Kỷ niệm 55 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968 - 2023): Chiến sỹ biệt động kể chuyện Tết Mậu Thân

28/01/2023 22:09

Theo dõi trên

Một ngày đầu xuân năm Quý Mão, chúng tôi về thôn Bắp Má, xã Hương Lạc (Lạng Giang, Bắc Giang) nghe cựu Thiếu tá biệt động Nguyễn Văn Nam, 83 tuổi kể chuyện về Tết Mậu Thân 1968 ông từng tham dự ở Sài Gòn và vẫn cho rằng đó là cái duyên do trời định, đã đưa ông từ một thanh niên nông thôn ở miền Bắc trở thành chiến sỹ biệt động Sài Gòn trong những năm đánh Mỹ.

anh1-1674828340-1674918470.jfif
Thiếu tá biệt động Nguyễn Văn Nam (83 tuổi)

Sau những lời chúc đầu xuân, ông chậm rãi kể cho chúng tôi nghe cuộc đời binh nghiệp của mình. Ông nhưng chìm vào khoảng ký ức xa xăm và buông từng lời kể chậm rãi: Tháng 2/1960, khi tròn 20 tuổi, đang làm Bí thư chi đoàn và được kết nạp Đảng hơn 1 tháng, Nguyễn Văn Nam nhập ngũ, vào lực lượng công an vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng), bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy Bắc Giang. Kỷ niệm đầu đời không bao giờ quên, ngày 6-4-1961, anh được làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ. Buổi sáng sớm đó, khi thấy một ông lão quắc thước, bình dị trong bộ quần áo kaki bước ra từ xe ôtô, tươi cười vẫy tay chào mọi người, trong tiếng reo vang: “Bác Hồ”. Do phải làm nhiệm vụ anh và đồng đội không thể ùa ra đón Bác, mà lặng lẽ nhìn ở khoảng cách khá gần. Khi Bác cùng đoàn đại biểu ra sân vận động nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Anh và đơn vị lại cơ động bảo vệ dọc tuyến đường 13 (nay là quốc lộ 31), khi Bác về thăm xã Tân An, huyện Yên Dũng. Sau đó Nguyễn Văn Nam được đi học lái xe, tham gia duyệt binh ở Quảng trường Ba Đình, nhân ngày quốc khánh 2/9.

Hơn 5 năm biệt phái ở đại đội vận tải ở vĩ tuyến 170, chuẩn bị cho kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Văn Nam lập được nhiều thành tích, được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba, do đích thân Bác Hồ ký tặng. Đến đầu năm 1966, Nguyễn Văn Nam được ra trường C500 (thuộc công an vũ trang) để học các kỹ chiến thuật đặc công, tác chiến ở thành phố. Sau 9 tháng học tập anh được phong quân hàm chuẩn úy và đi B - cuộc đời quân ngũ của người lính trẻ bước sang một trang mới…

Trở thành chiến sỹ Biệt động Sài Gòn

Ngày 25/10/1966, anh cùng đơn vị hàng quân đi Nam, tăng cường cho lực lượng an ninh của Trung ương Cục. Phiên hiệu đơn vị là N58-R (Hải Yến) chỉ có 20 người. Đoàn hành quân bằng ôtô đến Nghệ An chuyển sang đi bộ theo đường dây 559. Vượt gần 2.000km, đầu năm 1967, đoàn N58-R (Hải Yến) đến Ban an ninh miền ở Tây Ninh, giữa lúc Mỹ - Ngụy mở trận càn Gianxơn-CiTy. Đơn vị phải tạm lánh sang Campuchia, rồi được chia nhỏ để bổ sung cho các tỉnh thành.

Nam và 4 người khác được điều về T4 (Sài Gòn - Gia Định) và được đồng chí Tư Trọng (tên thật là Nguyễn Tài - sau này là Thứ trưởng Bộ Công an) - Trưởng Ban an ninh giao nhiệm vụ làm trinh sát nội thành. Sau khi chuyển đến ấp Ràng (huyện Củ chi), cả tổ được huấn luyện thay đổi tác phong, cách xưng hô, cách sống, cách ẩn dấu, xóa vết..v.v... rồi di chuyển sang ấp Phú Hòa. Ở đây các anh được làm thẻ căn cước mới và các giấy tờ tùy thân khác, chuẩn bị cho cuộc vào thành. Lúc này Nguyễn Văn Nam được đổi tên thành Trần Văn Giang, con của người miền Bắc vào làm phu đồn điền từ năm 1945. Phân đội trinh sát nội thành có chừng 10 người, do đồng chí Ba Inh làm phân đội trưởng và Nguyễn Văn Nam làm Chính trị viên. Vào khoảng 9 giờ tối ngày cuối tháng 9/1967, Nguyễn Văn Nam, mang mật danh D11 cùng nữ giao liên chừng 16 tuổi, tên là Út Ngăn được lệnh vào thành.

