
Ảnh minh họa (Nguồn:internet)
Tuy nhiên, khi chế độ bao cấp đã tiêm nhiễm quá sâu vào đa số cán bộ Nhà nước, thì việc thực hiện xã hội hóa văn hóa vô cùng khó khăn và chậm chạp. Đã hơn một thế kỷ qua mà nhìn vào ngành văn hóa nghệ thuật chưa thấy chuyển biến bao nhiêu, nếu không nói là ì ạch và lúng túng.
Ở đây tôi chỉ nói riêng về xã hội hóa ở ngành nghệ thuật sân khấu.
Xã hội hóa là sự cần thiết cho sự phát triển nghệ thuật, đồng thời cũng góp phần giải quyết đời sống vật chất cho những người lao động sáng tạo nghệ thuật, nhưng thật nguy hiểm, nếu tuồng, chèo, cải lương cũng hoạt động theo cơ chế xã hội hóa đơn thuần thì không bao lâu nữa nghệ thuật sân khấu truyền thống sẽ “biến vừng ra ngô” như Bác Hồ đã cảnh báo từ năm 1963.
Thực tế hiện nay nhiều diễn viên và nhạc công tuồng đi đánh trống, múa cờ, múa lân và kéo nhị… trong từng buổi diễn phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân. Dao có mài mới sắc, văn không ôn, võ không luyện thì làm sao tinh thông được, nếu không nói là lụi, cùn dần, may nhờ có các phương tiện kỹ thuật hiện đại hát nhỏ cũng thành to, nhưng nếu bỏ cái máy đeo bên hông hoặc bỏ chiếc Mic trên ve áo ra thì hát không ai nghe nữa! Nếu cứ để tình trạng đó kéo dài thì những gì gọi là “quốc hồn”, “quốc túy” của dân tộc sẽ không còn nữa. Kịch hát dân tộc (hát là chính) mà hát bằng máy thì liệu có còn là hát tuồng, hát chèo nữa không? Hãy đến các rạp hát tuồng ở các thành phố lớn mà xem, ở đây không còn cảnh như ngày xưa, của rạp hát hôm nào cũng tấp nập, khán phòng lúc nào cũng chật ních, hàng trăm người chìm trong tiếng trống chầu, chống chiến, trong những câu hát khách, hát nam… với những sắc màu rực rỡ của áo, mão, hia, hương…
Ngày xưa làm gì có những rạp hát tuồng, chèo sang trọng và hiện đại như Hồng Hà, Kim Mã, Đại Nam… ở Hà Nội như bây giờ, nhưng vì sao các rạp hát sang trọng này lại không thường xuyên mở cửa, không sáng đèn? Vì không có hoặc rất ít người xem! Chính vì thế mà không thể áp dụng chính sách xã hội hóa vào các ngành nghệ thuật sân khấu truyền thống, mà phải coi là loại hình nghệ thuật đặc sắc, đặc thù như là những di sản phi vật thể quý hiếm của dân tộc cần phải bảo trọng, bảo lưu nguyên dạng từ đời này sang đời khác, như người Nhật Bản đối xử với nghệ thuật Nô và Kabuki; Kabuki tuy có cải tiến nhưng vẫn giữ bản sắc truyền thống. Vì thế Nhà nước cần có một cơ chế riêng cho nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là tuồng, chèo. Cụ thể là lương cho các nghệ sĩ phải cao, ít ra phải đủ sống để họ yên tâm lao động sáng tạo và hăng say trong việc học tập, kế thừa vốn cổ. Vì theo tôi đối với người diễn viên sân khấu truyền thống, khó nhất là hiểu được lịch sử, hiểu được đặc trưng nghệ thuật và học được những vai diễn, miếng diễn thật đúng với truyền thống cũng những loại hình nghệ thuật khác thì tuồng, chèo thương mại hóa nghĩa là sẽ bị lai căng. Điều này tôi đã nói nhiều lần với Bộ Văn hóa như những lời tâm huyết có tính cảnh báo.
Hy vọng Nhà nước đặc biệt quan tâm những bộ môn nghệ thuật dân tộc đặc sắc, có những chính sách mới giúp cho sân khấu truyền thống được bảo tồn, phát huy và phát triển mà không mất bản sắc, để tương lai không xa tuồng, chèo có thể được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
(Theo Tạp Chí VHVN)