Kiên Giang: Phát triển đô thị theo hướng hiện đại, sinh thái và văn minh

26/12/2024 21:13

Theo dõi trên

Chiều 26/12, tại Tp. Rạch Giá, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh – Học viện Chính trị khu vực IV phối hợp với Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo khoa học cấp Bộ “Phát triển đô thị theo hướng hiện đại, sinh thái, văn minh ở tỉnh Kiên Giang”. Ban tổ chức đã nhận được hơn 50 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, quý thầy cô giáo gửi đến từ Học viện Chính trị khu vực IV; các cơ quan, ban ngành; các trường chính trị, trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh.

1-kien-giang-1735220836.jpg
Các tác giả, nhà khoa học, nhà quản lý và quý thầy cô từ các học viện, trường và các cơ quan, ban, ngành trong và ngoài tỉnh Kiên Giang chụp hình lưu niệm. Ảnh: Trương Anh Sáng

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Phong, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, nêu rõ, trong quá trình phát triển đô thị, tỉnh Kiên Giang đã quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng; hệ thống đô thị toàn tỉnh hiện có 16 đô thị, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 35,6%. Đến nay, Kiên Giang đã phát triển được 02 thành phố đô thị loại II, 01 thành phố đô thị loại III; 01 đô thị loại IV và 12 đô thị lọai V. Quy mô dân số các đô thị 619.220 người, trong đó dân số nội thị 502.016 người. Không gian các đô thị ở Kiên Giang đang được mở rộng, đồng bộ và hiệu quả. Một số đô thị lớn như Tp. Phú Quốc, Tp. Rạch Giá, Tp. Hà Tiên trở thành cực tăng trưởng, động lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của tỉnh và của cả nước.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Phong, nhận định, bên cạnh kết quả đạt được thì quá trình phát triển đô thị theo hướng hiện đại, sinh thái, văn minh ở tỉnh Kiên Giang vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, cụ thể như: Tiến độ lập các Đề án hân loại đô thị, Chương trình phát triển từng đô thị, hồ sơ khu vực phát triển đô thị còn chậm; tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật chậm so với kế hoạch; lộ trình phê duyệt quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị đạt tiêu chí hiện đại, sinh thái, văn minh vẫn còn nhiều hạn chế.

Đồng thời, chất lượng đô thị hóa của tỉnh chưa cao. Tỉnh phát triển đô thị theo chiều rộng vẫn là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp; quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, kết cấu và chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường tại các đô thị có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp gây ra nhiều tác động tiêu cực; khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại đô thị còn thấp và nhiều bất cập; năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Phong, sau hơn 08 tháng triển khai kế hoạch hội thảo, Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 50 bài tham luận của các tác giả, các nhà khoa học, nhà quản lý và quý thầy cô từ các học viện, trường và các cơ quan ban ngành trong và ngoài tỉnh Kiên Giang. Ban Tổ chức đã tuyển chọn 41 bài tham luận sát với chủ đề, nội dung hội thảo, có giá trị, chất lượng cao để đưa vào tài liệu và xuất bản sách chuyên khảo phục vụ hội thảo khoa học.

ThS. Nguyễn Thị Hồng Loan, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, cho rằng, Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm kinh tế biển của Quốc gia thì tỉnh cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá như: Phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh kết nối du lịch; đầu tư, thương mại, sản xuất, tiêu dùng giữa đất liền với hải đảo; phát triển hướng biển, mở rộng không gian lấn biển sáng tạo, độc đáo, giàu bản sắc; hình thành không gian đô thị - dịch vụ đồng bộ, hiện đại gắn với bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện và năng lực tự nhiên.

Tỉnh cũng cần nghiên cứu các mô hình và thực tiễn quản lý phát triển nông thôn và đô thị hiện đại để nâng cao năng lực quản lý và thực thi của chính quyền; ứng dụng các phương pháp tiên tiến trong quản lý phát triển đô thị và nông thôn nhằm đảm bảo sự phát triển hiện đại, văn minh và thân thiện với môi trường; phát triển du lịch sinh thái sinh thái, du lịch biển và du lịch văn hóa lễ hội, dịch vụ và kinh tế biển, đảo; phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương; tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức và có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Với tham luận “Phát triển đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu hướng đến phát triển bền vững ở tỉnh Kiên Giang”, ThS. Dương Thị Ngọc Thu, Học viện Chính trị khu vực IV, đề ra 7 giải pháp đó là: Tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; rà soát hoàn thiện công tác quy hoạch đô thị xanh, công tác kế hoạch hóa đầu tư phát triển đô thị xanh, thông minh; hoàn thiện hệ thống chính sách có liên quan đến quản lý đầu tư phát triển đô thị xanh, thông minh; tăng cường, quản lý công tác kiểm tra, giám sát trong hoạt động đầu tư phát triển đô thị nói chung và đô thị xanh nói riêng; đổi mới mô hình phát triển, chuyển đổi cơ cấu kinh tế đô thị dựa vào đặc điểm tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng các văn bản quy chuẩn pháp luật, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời những vi phạm về đô thị; tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, liên kết với các vùng cùng với đẩy mạnh hợp tác trong khu vực và quốc tế; thu hút vốn đầu tư và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển đô thị.

