Long An: Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đầu tư bảo tồn và khai thác cho từng điểm đến

21/11/2022 08:17

Theo dõi trên

Trên địa bàn tỉnh Long An tính đến nay có 123 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 21 di tích quốc gia và 102 di tích cấp tỉnh. Từ năm 1989 - 2017, tất cả các di tích và 01 công trình văn hóa do tỉnh quản lý. Ngày 11/01/2017, thực hiện Quyết định số 90/QĐ-UBND của UBND tỉnh, đa số các di tích được phân cấp cho UBND cấp huyện quản lý, còn lại 5 di tích quốc gia và 1 công trình văn hóa do tỉnh quản lý.

dt4455ghhhanh-trang-20-1668993404.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: daidoanket.vn

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương, từ năm 2020 đến nay, các di tích quốc gia Vàm Nhựt Tảo, Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được giao cho huyện quản lý, còn lại Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh, di tích Ngã tư Đức Hòa, Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ và công trình văn hóa Khu công viên tượng đài Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc do tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quản lý.

Việc phân cấp làm cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích được quan tâm thực hiện sâu sát, nhất là việc trùng tu, tôn tạo có hiệu quả hơn. Sau khi phân cấp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực của xã hội tham gia công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng . Trong đó, nhân dân đã đóng góp hàng tỷ đồng vào việc trùng tu, tôn tạo di tích, nhất là đối với các di tích gắn liền với tôn giáo, tín ngưỡng như đình, chùa… Việc trùng tu, tôn tạo đảm bảo được tính nguyên gốc của di tích, tránh hiện tượng “làm mới” theo hướng dẫn của Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Nhờ đó, nhiều cảnh quan tự nhiên trong khu vực di tích, di tích gốc được phục hồi. Công tác trùng tu, tôn tạo, môi trường cảnh quan, bia đài, nhà trưng bày... được chú ý đến tính công năng và thẩm mỹ làm nâng tầm giá trị góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích của tỉnh.

Công tác truyền thông nâng cao nhận thức và quảng bá di sản rất được sự quan tâm của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An, thực hiện dưới nhiều hình thức tuyên truyền, quảng bá di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng, các báo, đài Phát thanh và Truyền hình, Internet, các diễn đàn, ấn phẩm …để giáo dục lịch sử văn hóa truyền thống và nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản và thu hút khách tham quan.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thực hiện phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các di tích đã trở thành nơi về nguồn của thanh thiếu niên, học sinh trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, các cơ quan văn hóa còn thực hiện việc kết nối, đưa di tích vào các tuyến du lịch trong dự án phát triển du lịch của tỉnh, tất cả đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa và quảng bá hình ảnh của tỉnh Long An với bạn bè trong nước và quốc tế.

Về công tác tu bổ và tôn tạo di tích trong 05 năm qua: Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, Trung ương đã phân bổ hàng chục tỷ đồng cho Long An để chống xuống cấp và tu bổ di tích. Đồng thời, nguồn ngân sách của tỉnh đầu tư để xây dựng, phục hồi, tôn tạo một số di tích trọng điểm lên đến hàng trăm tỷ đồng, công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực của xã hội tham gia công tác trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng. Cụ thể, các di tích được đầu tư xây dựng, phục hồi, tôn tạo, gồm: Khu di tích Vàm Nhựt Tảo, Khu di tích Ngã tư Đức Hòa; Khu di tích lịch sử cách mạng Bình Thành, Khu di tích Căn cứ Xứ ủy-Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ (1946 - 1949); Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ; Địa điểm thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn; Lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức; Nhà Trăm Cột; Khu lưu niệm Nguyễn Thông; Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu…Bên cạnh đó, thực hiện xã hội hóa, nhân dân đã đóng góp hàng tỷ đồng vào việc trùng tu, tôn tạo di tích, nhất là đối với các di tích gắn liền với tôn giáo, tín ngưỡng như đình, chùa… Đối với di tích cấp tỉnh, hơn 80% di tích lịch sử cách mạng đều được đầu tư kinh phí để xây dựng các công trình tôn tạo như bia, đài kỷ niệm …Trên cơ sở thực hiện nghiêm túc Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An đã quản lý, chỉ đạo tốt các đơn vị chuyên môn tôn trọng tính nguyên gốc của di tích, không để xảy ra hiện tượng “làm mới” di tích.

Trong thời gian tới, để làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương, đòi hỏi các cấp, ngành, các đơn vị liên quan cùng chung tay đẩy mạnh các hoạt động đầu tư bảo tồn cũng như khai thác giá trị di sản văn hóa. Cụ thể: Cơ quan được phân cấp quản lý di tích, chủ động phối hợp với các sở ngành hữu quan tham mưu đề xuất với UBND tỉnh về kinh phí duy tu, bảo dưỡng các di tích đã được xây dựng nhằm bảo vệ môi trường văn hóa tại di tích. Để có thêm kinh phí duy tu, bảo dưỡng này, việc kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa cần được thực hiện và duy trì lâu dài.

Bảo tàng-Thư viện tỉnh là một thiết chế giáo dục trực quan sinh động (bằng hiện vật, bằng trải nghiệm thực hành) sau trường học về khoa học tư nhiên, xã hội; nơi bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của tỉnh, một điểm đến du lịch hấp dẫn khách tham quan trong và ngoài nước cần sớm được quan tâm xây dựng mới.

Bên cạnh đó, phát triển du lịch của tỉnh và có sự tổ chức thống nhất, tương hỗ giữa đầu tư bảo tồn và khai thác cho từng điểm đến (di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, sinh thái...) và giữa các điểm đến với nhau để có hệ thống điểm đến du lịch hoàn hảo (các điểm đến có sự liên kết nhau cùng thu hút khách). Di sản văn hóa phải được xem là sản phẩm du lịch bền vững trong phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của tỉnh. Cần xử lý hài hòa quan hệ giữa phát triển du lịch với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và bảo vệ môi trường văn hóa; chú trọng đầu tư, khai thác các sản phẩm du lịch độc đáo tại địa phương nhất là các địa điểm di sản văn hóa phi vật thể như làng nghề, ẩm thực dân gian, đờn ca tài tử, bóng rỗi, múa lân sư rồng, trò chơi dân gian... đồng thời chú ý xây dựng các chương trình hoạt động tương tác hấp dẫn nhằm thu hút khách tham quan, du lịch.

Đồng thời thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, phát huy giá trị di sản văn hóa; quản lý các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích; quản lý và khai thác du lịch có hiệu quả; Nâng cao nhận thức, năng lực quản lý cho các cấp chính quyền, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cán bộ, công chức quản lý văn hóa các cấp và cộng đồng thông qua các hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng; Ứng dụng khoa học- công nghệ trong bảo tồn di sản văn hóa; số hóa cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa để quản lý, bảo tồn và khai thác…

Theo disanxanh.cinet.vn
Bạn đang đọc bài viết "Long An: Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đầu tư bảo tồn và khai thác cho từng điểm đến" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.