Mặt nạ hoá trang trong lễ bỏ mả vùng Bắc Tây Nguyên

13/09/2016 10:36

Theo dõi trên

Mặt nạ hóa trang trong lễ hội bỏ mả (pơ thi) của người Ba Na và Jrai với nhiều sắc thái khác nhau góp phần quan trọng làm nên bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên.

Mặt nạ hóa trang xuất hiện

Đối với lễ hội bỏ mả, người Ba Na, Jrai ở từng nhóm địa phương có thể có những cách gọi khác nhau như: hoă lui pơxat - ăn bỏ nhà mả (ở người Jrai Cheo Reo - Phú Túc); mơi brưh pơxat - vào hội bỏ mả (ở người Bahnar Kon kơđeh, Kbang)... nhưng nhìn chung, pơ thi vẫn là cách gọi phổ biến nhất.

Với mỗi tộc người, mỗi nhóm địa phương Ba Na, Jrai, lễ hội bỏ mả có thể qua những bước khác nhau, thời gian dài, ngắn cũng khác nhau, nhưng về cơ bản các lễ hội bỏ mả đều phải trải qua 3 công đoạn chính, đó là: lễ dựng nhà mồ, lễ bỏ và lễ giải phóng linh hồn.

Trước kia, khi cây lúa rẫy còn là cây trồng chủ lực trên cao nguyên, mùa ning nơng thật sự là mùa nhàn rỗi, thì 3 công đoạn này thường kéo dài trong nhiều ngày, có khi cả tháng trời. Riêng công đoạn chính là lễ bỏ ở nhiều nơi cũng diễn ra cả tuần. Trong 3 công đoạn trên, trọng tâm của lễ hội bỏ mả là lễ bỏ. Lễ này thường bắt đầu vào một đêm trăng. Ngay từ buổi chiều ngày đầu lễ, hầu như mọi hoạt động của làng đều hướng về khu nhà mồ. Tối đó, chủ những nhà có người chết được bỏ mả lần này sẽ mang rượu, thịt đặt lên giàn cúng; các lễ vật chia cho người chết cũng được đem đến treo vào bên trong nhà mồ (ngay phía đầu người chết); Trâu, bò chia cho atâu (ma) mỗi con được buộc vào một giàn cúng.




Mặt nạ trang trí trực tiếp tái hiện hình ảnh người đã khuất về chung vui với bà con buôn làng trong lễ bỏ mả truyền thống.

Khi mặt trăng lên cao, cũng là lúc mọi người đã ngất ngây trong men rượu cần, chủ nhà vào hẳn phía trong các nhà mồ khóc kể với atâu, chia sẻ nỗi nhớ thương vì sự ly biệt, cách xa... thì các thanh niên nam nữ cũng bắt đầu nhảy múa điệu dungdai - soang atâu trong tiếng chiêng aráp quanh nhà mả, đó là lúc các pơtual, mêu brêm (chú hề) xuất hiện cùng những mặt nạ hóa trang, làm tăng thêm sự náo nhiệt, phấn khích trong không gian lễ hội.

Độc đáo các kiểu mặt nạ hoá trang

Mặt nạ là bộ phận quan trọng góp phần làm nên một pơtual hay mêu brêm trong lễ bỏ mả của người Ba Na, Jrai. Nhiều ý kiến cho rằng, những chú hề này chính là mô phỏng những người từ làng ma đến đón các atâu mới về với thế giới tổ tiên. Mặt nạ hóa trang trong lễ bỏ mả Ba Na, Jrai chia thành 2 nhóm chính, tạm gọi là: nhóm mặt nạ tháp vào (mặt nạ độc lập) và nhóm mặt nạ trang trí trực tiếp.

Nhóm mặt nạ tháp vào

Đây là những mặt nạ được tạo từ bên ngoài, sau đó gắn thêm một sợi dây choàng qua đầu để che đi phần mặt của người sử dụng. Loại mặt nạ này thường được làm từ gỗ, sau đó khoét, khắc, phết màu để tạo ra mắt, mũi, miệng... Đối với các nhóm người Ba Na, Jrai ở Gia Lai thường chỉ có 3 màu chính được sử dụng trong trang trí mặt nạ, đó là: màu trắng từ bản thân thớ gỗ tươi nguyên liệu được dùng làm màu da, màu răng; màu đen dùng làm màu mắt, tóc, sừng, lông mày, râu; màu đỏ đậm như huyết tươi được dùng cho phần miệng, lưỡi. Riêng với một số nhóm Ba Na ở Kon Tum, đồng bào còn dùng thêm màu trắng hoặc hồng nhạt để làm màu da thay cho màu trắng từ gỗ.




