Lễ rước cây nêu của người Ê Đê, Đắk Lắk

15/09/2016 08:15

Theo dõi trên

Lễ Rước cây nêu vào nhà là một trong những sinh hoạt văn hoá, phản ánh đậm nét đời sống, tinh thần của đồng bào Ê Đê tỉnh Đắk Lắk.


Cây nêu đối với cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói chung, dân tộc Ê Đê nói riêng, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào. Theo quan niệm của họ, cây nêu là cầu nối giữa đất với trời, cầu nối tâm linh đưa những gửi gắm, ước vọng của con người tới yang, thần linh và những người đã khuất, cầu mong sự bình yên, no đủ…

Người Êđê quan niệm, bản thân cây nêu và những hình ảnh vẽ trên cây nêu là một vòng đời người. Con người từ khi sinh ra cho đến khi về với ông bà, tổ tiên luôn sống gắn bó với thiên nhiên, cỏ cây, nên những hình ảnh vẽ trên cây nêu đều gần gũi với con người. Ở phía trên cùng là một bắp chuối tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở, tiếp theo là 5 hoặc 7 cái vòng Khơk. Trên cột lễ có tất cả những ước nguyện của bà con về sự no đủ, về sự sinh sôi, phát triển thể hiện ở các biểu tượng: ché rượu cần, cối gỗ để giã gạo, nồi đồng… Đặc biệt là những hoa văn, trong đó tiêu biểu là hoa văn về hoa may bốn cánh cũng là biểu trưng cho sự sinh sôi và phát triển.




Cây Nêu - Biểu tượng tâm linh của người Ê đê. Ảnh: ĐCSVN

Trong lễ hội, cây nêu là trục tâm linh, là nơi đi về của các Giàng (các vị thần), ngoài ra nó còn được ví là trục vũ trụ thông tam giới, giúp con người có thể bắc nhịp cầu tâm linh để tiếp cận gần hơn với các đấng thần linh và cõi ông bà tổ tiên.

Đồ cúng được chuẩn bị trong nghi lễ rước cây nêu vào nhà gồm: 5 bát cơm trắng, 5 miếng trầu cau, 5 miếng cơm, 5 đĩa lòng, 1 tẩu hút thuốc, một cây nến, những chiếc vòng tay bằng đồng...

Đến giờ hành lễ, thày cúng cất lời khấn và mời Yang cùng thần linh về chứng giám nghi thức rước cây nêu của đồng bào, mong Yang cùng thần linh phù hộ gia chủ và gia đình khỏe mạnh, no ấm, gặp may mắn trong cuộc sống.




Thày cúng đeo vòng tay cầu mong thần linh phù hộ cho gia chủ. Ảnh vinaculto

Tiếp đến là nghi thức uống rượu cần, mời cơm trong dòng họ và đeo vòng tay cho vợ chồng chủ nhà. Sau vợ chồng chủ nhà là phụ nữ, cuối cùng là nam giới trong gia đình thực hiện các nghi thức này, dưới sự điều khiển của thày cúng.

Theo quan niệm của người Ê Đê, đeo vòng tay là một nghi thức quan trọng, những chiếc vòng tay đã được thày cúng làm lễ, Yang cùng thần linh chứng giám sẽ che chở và mang lại sức khỏe và may mắn cho người được đeo, đi theo suốt cuộc đời của họ.




Thày cúng thực hiện nghi thức cúng Yang và thần linh. Ảnh vinaculto

Sau cùng là nghi thức cúng ma vất vưởng, được thày cúng thực hiện ở phía cuối gian gah, quay về hướng đông, với ‎mong muốn các linh hồn vất vưởng không đến quấy rầy, làm điều xấu hại gia đình.

Phần nghi thức được kết thúc sau khi khách mời và du khách tham gia uống rượu cần mừng gia chủ, mừng gia đình. Tiếng cồng chiêng nổi lên, các cô gái nhịp nhàng trong những nhịp xoang truyền thống.

(Theo Cinet.vn)

Bạn đang đọc bài viết "Lễ rước cây nêu của người Ê Đê, Đắk Lắk" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.