Làn điệu dân ca dân tộc Dao đỏ đang bị mai một

08/07/2016 16:45

Theo dõi trên

Dân ca Dao đỏ là “kho báu” trong kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay những làn điệu dân ca ngọt ngào của dân tộc Dao đỏ đang bị mai một và nguy cơ mất dần trong sự phát triển chung của xã hội.



Dân tộc Dao đỏ (Cao Bằng) (Ảnh: caobangtv.gov.vn)

Cộng đồng dân tộc Dao đỏ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng vốn có truyền thống văn hoá phong phú và giàu bản sắc, trong đó, những làn điệu dân ca không chỉ làm đắm say người nghe mà qua những câu hát là những khám phá thú vị về nét văn hóa rất đặc sắc của dân tộc Dao đỏ.

Dân ca dân tộc Dao có rất nhiều làn điệu khác nhau, gồm: Tộ dung là hình thức đọc lượn; Cóng dung là hình thức nói lượn; Cóng phây là hình thức hát thơ; Phầy lủi là hình thức đọc liền mạch... không gian diễn xướng dân ca người Dao đỏ rất phong phú: Trong các ngày hội xuân, lúc đi chợ, lên nương... Thời gian tổ chức hát thường vào lúc nông nhàn, khi xuân sang, Tết đến... Họ hát theo từng nhóm trao gửi yêu thương và những kinh nghiệm về cuộc sống, đề cao tinh thần lao động, đạo đức, lẽ sống, phép ứng xử, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu đôi lứa..., thể hiện chất trữ tình đằm thắm, mượt mà, nét tươi sáng và giản dị của tâm hồn người Dao.

Có thể khẳng định, dân ca Dao đỏ là “kho báu” trong kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay những làn điệu dân ca ngọt ngào của dân tộc Dao đỏ đang bị mai một và nguy cơ mất dần trong sự phát triển chung của xã hội.

Điển hình như xã Thái Học (Nguyên Bình), nơi 100% là người dân tộc Dao đỏ, vẫn được ví như là kho tư liệu sống về những nét văn hóa đặc sắc của người Dao đỏ, trong đó có kho tàng dân ca. Nhưng điều đáng nói là hiện nay những người biết hát dân ca Dao đỏ tại xã Thái Học chiếm số lượng rất ít. Theo người dân nơi đây chia sẻ: Trong cuộc sống hằng ngày người Dao đỏ luôn san sẻ tâm tình, yêu thương đùm bọc nhau qua các câu hát dân ca mượt mà. Mọi lúc, mọi nơi đều cùng nhau cất lên những lời ca, điệu múa để tăng thêm nghị lực, vượt qua mọi gian nan thử thách, thúc giục niềm hăng say lao động sản xuất, yêu quê hương. Nhưng những năm gần đây, tiếng hát dân ca không còn được cất lên trong đời sống hằng ngày mà chỉ trong những dịp lễ hội, lễ cưới, lễ cấp sắc...

Nguyên nhân dẫn đến dân ca Dao đỏ hiện nay không được nhiều người biết và hát nữa do các làn điệu dân ca Dao đỏ cổ được ghi bằng chữ Hán - Dao, nhưng người biết chữ Hán - Dao chủ yếu tập trung ở những người làm nghề thầy cúng mà họ chỉ quan tâm đến các làn điệu phục vụ nghi lễ tín ngưỡng. Do đó, nguy cơ thất truyền, mai một các làn điệu dân ca là rất lớn. Các làn điệu dân ca phổ biến mang tính chất truyền miệng không có sự kế thừa, ghi chép đủ qua các thế hệ; lớp trẻ hiện nay ít có thời gian suy ngẫm và không am hiểu về các làn điệu dân ca dẫn đến không đam mê, học hỏi; người cao tuổi, nghệ nhân có hiểu biết và có thể hát các làn điệu dân ca ngày một ít; cuộc sống còn nhiều khó khăn nên vai trò và tác dụng của dân ca trong cuộc sống chưa được nhận thức đúng đắn; địa phương chưa có sự quan tâm đầu tư cho công tác nghiên cứu, sưu tầm và phổ biến các làn điệu dân ca...

Kho tàng dân ca, dân vũ dân tộc Dao Đỏ tỉnh Cao Bằng là những loại hình nghệ thuật đặc sắc và mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, nhưng hiện nay lại đang dần bị mai một. Vì vậy, để phát huy được vốn văn hoá truyền thống dân ca, dân vũ dân tộc Dao Đỏ, đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần của nhân dân, phát huy vai trò giáo dục thế hệ trẻ cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành địa phương.

(Theo Cinet.vn)

Bạn đang đọc bài viết "Làn điệu dân ca dân tộc Dao đỏ đang bị mai một" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.