Mê đắm di sản Bài chòi qua lời kể

16/07/2019 15:25

Theo dõi trên

Nếu người dân xứ Kinh Bắc say mê dân ca quan họ, người Phú Thọ yêu hát Xoan, người Nam Bộ say mê và tự hào với đờn ca tài tử, thì nay người dân Trung Bộ cũng thỏa nguyện khi nghệ thuật hát Bài chòi đã trở thành Di sản Văn hóa thế giới.



Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 
Bài chòi là di sản chung của 9 tỉnh Trung Bộ (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận) nhưng Bình Định vẫn được xem là cái nôi của di sản này.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, từ khi bắt đầu hình thành với hình thức sơ khai là trò chơi đánh bài chòi (hay còn gọi là hô bài chòi), hát bài chòi trở thành loại hình nghệ thuật dân gian gần gũi, đặc sắc, thể hiện tâm tư, tình cảm, cuộc sống sinh hoạt của người dân duyên hải miền Trung.

Trao đổi trên báo Thanh Niên, Nghệ nhân ưu tú Võ Duy Khánh ở xã Phổ Cường (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) rất hào hứng mỗi khi nói về dân ca bài chòi. Gần trọn cuộc đời, ông gắn bó với những câu hát mượt mà, sâu lắng như tiếng lòng của người dân quê. Bao năm mê đắm bài chòi, ông tìm hiểu và khá am tường về loại hình nghệ thuật lưu truyền qua bao thế hệ.

Thuở trước, thú rừng thường rời núi xuống ruộng đồng hay gò đồi phá hoại lúa, hoa màu, gia súc của người dân quê nhọc công chăm bón, nuôi trồng. Cư dân trong làng dựng những chiếc chòi cao để tránh thú dữ và bảo vệ mùa màng. Đêm đến, trai tráng và thôn nữ trong làng rời nhà rồi leo lên chòi cao để canh chừng muông thú gây hại thành quả gieo trồng. Khi phát hiện thú rừng, họ liền hô to rồi gõ mõ tre xua đuổi chúng về chốn non cao.

Đêm tịch liêu, nỗi buồn xâm chiếm cõi lòng những người trẻ trung, căng tràn sức sống như thân cây rạo rực đâm chồi giữa ngày xuân. Những câu hò, điệu lý lướt bay trên cỏ cây làm vơi đi nỗi buồn trong đêm thanh vắng.

"Bài chòi xuất hiện từ khi người Việt vào mở mang, khai phá đất phương Nam với lời hát đối đáp đơn sơ giữa những người dân quê chân chất. Sau đó, cụ Đào Duy Từ sáng tạo ra hội chơi bài chòi khá độc đáo, thu hút nhiều người tham gia. Vùng đất Đức Phổ giáp ranh với Hoài Nhơn (Bình Định, nơi cụ Đào Duy Từ cư ngụ và được xem là đất tổ của hội đánh bài chòi - PV) nên bài chòi khá phát triển...", nghệ nhân Võ Duy Khánh chia sẻ trên báo Thanh Niên.

Nghiên cứu nguồn gốc bài chòi, GS. Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, người đã có hàng chục năm tìm hiểu và nghiên cứu nghệ thuật bài chòi cho biết đến nay, vẫn chưa tìm thấy văn bản nào ghi lại nguồn gốc ra đời của nghệ thuật bài chòi. Tuy nhiên, qua truyền thuyết dân gian, qua lời kể của những nghệ nhân thì vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, nhiều thú dữ trên rừng thường về phá hoại mùa màng, quấy nhiễu cuộc sống của dân lành. Để chống lại thú dữ, người dân trong làng đã dựng những chiếc chòi rất cao ở ven rừng. Trên mỗi chiếc chòi cắt cử một thanh niên trai tráng canh gác, nếu thấy thú dữ về phá hoa màu thì đánh trống, hô to để đuổi chúng… Trong quá trình ấy, để đỡ buồn chán, người ta đã nghĩ ra cách giao lưu với nhau bằng những câu hát, câu hò. Theo báo Bình Định.

Cũng theo bài báo này, để phù hợp với hoàn cảnh khi đó, người trên các chòi đã ngồi trên chòi để hát - hô đối đáp nhau giữa chòi này với chòi khác. Rồi không chỉ có vậy, người dân còn sáng tạo ra cách ngồi bài tứ sắc (tương tự như chơi tam cúc ở ngoài Bắc). Hình thức vừa chơi bài, vừa hô (hát) giữa các chòi với nhau để giải trí này đã được dân gian gọi là hô bài chòi, khởi nguồn của nghệ thuật bài chòi sau này.

Qua thời gian, để nhiều người có thể biết cách chơi hát - hô này, những cuộc giải trí dần dần được nâng lên thành hội bài chòi.

Đến nay, nó đã bám rễ ăn sâu vào tâm hồn, không gian sống của người dân các địa phương, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và góp phần tạo nên cốt cách của con người Trung Bộ: thẳng thắn, chân thành, giản dị, mạnh mẽ, lạc quan, mến khách. Các câu chuyện trong bài chòi thể hiện tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng và những bài học đạo đức, kinh nghiệm trong cuộc sống của người dân.

 
P.V (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Mê đắm di sản Bài chòi qua lời kể" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.