Hát then luôn gắn liền với đời sống người Tày, Nùng, Thái. Ảnh: T.L
Liên hoan sẽ có sự tham gia của 14 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Quảng Ninh… Các nghệ nhân, diễn viên sẽ đem đến những tiết mục đặc sắc của loại hình nghệ thuật dân gian này phục vụ khán giả. Ngoài những tiết mục biểu diễn, nằm trong khuôn khổ của Liên hoan nghệ thuật hát then–đàn tính còn có triển lãm chủ đề “Di sản văn hóa then các dân tộc Tày, Nùng, Thái”, trưng bày các hiện vật, hình ảnh, nhạc cụ dùng cho hát then ở từng vùng, miền; giới thiệu các nghệ nhân tiêu biểu của loại hình nghệ thuật này; Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”.
Chia sẻ về liên hoan, ông Nguyễn Hải Anh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, Trưởng ban Tổ chức nhấn mạnh: “Di sản then đang có sức sống mạnh mẽ tại tỉnh Tuyên Quang nói riêng và các tỉnh, thành phố khác. Tại Tuyên Quang, then được các gia đình, dòng tộc tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát huy rất tốt qua các cuốn sách, tư liệu, gia phả, hương ước; bên cạnh đó then cũng được các nghệ nhân, nhạc sĩ… không ngừng sáng tạo và lan tỏa từ thế hệ này đến thế hệ khác qua việc sáng tạo nên các làn điệu then mới, sáng tác ca khúc dựa trên giai điệu của then. Đây chính là cơ sở vững chắc để các nhà quản lý văn hóa, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ di sản “Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam” trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12 tới. Nếu được Thủ tướng phê duyệt, hồ sơ di sản sẽ trình UNESCO vào cuối tháng 3.2016 để xem xét công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Theo Thanh Hà (Dân Việt)