Những chiếc mặt nạ hóa trang thuộc nhóm mặt nạ tháp vào.

Mặt nạ Ba Na, Jrai được làm ra hoàn toàn phụ thuộc vào sự sáng tạo của nghệ nhân. Có lẽ bởi mặt nạ là một phần làm nên hình ảnh của những chú hề, nên yếu tố đầu tiên đập vào mắt người xem là nó phải ngộ nghĩnh, gây cười, hoặc kỳ dị, tạo cho người xem cảm giác sợ hãi. Từ những định hướng vô hình và sâu xa đó nên các nghệ nhân hay làm mặt nạ đầu hoặc mặt những con vật thân thuộc xung quanh như đầu trâu, đầu khỉ...; cũng có khi là bóng dáng của những nhân vật được mô tả trong truyền thuyết, sử thi với cái mũi của quái vật nhưng đôi mắt, cái miệng lại giống người; hoặc mặt của những nhân vật dị thường với cái lưỡi thật dài, miệng méo xệch, ngoác ra rất hài hước…

Trong kho tàng sáng tạo vô biên của cộng đồng các dân tộc Bắc Tây Nguyên, cũng có khi, chất liệu để làm mặt nạ không phải là gỗ, mà là những loại củ to, có thể ôm hết khuôn mặt người sử dụng (như củ chuối, củ nâu). Đối với chất liệu này, nghệ nhân thường chọn những củ có hình thù ban đầu gần giống mặt một con vật gì đó hay mặt người, rồi dựa theo hình dạng của củ để cắt gọt, khoét rỗng... tạo ra mặt nạ.

Điểm khác biệt giữa mặt nạ bằng chất liệu này so với mặt nạ làm bằng gỗ là nghệ nhân thường giữ nguyên màu sắc gốc (không sơn phết), tận dụng những chỗ nhô ra, móp vào, thậm chí cả phần rễ trên củ để cắt, tỉa một cách khéo léo, làm thành những chiếc mặt nạ không kém phần lạ lẫm, hấp dẫn.



Loại mặt nạ tháp vào thường được sử dụng cho những brêm, pơtual mang trang phục choàng khoác, được làm từ lá chuối khô, bông lau, rễ cây xi, hay những tua rua dài, được nạo công phu từ tre, nứa...

Mặt nạ trang trí trực tiếp

Mặt nạ được hình thành do xử lý trực tiếp trên mặt người trình diễn để làm nên sự khác biệt của chú hề. Loại mặt nạ này thường được dùng cho những pơtual, mêu brêm không khoác trang phục hóa trang mà bôi trát trực tiếp lên người bằng bùn, đất sét pha loãng. Những chú hề này đòi hỏi khả năng trình diễn cao, không phải ai cũng làm được.

Mặt nạ này thường được tạo bằng cách: nghệ nhân đeo một sợi dây ngang qua lỗ mũi để kéo hai lỗ mũi hếch lên. Sợi dây này cũng đồng thời là điểm tựa để người ta chống 2 nan lồ ô nhỏ 2 bên mắt nhằm kéo căng 2 hốc mắt. Phần miệng thường được xử lý bằng việc đẩy một vòng tròn bằng kim loại bên ngoài phần lợi của răng cửa để mở ngoác phần môi ra. Để việc hóa trang thêm ấn tượng, người ta cũng thường bôi thêm bùn, hoặc than, nhọ nồi lên những phần da còn lại, có khi còn lắp thêm đuôi... Đối với loại mặt nạ này, chú hề phải kết hợp toàn bộ các bộ phận trên cơ thể (chân, tay, bước đi…) với khuôn mặt (mắt, mũi, miệng) để diễn trò.

(Theo Làng Việt Online)

TS Nguyễn Thị Kim Vân
Bạn đang đọc bài viết "Mặt nạ hoá trang trong lễ bỏ mả vùng Bắc Tây Nguyên" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.