Từ khu đệm Ấp Ràng đến Phú Hòa Đông cách nhau trên 10km, hai anh em không chỉ sợ bị địch phát hiện mà còn có thể bị du kích xử lý. Đến Thị trấn Suối Cụt (Tây Ninh), hai anh em lên xe đò về Sài Gòn. Trên đường đi có rất nhiều trạm kiểm soát của địch, nhưng cũng trót lọt. Sang đến Phú Thọ Hòa, Nam đã thấy đồng chí Năm Hiệp đỗ xe HonDa đón, đi vào phố Lê Quang Liêm và trú ở thuyền của Tư Hòe, là cơ sở của ta. Nam được đưa đi trinh sát thành phố, rồi học lấy bằng lái của chính quyền Ngụy.

Anh được bố trí thường xuyên lái các loại xe chở nước, rau, rác đến các địa điểm do Năm Hiệp chỉ dẫn. Hơn một năm làm lái xe, vừa trinh sát điều nghiên, anh nắm chắc đường đi, lối lại, quy luật hoạt động của địch ở từng mục tiêu. Tết Nguyên đán Mậu thân đến gần, 28 và 29 tết, anh em đi chợ sắm tết. Chiều về thấy Ghe của Tư Hòe có thêm nhiều người khác. Anh biết trên đã tăng cường lực lượng chuẩn bị cho giờ “G”. Đêm khuya mọi người lấy súng, lựu đạn được dấu kỹ dưới ghe của Tư Hòe lên.

Theo kế hoạch, mũi của anh đánh mục tiêu số 32 - Đoàn Thị Điểm, là trụ sở của Đại sứ quán Mỹ, bắt đại sứ Bân cơ. Nếu bắt được đại sứ Mỹ, Nam là người lái xe đưa tù binh ra căn cứ. Cuộc Tổng tấn công nổ ra không theo kế hoạch, đơn vị anh phải chuyển sang diệt ác ôn. Trong 18 ngày chiến đấu, đơn vị chỉ còn 4 người. Khi có lệnh rút, cả nhóm băng màn đêm, vượt qua nhiều đại lộ trong sự tuần tra gắt gao của địch, về Ban an ninh miền an toàn. Các anh được học tập 1 tháng, nghe phân tích tình hình và được điều trở lại chuẩn bị chiến dịch Mậu Thân đợt 2. Ngày 2/5/1968, Nguyễn Văn Nam, từ R, ra đến lộ 4, bắt xe đò về cơ sở cũ. Vào đến nơi được 2 ngày, anh bị địch bắt đưa về bốt Ngô Quyền để lấy cung…               

Những năm tháng ngục tù và trở về với binh nghiệp

Sau những trận đòn roi phủ đầu, anh sống đi chết lại và biết thêm các đồng chí Tư Hòe, Sáu Sướng và nhiều cơ sở đã bị bắt. Nhận thấy tình hình hết sức nguy hiểm, Nguyễn Văn Nam chỉ khai nhận là bộ đội địa phương của tỉnh Long An. Những trận mưa đòn hiểm độc của địch với anh như: đánh vào chỗ hiểm, tạt nước, nhúng đầu vào nước, treo giò, đến nay đã 55 năm vết treo ấy vẫn hằn sâu trên tay trái. Chúng đưa cả nhóm trinh sát bị bắt ra đối chất. Đồng đội của anh chỉ khai đi thuê lấy tiền, không biết Việt Cộng chuyển súng đạn. Sau đó, anh bị địch giam ở trại Hố Nai, đến cuối năm 1968 thì bị đưa ra Phú Quốc. Trong tù, địch thực hiện chia để trị, phân loại cô lập tù bình theo miền, theo cấp bậc, độ tuổi để dễ đàn áp, cảm hóa, ly gián. Lúc này tổ chức Đảng trong tù đã giao nhiệm vụ cho anh phải vận động đồng hương Hà Bắc, Hải Hưng giữ vững khí tiết. Các ốp tổ chức học văn hóa, diễn văn nghệ, đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù trà đạp nhân phẩm con người. Chúng nghi anh là sỹ quan và đã bị biệt giam nhiều lần. Hơn 5 năm bị tù đày ở địa ngục trần gian, anh đã giữ vững khí tiết của người cộng sản, người biệt động trước đòn roi của quân thù. Ngày 14/2/1973, anh và hàng ngàn đồng đội được Mỹ - Ngụy trao trả ở Sông Thạch Hãn khi hiệp địch Pari có hiệu lực. Nguyễn Văn Nam được khôi phục Đảng tịch, trao trả quân hàm và được điều về Ban Thống nhất Trung ương, rồi chuyển về Bộ Tư lệnh Công an Vũ trang.

