phú Nhuận, TP. HCM và thị xã Gò Công, Tiền Giang. 


Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Oai, từ đó, tức năm 2009, đến nay, việc xin công nhận Di tích này của con cháu nhà văn Hồ Biểu Chánh vẫn chưa được Sở Văn hóa, Thể thao TP.HCM trả lời. 

“Chúng tôi mong muốn khu Di tích này của cụ cố được công nhận là Di tích văn hóa, bởi đây là tâm nguyện, mong ước của gia đình chúng tôi và theo chúng tôi cụ cố xứng đáng được công nhận. Nếu được công nhận, gia đình chúng tôi sẽ tiến hành cải tạo, sửa sang và trưng bày thêm nhiều hiện vật của cụ cố”, ông Oai nói.

Nhà văn Hồ Biểu Chánh tên thật là Hồ Văn Trung sinh ngày 1/10/1885, mất năm 1958. Quê ông ở huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Năm lên tám tuổi ông theo học chữ Nho trường làng, 12 tuổi theo học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp tại trường tổng Vĩnh Lợi, sau theo học trường tỉnh Gò Công (nay là huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Ở đây, ông được cấp học bổng để theo học tại trường Chasseloup - Laubat (Sài Gòn). Cuối năm 1905, ông thi đậu bằng Thành Chung. Sau khi học hành đỗ đạt và làm quan, ông bắt đầu viết văn với nhiều tiểu thuyết có giá trị, từng được đưa vào dạy trong trường học, như: “Con nhà nghèo”, “Cay đắng mùi đời” cùng nhiều tác phẩm và thể loại khác... 

Nguyễn Thịnh

Bạn đang đọc bài viết "Mong ước của hậu duệ cố Nhà văn Hồ Biểu Chánh" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.