Miệt mài vì nghệ thuật

19/06/2016 10:52

Theo dõi trên

Phân hội Sân khấu (PHSK) trực thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu hiện có 47 hội viên (có 14 hội viên Trung ương Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, trong đó có 1 hội viên là nghệ sĩ ưu tú, 1 hội viên là nghệ nhân ưu tú). Tuy gặp nhiều khó khăn, biến động nhưng các hội viên luôn tâm huyết, có nhiều đóng góp cho lĩnh vực nghệ thuật sân khấu.



Hội viên PHSK chụp ảnh lưu niệm tại đại hội. Ảnh: A. Nguyệt

Còn nhiều khó khăn… Nhưng luôn đầy tâm huyết

Một trong những mất mát, biến động của PHSK thời gian qua là sự ra đi của soạn giả Dương Thị Thu Vân - Phân hội trưởng, người đã có rất nhiều đóng góp trong nghiên cứu, sáng tác ca cổ. Tỉnh hiện nay chỉ có một đoàn nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp, chủ yếu phục vụ nhân dân trong tỉnh và các hoạt động chính trị của địa phương, lượng khán giả đến với sân khấu cải lương cũng không còn đông đúc như nhiều năm trước.
 
Theo nghệ nhân Minh Lời - Phân hội phó, hoạt động sân khấu không chuyên chưa được các đơn vị có chức năng quan tâm đầu tư đúng mức nên hoạt động còn hạn chế, chưa có nhiều biểu diễn phục vụ công chúng, chủ yếu tham gia các hoạt động hội thi, hội diễn do tỉnh tổ chức (như Lễ hội 1-7, liên hoan sân khấu kịch, hội thi tiểu phẩm, tuyên truyền lưu động…).
 
Lĩnh vực đờn ca tài tử ngày càng có xu hướng thương mại hóa, không ít nghệ nhân có nghề, có tài vì cuộc mưu sinh nên đã tham gia hoạt động đờn ca tài tử ở các khu du lịch để phục vụ khách, chứ không mang ý nghĩa “tài tử” tri âm mộ điệu.
 
Riêng về lĩnh vực hát bội, toàn tỉnh hiện có 7 nhóm hát bội, chủ yếu phục vụ các lễ cúng đình, cúng miễu… Điều trăn trở của phân hội là anh chị em ở lĩnh vực này chưa được kết nạp hội viên (do chưa đủ điều kiện) nên phân hội chưa cập nhật hết tình hình hoạt động ở môn nghệ thuật này.
 
Nhờ sự quan tâm, định hướng, hỗ trợ của Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Đoàn Nghệ thuật cải lương Bến Tre, hoạt động của phân hội được duy trì hiệu quả. Nhưng có lẽ cốt lõi nhất chính là tâm huyết của hội viên với từng bộ môn nghệ thuật truyền thống (biểu diễn, sáng tác, biên đạo lĩnh vực cải lương, đờn ca tài tử, hát bội).
 
Trong nhiệm kỳ 2009-2015, hội viên ở Đoàn Nghệ thuật cải lương Bến Tre (16 người) đã tham gia biểu diễn gần 500 suất diễn, phục vụ nhu cầu thưởng thức và góp phần đưa nghệ thuật cải lương đến với công chúng. Đặc biệt, tham gia Liên hoan sân khấu cải lương tại Bạc Liêu với vở diễn “Sống mãi với quê hương”, tác giả Phi Hùng, đạo diễn Thanh Nga (đã đoạt 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc); tham gia chương trình Hòa điệu đất chín Rồng do Đài Truyền hình TP. Cần Thơ thực hiện với vở diễn “Mùa chim lá rụng”, tác giả Ngô Hồng Khanh, đạo diễn Đoàn Bá.
 
