Sự tăng trưởng ấn tượng này không chỉ là kết quả từ nỗ lực của tổng thể ngành du lịch mà còn khẳng định vai trò điều phối hiệu quả của Sở Du lịch Kiên Giang trong việc kết nối các tỉnh, thành trong khu vực. Theo đồng chí Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương, vì vậy việc liên kết, hợp tác giữa các địa phương đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng góp phần tái cấu trúc và đưa du lịch tổng thể quay trở lại đà phát triển.
Hoạt động liên kết diễn ra trên nhiều mặt trận, từ quản lý nhà nước, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước trong hoạt động du lịch thông qua facebook, zalo, email, gặp gỡ trực tiếp tại các sự kiện, hội nghị, hội thảo du lịch đến xúc tiến, quảng bá du lịch. Các hoạt động như: thẩm định, công nhận khu, điểm du lịch; xếp hạng cơ sở lưu trú; kiểm tra cơ sở vật chất, dịch vụ và quản lý lữ hành, hướng dẫn viên du lịch được thực hiện thường xuyên, đảm bảo tính đồng bộ cao.
Theo đồng chí Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, công tác xây dựng sản phẩm du lịch cũng là điểm nhấn quan trọng. Thông qua các hội chợ, sự kiện, các tỉnh, thành đã tích cực giới thiệu sản phẩm đặc trưng, đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, xây dựng các tour, tuyến liên kết du lịch rất hiệu quả. Việc bình chọn điểm đến hấp dẫn do TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đồng tổ chức đã thu hút sự tham gia của 52 điểm đến từ 7 tỉnh trong Cụm phía Tây. Kết quả, 23 điểm đến lọt top 50 của toàn khu vực, trong đó, Cần Thơ 8 điểm, An Giang 3 điểm, Bạc Liêu 4 điểm, Kiên Giang 5 điểm, Cà Mau 1 điểm, Sóc trăng 2 điểm.
Các tỉnh, thành cũng đã phối hợp đồng tổ chức gian hàng chung tại các sự kiện lớn như: VITM Hà Nội, ITE HCMC, Lễ hội Hoa Ban Điện Biên, Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ,…. Qua đó, hình ảnh du lịch ĐBSCL đã được quảng bá rộng khắp, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Cổng thông tin điện tử, cổng thông tin du lịch của các địa phương cũng đã thường xuyên quảng bá du lịch của các tỉnh bạn. Ngành du lịch cũng đã thực hiện hiệu quả việc liên kết Website du lịch của các tỉnh thành trong khu vực ĐBSCL và quảng bá điểm đến du lịch 13 tỉnh, thành ĐBSCL trên nền tảng ứng dụng bản đồ thông minh 3D/360 của TP.HCM.
Các địa phương đã cùng nhau tham gia gian hàng chung để xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch, cũng như cùng nhau tham gia các sự kiện văn hóa, du lịch ở các địa phương khác. Qua đó khẳng định được tinh thần liên kết, hợp tác cùng phát triển du lịch của các tỉnh, thành trong Cụm hợp tác, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong Cụm quảng bá hình ảnh, liên kết tour, tuyến du lịch tạo sức cạnh tranh trên thị trường kinh doanh du lịch góp phần tạo ra liên kết Vùng chặt chẽ để đưa ngành du lịch phát triển bền vững.
Các tỉnh, thành trong Cụm luôn gắn kết trong hoạt động phát triển du lịch, chia sẻ kinh nghiệm và có tiếng nói chung trong các hoạt động. Đồng thời đã tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao trong việc thực hiện các hoạt động phát triển du lịch, là cầu nối giữa các doanh nghiệp du lịch trong Cụm. Ngoài ra, các tỉnh, thành trong Cụm đã kết nối, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của nhau; không ngừng nâng chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng sản phẩm mới, chú trọng chất lượng nguồn nhân lực du lịch để phục vụ tốt hơn nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
Đồng chí Lê Trung Hồ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, chia sẻ, Cụm hợp tác phát triển du lịch phía Tây ĐBSCL được hình thành từ 4 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm khu vực ĐBSCL từ năm 2009, khi đó có 4 địa phương là An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Tp. Cần Thơ, đến nay đã có 7 tỉnh, thành phố cùng tham gia Chương trình.
Đây là những địa phương có nhiều tiềm năng lợi thế phát triển du lịch với đồng bằng, sông rạch, đồi, núi, biển, đảo và hệ sinh thái rừng rất đa dạng. Những năm qua lĩnh vực du lịch đã được các địa phương quan tâm khai thác, nhiều khu, điểm du lịch được tổ chức quy hoạch, nhiều dự án du lịch được đầu tư mới đã góp phần tích cực vào sự phát triển du lịch chung của Vùng cũng như cả nước trong thời gian qua.
Đồng chí Lê Trung Hồ, nhận định, việc thực hiện tốt Chương trình liên kết hợp tác du lịch sẽ góp phần phát triển du lịch ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung từng bước phục hồi và phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của các địa phương trong thời gian tới. Đây cũng là mục tiêu mà Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và các địa phương đang hướng tới và đã được Chính phủ chỉ đạo tại Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.
Phó Cục rưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, ông Phạm Văn Thủy, nêu rõ, để việc hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh trong Cụm phía Tây vùng ĐBSCL ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn nữa thì cần phải đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác, thương mại và xúc tiến du lịch tạo ra "chuỗi giá trị du lịch" thống nhất.
Cụm phía Tây vùng ĐBSCL cần tăng cường quan hệ hợp tác công - tư giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch vùng và địa phương trên nhiều nền tảng; tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan thiên nhiên; thực hiện có hiệu quả và thực chất các thỏa thuận hợp tác đã ký kết; phát triển chuỗi các sản phẩm du lịch sáng tạo đổi mới, chất lượng cao và tích hợp nhiều tiện ích, trải nghiệm thú vị dành cho du khách,…
Có thể nói, Sở Du lịch Kiên Giang đã thể hiện tốt vai trò của một đầu tàu trong phát triển du lịch khu vực ĐBSCL, góp phần quán triệt đường lối, chủ trương phát triển du lịch bền vững của Đảng và Chính phủ.