Làng nghề rèn Lý Nhân, Vĩnh Tường phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần vào xây dựng nông thôn mới

23/08/2024 20:18

Theo dõi trên

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ khiến nhiều làng nghề truyền thống phải đứng trước nguy cơ mai một, song làng rèn truyền thống Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường ( Vĩnh Phúc) vẫn luôn đỏ lửa cho đến ngày hôm nay, đem lại sự thịnh vượng cho trên 700 hộ dân.

img-7844-1721985830-1724419027.jpeg
Làng rèn truyền thống Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường góp phần giải quyết việc làm cho hơn 2000 lao động

Sở dĩ, sản phẩm từ các lò rèn Bàn Mạch vẫn được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng bởi độ sắc bén, bền đẹp và tính tiện dụng. Đặc biệt, khi thôn Bàn Mạch được lựa chọn xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, làng rèn truyền thống lại có thêm cơ hội phát triển từ các chính sách hỗ trợ đặc thù.

Ông Trần Hùng Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Nhân cho biết: “Thực hiện chính sách hỗ trợ đặc thù theo Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh, đến nay, Làng văn hóa kiểu mẫu Bàn Mạch có 4 hộ sản xuất, kinh doanh được vay vốn theo Đề án nhóm “Hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gia công cơ khí” với tổng kinh phí đầu tư 1,148 tỷ đồng, trong đó, vốn khuyến công hỗ trợ 556 triệu đồng. Từ nguồn vốn hỗ trợ, các hộ đã đầu tư mua hệ thống lò nung bằng điện, lò tôi và máy khắc laser fiber, nâng tổng số máy móc của làng rèn Bàn Mạch lên tới 300 máy búa, 6 máy cán, 175 máy đột dập và hàng nghìn máy móc khác. Qua đó, không chỉ giải quyết việc làm cho hơn 2.200 lao động mà còn góp phần đưa doanh thu từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp toàn xã năm 2023 đạt trên 200 tỷ đồng”.

Người đưa sản phẩm rèn Lý Nhân vươn xa anh Phùng Văn Đô, Giám đốc HTX Rèn Thanh niên xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) cho biết: Tuổi thơ tôi đã quá quen thuộc với những âm thanh của máy hàn xì, cưa, cắt... Lúc đó, tôi không cảm thấy thích thú với những âm thanh chát chúa ấy, nhưng càng lớn lên, tôi lại càng yêu, càng thấy gắn bó với công việc khi làm ra những sản phẩm rất đỗi bình thường mà hữu ích cho cuộc sống hàng ngày từ cái cuốc, cái xẻng... đến những con dao, cái liềm...

Công việc đã giúp bao thế hệ người làng tôi có thu nhập ổn định để nuôi con cái lớn khôn, thành đạt. Chính bởi vậy, sau khi quyết định lập nghiệp từ nghề rèn truyền thống, tôi đã tập trung học hỏi kinh nghiệm từ các nghệ nhân trong làng, vừa mày mò, đúc rút kỹ thuật tôi thép cho riêng mình".

Khi đã dành dụm được ít vốn và lập gia đình, năm 2011, anh Phùng Văn Đô bắt đầu mở xưởng sản xuất riêng. Thời điểm này, do mới tách ra làm riêng nên xưởng sản xuất của anh gặp không ít khó khăn vì thiếu vốn, khó thuê nhân công... Lấy công làm lãi, tập trung phát triển các sản phẩm được thị trường ưa chuộng, các sản phẩm rèn của xưởng dần được khách hàng tin tưởng, đặt hàng với số lượng lớn.

Nhằm đa dạng mẫu mã các loại sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các đối tác lớn, từ năm 2014, anh Đô liên kết với nhiều hộ gia đình trong thôn Bàn Mạch thành lập HTX Rèn Thanh niên xã Lý Nhân với 11 thành viên, đầu tư nhiều loại máy móc với công nghệ hiện đại như lò nung cao tần, máy LRam... vừa tối ưu hóa chi phí sản xuất, vừa giúp bảo vệ môi trường.

Tạo được uy tín trên thị trường với lượng khách hàng ổn định, HTX Rèn Thanh niên xã Lý Nhân do anh Đô làm Giám đốc đã tạo việc làm cho hàng chục lao động với mức lương trung bình trên 7 triệu đồng/người/tháng.

Với những nỗ lực và đóng góp của mình trong giải quyết việc làm cho thanh niên, năm 2017, anh Phùng Văn Đô được Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc tuyên dương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu của tỉnh.

img-7843-1721985830-1724419014.jpeg
Anh Phùng Văn Đô, Giám đốc HTX Rèn Thanh niên xã Lý Nhân (Vĩnh Tường)

Biến thách thức thành cơ hội, nhanh nhạy nắm bắt xu hướng kinh doanh mới, bên cạnh hình thức bán hàng truyền thống qua các thương lái, anh Đô chuyển hướng sang hình thức bán hàng trực tuyến, livestream, chốt đơn qua các nền tảng, trang mạng xã hội như Facebook cá nhân, Shopee, Tiktok... đem lại hiệu quả bất ngờ khi lượng tiêu thụ online tăng đột biến, chiếm tới một nửa doanh thu của HTX.

Không chỉ được tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhiều sản phẩm dao, kéo của HTX Rèn Thanh niên xã Lý Nhân đã có mặt ở một số nước châu Âu. Từ năm 2022 đến nay, khi dịch Covid - 19 được kiểm soát ổn định, nhiều đối tác, đơn hàng từng bị gián đoạn được kết nối trở lại, giúp việc tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng.

Duy trì bán hàng theo cả 2 hình thức, trung bình mỗi tháng HTX Rèn Thanh niên xã Lý Nhân sản xuất và tiêu thụ từ 4.000 - 5.000 sản phẩm dao, cuốc, xẻng, cào... các loại.

Không bằng lòng với những thành quả đạt được, trước sự cạnh tranh gay gắt giữa các làng nghề hiện nay, để đưa sản phẩm làng rèn Lý Nhân vươn xa, chiếm lĩnh trên thị trường, bên cạnh việc tích cực tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại được tổ chức trong và ngoài tỉnh, anh Đô cùng các thành viên trong HTX nghiên cứu, cho ra mắt bộ dao nhà bếp 8 con với đầy đủ kích thước, công năng từ cắt, gọt hoa quả đến thái thịt, chặt xương.

Với mẫu mã đẹp cùng chất lượng tốt và tính ứng dụng cao, bộ sản phẩm liên tiếp được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh vào năm 2021, cấp khu vực phía Bắc năm 2022 và đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2023.

Không chỉ tập trung sản xuất, khi xu thế du lịch trải nghiệm làng nghề nổi lên, nhất là trong năm 2023 khi thôn Bàn Mạch được chọn là địa phương thí điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, anh Đô mạnh dạn đăng ký làm mô hình kinh tế điểm, vay vốn ưu đãi để đầu tư thêm nhiều loại máy móc hiện đại như máy hàn míc, máy khắc chữ laze để nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời, trau dồi thêm kinh nghiệm để đón du khách trong và ngoài nước đến làng nghề thăm quan, trải nghiệm.

Tiến Dũng
Bạn đang đọc bài viết "Làng nghề rèn Lý Nhân, Vĩnh Tường phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần vào xây dựng nông thôn mới" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.