ThS.KTS Lê Hoàng Thùy Trân, Giảng viên Khoa Kiến Trúc, Trường Đại học Kiến Trúc Tp. Hồ Chí Minh, đề xuất, Kiên Giang cần xây dựng tuyến đê biển Vịnh Rạch Giá - Kiên Giang sẽ giúp giải toả căng thẳng cho Phú Quốc đồng thời cũng kích thích sự phát triển đồng bộ của Kiên Giang, khiến cho Vịnh Rạch Giá trở nên điểm đến hấp dẫn trong vùng Vịnh Thái Lan.

Còn TS. Nguyễn Xuân Hậu, Trưởng Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu, Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang, nhận định, trong quá trình phát triển đô thị hiện nay của tỉnh Kiên Giang, tỉnh cần tập trung vào chất lượng dịch vụ phục vụ du khách, gắn kết lễ hội với phát triển du lịch; đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và du khách. Thông qua lễ hội, tỉnh Kiên Giang giới thiệu tốt hơn hình ảnh quê hương, con người thân thiện, nhiệt tình, cởi mở,… các giá trị văn hóa đặc sắc, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh.

TS. Nguyễn Xuân Hậu, nhìn nhận, tỉnh cũng cần chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra lễ hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các hoạt động tổ chức lễ hội và giá trị của lễ hội đến người dân địa phương và du khách, xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn và hoạt động kinh doanh dịch vụ tại di tích, lễ hội, tăng cường sự phối hợp thực hiện hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng; ổn định nguồn cán bộ làm công tác quản lý, tổ chức lễ hội và tăng cường công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa qua lễ hội; xã hội hóa phù hợp các hoạt động lễ hội.

2-kien-giang-1735220883.jpg
Quang cảnh hội thảo khoa học cấp Bộ “Phát triển đô thị theo hướng hiện đại, sinh thái, văn minh ở tỉnh Kiên Giang”. Ảnh: Trương Anh Sáng

Tổng kết hội thảo, Tiến sĩ Chu Văn Hưởng, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang, đánh giá, hội thảo có 06 bài tham luận và nhiều ý kiến tham luận, thảo luận tập trung nghiên cứu, làm rõ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị hiện đại, đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị sinh thái; bàn về công tác bảo vệ môi trường, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, xây dựng chính quyền điện tử trong đô thị…hướng đến nghiên cứu các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội đô thị hướng tới xây dựng đô thị hiện đại, sinh thái, văn minh.

Hội thảo cũng có 11 bài tham luận trao đổi kinh nghiệm phát triển đô thị gắn với du lịch; đô thị trên biển, đô thị đảo, đô thị lấn biển; đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; đô thị văn minh; xây dựng đê biển. Đây được xem như những gợi mở có giá trị tham khảo cao trong kiến nghị những giải pháp về cơ chế, chính sách giúp tỉnh Kiên Giang phát triển thành công hệ thống đô thị theo hướng hiện đại, sinh thái, văn minh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tỉnh.

Hội thảo cũng ghi nhận 24 bài tham luận nhấn mạnh Kiên Giang cần quán triệt và tuyên truyền, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng trong việc phát triển đô thị theo hướng hiện đại, sinh thái, văn minh trên địa bàn tỉnh và tiếp tục công tác tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đề án và tiến hành triển khai hiệu quả thực hiện đề án phát triển đô thị theo hướng hiện đại, sinh thái, văn minh.

Tỉnh cần da dạng hóa các hình thức huy động vốn trong việc phát triển đô thị theo hướng hiện đại, sinh thái, văn minh. Nghiên cứu cơ chế chính sách khuyến khích và thúc đẩy đầu tư, xây dựng, quản lý và vận hành các dự án đầu tư xây dựng công trình theo tiêu chí, tiêu chuẩn công trình xanh, các dự án khu đô thị theo tiêu chí khu đô thị xanh.

Tỉnh cũng cần thực hiện quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu thí điểm lập Đề án phát triển đô thị văn minh đối với các thành phố thuộc tỉnh và quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Kiên Giang cần rà soát, lập chương trình phát triển đô thị có khả năng chống chịu, giảm phát thải, thông minh, có bản sắc và hoàn thiện điều kiện hạ tầng. Phát triển các chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội toàn đô thị.

Tỉnh cần xây dựng kế hoạch cải tạo chỉnh trang các khu dân cư ven kênh rạch gắn với tái định cư; hình thành mới các trục không gian cảnh quan kiến trúc đặc thù của đô thị; bảo tồn tôn tạo khu vực công trình kiến trúc có giá trị; phát triển các không gian công cộng đô thị và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an ninh trật tự, an toàn xã hội đô thị.

Trương Anh Sáng
Bạn đang đọc bài viết "Kiên Giang: Phát triển đô thị theo hướng hiện đại, sinh thái và văn minh" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.