Mộ vợ vua Tự Đức bị xới tung: “Gửi đơn thư kiến nghị Thủ tướng và Unesco"

13/07/2017 14:48

Theo dõi trên

Trong nền Văn hóa lịch sử của dân tộc Việt Nam, luôn đặt chữ tâm chữ hiếu làm đầu, đó là cách để hoàn thiện giá trị nhân cách của mỗi con người. Chính vì lẽ đó, ai cũng luôn xem trọng mỗi việc làm của mình, có đúng với nền văn hóa của dân tộc hay không.



Khu vực Mộ bà Mỹ Phi vợ vua Tự Đức

Cuộc đời con người đều trải qua vòng luân hồi sinh, lão, bệnh, tử. Có hai việc hệ trọng cưới hỏi và ma chay. Việc cưới hỏi đó là niềm vui, là trách nhiệm và nghĩa vụ của đấng sinh thành lo cho con cái, còn việc ma chay là chữ hiếu, trách nhiệm của bậc hậu sinh với tiền nhân đã mất. Không chỉ dừng lại ở đó, để hoàn thiện việc làm trọn bổn phận của con cái với ông bà, cha mẹ đã mất, hàng năm con cháu còn tổ chức cúng  giỗ, chăm lo mộ phần, đó mới là chữ hiếu chính đáng, phù hợp với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt.

Với bề dày lịch sử của dân tộc, trải qua nhiều triều đại phong kiến khác nhau, mỗi vị vua trị vị đều tính đến chuyện xây lăng tẩm của mình, sai người tìm những nơi có địa thế đất đẹp, hợp phong thủy, rồi vua đi khảo sát, mới tiến hành việc xây dựng. Tỉnh TT. Huế là nơi quy tụ hệ thống lăng tẩm của vua chúa nhà Nguyễn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay, đặc biệt là khu lăng tẩm của vua Tự Đức.

Lăng Tự Đức được chính vua Tự Đức cho xây dựng khi còn tại vị, là một quần thể công trình kiến trúc, trong đó có nơi chôn cất vua Tự Đức tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, nay là thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, TP. Huế. Lúc mới xây dựng, lăng có tên là Vạn Niên Cơ, sau khi vua Tự Đức mất, lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng. Lăng có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa nhà Nguyễn.
 


Quá trình khai quật tìm huyệt mộ bà Mỹ Phi vợ vua Tự Đức

Ngày 21/6/2017, nhiều người dân P.Thủy Xuân, TP. Huế phản ánh việc lăng mộ bà Mỹ Phi - vợ vua Tự Đức, bị một đơn vị dùng máy ủi san lấp làm bãi đỗ xe. Sau khi nhận được phản ánh, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc đã yêu cầu dừng mọi hoạt động để tiến hành khảo sát. 

Đến chiều 24/6, con cháu Nguyễn Phước tộc và đơn vị thi công đã tìm thấy tấm bia cổ có khắc chữ Hán nghi là bia mộ của vợ vua Tự Đức tại khu vực đang bị san phẳng làm bãi đậu xe. Tấm bia rộng 32cm, dài 67cm, dày 10cm, phía trên có khắc dòng chữ Hán “Tiền triều tài nhân cửu giai Lê Thị thụy Thục Thuận chi mộ" (tạm dịch: “Mộ của bà Tài Nhân họ Lê, thụy là Thục Thuận”).

Vụ việc sau đó đã được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ, phía đơn vị đầu tư là Công ty Chuỗi Giá Trị cũng đã nhận trách nhiệm và mong muốn được xây dựng lại lăng mộ đã bị san ủi.

Đến ngày 6/7/2017, con cháu dòng tộc Nguyễn Phúc đã tiến hành khai quật thì phát hiện ra huyệt mộ của ngôi lăng mộ bị san ủi. Sau khi tìm ra huyệt mộ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có tác động với Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc nhằm di dời lăng bà Tài nhân Cửu Giai họ Lê Thị thụy Thục Thuận đến đến cạnh lăng bà Học Phi (một bà vợ vua khác của Tự Đức, nằm cách đó khoảng 200m). Bên Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc đã tổ chức các cuộc họp riêng của dòng tộc và nhất trí không di dời lăng bà đi.

Trao đổi với phóng viên phuongnamplus.vn, ông Tôn Thất Giáp, người thuộc Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc cho biết: “Nếu UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế kiên quyết di dời mộ bà Tài nhân Cửu Giai họ Lê Thị thụy Thục Thuận đến vị trí khác thì Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc sẽ có đơn thư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và UNESCO”.

Việc làm của Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc là hoàn toàn đúng với đạo lý của bậc hậu sinh với tiền nhân đã mất. Khi xây dựng khu lăng tẩm cho mình, vua Tự Đức cũng đã tính đến chuyện an nghĩ sau này của các bà vợ. Khi chọn vị trí, phân ra từng khu lăng riêng cho các bà, chắc đó cũng là “ẩn ý” của nhà vua về việc sắp xếp theo từng cấp bậc lúc sinh thời của từng người vợ, tránh trường hợp đồn thổi vị trí an táng, để lại tiếng đời về sau. 
 


Huyệt mộ bà Mỹ Phi vợ vua Tự Đức đã được tìm thấy

Việc chôn cất một khu lăng mộ đó là việc làm thiêng liêng của mỗi dòng tộc, nó mang tính bền vững lâu dài, đâu phải ưng di chuyển là được. Đừng vì lợi ích kinh tế của một số người mà đánh mất đi giá trị lịch sử của dân tộc. Lúc sinh thời, mang tiếng là vợ của vua nhưng không phải ai cũng được vua sủng ái, có người giành trọn cả cuộc đời mình vào trong Hoàng cung phục vụ vua nhưng chưa một lần được gặp mặt. Khi từ giã cõi trần họ cũng chỉ được một nấm mộ và bia đá khắc tên, mang theo nội tâm của mình trở về cát bụi. Thành người thiên cổ thì cứ để họ được an giấc nghìn thu ở vị trí cũ đó cũng là tâm nguyện của người đã mất nói riêng và Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc nói chung.

Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới vào ngày 11 /12/1993. Hiện tại, cố đô Huế đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 62 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng. Quần thể di tích Cố đô Huế phân chia thành các cụm công trình gồm các cụm công trình ngoài kinh thành Huế và trong kinh thành Huế. Việc di dời Mộ của bà Tài Nhân họ Lê, thụy là Thục Thuận đến vị trí mới sẽ ảnh hưởng tới giá trị lịch sử của dân tộc Việt, làm mất giá trị hiện thực vốn có.

Ngô Sinh

Bạn đang đọc bài viết "Mộ vợ vua Tự Đức bị xới tung: “Gửi đơn thư kiến nghị Thủ tướng và Unesco"" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.