Hội viên còn tham gia các hoạt động sân khấu không chuyên như sáng tác, dàn dựng cho trung tâm văn hóa - thể thao các huyện, thành phố trong, ngoài tỉnh và các đơn vị có tổ chức biểu diễn nghệ thuật, các ngành, đoàn thể… Hoạt động sân khấu không chuyên cũng đã góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đông đảo công chúng.
 
Trong lĩnh vực sáng tác, hội viên PHSK đã tham gia sáng tác nhiều về bài bản tài tử, vọng cổ, tiểu phẩm, chập cải lương ngắn đạt nhiều giải thưởng. Điển hình như: thực hiện 500 đĩa CD đờn ca tài tử “Hát về Đồ Chiểu” của tác giả Minh Lời; hội viên tham gia sáng tác vọng cổ về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đoạt giải nhì - không có giải nhất (tác giả Tấn Phát); hội viên viết tiểu phẩm và dàn dựng cho các huyện tham gia Hội thi hóa trang Đồ Chiểu, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga nhân Lễ hội 1-7…
 
Trong lĩnh vực đờn ca tài tử, hội viên PHSK tham gia câu lạc bộ đờn ca tài tử tỉnh; tham gia giao lưu trong và ngoài tỉnh (Kiên Giang, Vĩnh Long, Bình Dương, Long An). Hội viên đều có tham gia biểu diễn Liên hoan Đờn ca tài tử dịp 1-7 (tại Ba Tri) và Tết Nguyên tiêu (đình Phú Tự) hằng năm. Hội viên có tham dự chương trình khai mạc Festival đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất (tháng 4-2014) tại tỉnh Bạc Liêu và tham dự Liên hoan Đờn ca tài tử đã đạt giải nhì toàn đội và giải A về không gian đờn ca tài tử. Năm 2015, hội viên đội đờn ca tài tử Bến Tre tham dự chương trình Hội ngộ tài tử Phương Nam tại TP. Hồ Chí Minh, đã đạt giải ba… Nhiều hội viên có thâm niên trên các lĩnh vực đã đảm nhiệm vai trò giám khảo ở nhiều hội thi, hội diễn của các huyện, thành phố và các ban, ngành, đoàn thể tỉnh.
 
Nhiều hoạt động trong thời gian tới
 
Một trong những nội dung được hướng tới trong nhiệm kỳ 2016-2020 của PHSK là giới thiệu 5 hội viên vào Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và đề nghị cấp trên xét danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho 5 hội viên, đồng thời phấn đấu đề nghị Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam xét danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” cho 2 hội viên. Đồng thời, PHSK sẽ kiện toàn tổ sáng tác, tổ biểu diễn sân khấu và tổ đờn ca tài tử, kết nạp thêm hội viên hoạt động ở lĩnh vực hát bội.
 
PHSK dự kiến sẽ in tuyển tập chọn lọc bài ca vọng cổ - tài tử của nhiều tác giả trong và ngoài tỉnh viết về Bến Tre từ năm 1975-2015; đồng thời sẽ tổ chức 2 chuyến đi thực tế sáng tác, cử hội viên dự trại sáng tác do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức (nếu được triệu tập). Riêng lĩnh vực sân khấu, sẽ phấn đấu dàn dựng và biểu diễn từ 3 vở trở lên; đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu về biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng. Lĩnh vực đờn ca tài tử, hội viên sẽ tiếp tục tập dợt, rèn luyện, trao đổi nhằm nâng cao tay nghề, tham gia tốt các hoạt động hội thi, hội diễn, liên hoan, giao lưu trong và ngoài tỉnh.
 
PHSK vừa tổ chức đại hội tổng kết nhiệm kỳ 2009-2015 và bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2016-2020 gồm 5 thành viên, ông Nguyễn Văn Lời (nghệ nhân Minh Lời) được tín nhiệm giữ chức Phân hội trưởng.         
 
(Theo Báo Đồng Khởi)

Ánh Nguyệt
Bạn đang đọc bài viết "Miệt mài vì nghệ thuật" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.