Đất nước vừa thống nhất, lại xuất hiện kẻ địch mới, anh lại balô trên vai về công tác ở Bộ đội biên phòng Quảng Ninh, làm Chính trị viên đại đội. Lúc này Nguyễn Văn Nam xây dựng gia đình với một cô giáo cấp II, hạnh phúc mới nhưng phải chia tay đi về biên giới. Chiến tranh phía Bắc xảy ra, anh cùng đồng đội đánh địch mới ngay từ khi chúng gây hấn. Qua chiến đấu anh trở thành Chính trị viên tiểu đoàn, năm 1987, được cấp trên cho nghỉ hưu, với quân hàm thiếu tá.

27 năm binh nghiệp, phải trải qua những gì cam go nhất của cuộc chiến, Thiếu tá Nguyễn Văn nam luôn giữ vững niềm tin cho đến ngày trở về. Ông đã được tặng thưởng 01 Huân chương chiến công hạng Ba, 03 huân chương chiến sỹ vẻ vang, 02 huân chương giải phóng, 01 huân chương kháng chiến hạng nhì, 01 huân chương quân kỳ quyết thắng, mới đây ông được nhận Huy hiệu 30, 40, 50 và 60 năm tuổi Đảng và một số danh hiệu khác.      

anh2-1674828339-1674918441.jfif
Thiếu tá biệt động Nguyễn Văn Nam giản dị giữa đời thường

Khúc vĩ thanh của người ra trận

Trở về với đời thường, giữa lúc đất nước và gia đình hết sức khó khăn, người biệt động năm xưa lại bước vào trận tuyến mới. Ông nghỉ hưu được 2 năm, thì vợ ông cũng xin nghỉ mất sức. Ông tập trung làm VAC, tìm hiểu kỹ thuật nuôi lợn nái, đến các mô hình thành công học hỏi và xuống trại giống Lợn của huyện mua về nuôi. Được cái mát tay, mỗi năm gia đình xuất chuồng 6 lứa lợn giống. Lúc đó giá lợn giống rất cao, cho tích lũy nhanh, có của ăn của để và cho con cái học hành. Cùng lúc đó, ông Nguyễn Văn Nam được chi bộ thôn Bắp Má tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, rồi bầu là Đảng ủy viên. Khi thành lập Hội CCB, Hội người cao tuổi ông đều tham gia Ban chấp hành và chỉ làm một khóa, rồi tự nguyện không tái cử. Về phần gia đình, 3 người con trai của ông chịu khó và chăm học. Cậu cả đã lấy bằng thạc sỹ ở nước ngoài, 2 con trai cũng học xong đại học và 2 cô con dâu cũng có bằng cao học. Để có sự yên ổn ấy, gia đình ông cũng trải qua những khúc quanh của cuộc sống. Bằng tinh thần tiến công của người lính, ông đã vượt qua.

Rời chiến trường, nhiều đồng đội của đã ra sức tìm ông, sau nhiều năm mới hội ngộ. Vì một lý do rất đơn giản, ông đã thay đổi địa chỉ cư trú. Mới đây ông có dịp trở lại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, được biết người chỉ huy Ba Hiệp đã hy sinh trên đường ra căn cứ. Giao liên Út Ngăn đưa ông vào nội thành đã trở thành cán bộ PC17, Công an thành phố Hồ Chí Minh, đã nghỉ hưu với quân hàm Thượng Tá. Đồng chí Hai Đường, làm quận phó Công an quận 6, chuyển sang làm Giám đốc doanh nghiệp nhà nước cũng đã nghỉ hưu. Ông Hai Săng nghỉ hưu với quân hàm Thượng Tá. 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm tết Mậu Thân 1968 với ông như mới hôm qua. Ông rất nhớ những đồng đội trong chuyến xẻ dọc Trường Sơn và cùng ông hoạt động nội thành ngày ấy. Một số đã hy sinh, những người còn sống đều kiên trung theo Đảng, trọn một tấm lòng son sắt. 

Thân Văn Phương
Bạn đang đọc bài viết "Kỷ niệm 55 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968 - 2023): Chiến sỹ biệt động kể chuyện Tết Mậu Thân" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.