Khu rừng giáng hương, “báu vật” của người J’Rai

17/03/2016 16:06

Theo dõi trên

Người ta coi giáng hương như là báu vật của làng, họ ra sức giữ gìn nhằm bảo vảo vệ màu xanh của khu rừng.



Công tác bảo vệ khu rừng giáng hương rất được người dân coi trọng

Đối với những đồng bào J’Rai thuộc hai làng G’rôn và Gà thuộc xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ (Gia Lai), rừng giáng hương là sinh mệnh của họ, là báu vật, là nơi cuối cùng còn sót lại của quá khứ in đậm dấu ấn một thuỡ hoang sơ khai mở lập làng của đồng bào. Chính dưới tán rừng xanh thẳm, họ đã nương nhờ và tồn tại được cho đến hôm nay. 

Những năm 90, cả Tây Nguyên rầm rộ với những chuyến di dân làm kinh tế mới cùng với đó phong trào chuyển đổi sang trồng cây cao su. Thời điểm bấy giờ, khu vực xã Ia Kriêng phần lớn chỉ là những đồi núi trọc và các khu rừng tạp cằn cỗi nghèo nàn, UBND tỉnh khi ấy đã phê duyệt cho địa phương chuyển đổi diện tích đất rừng này sang trồng cây cao su với mục đích chuyển đổi mô hình kinh tế. 

Năm 1997, trong khi đang san ủi đất trồng cao su, những công nhân lái máy bất ngờ phát hiện ra khu vực giữa hai làng G’rôn và Gà đang tồn tại một khu rừng giáng hương rất xanh tốt, không nỡ san phẳng khi cánh rừng vẫn còn xan tươi, có nhiều cây gỗ quý nên họ dừng lại. Họ thông báo với chính quyền và đề xuất phương án giữ lại rừng, địa phương nhất trí chấp thuận… Và rồi khoảng rừng đó đã được “cứu” cho đến ngày hôm nay.
 

Ông Rơmah Lel – Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng cho biết, khu rừng rộng 3ha tổng cộng có 853 cây giáng hương, 1 cây gỗ trắc và một số ít cây dầu, bình linh, bằng lăng… Riêng giáng hương có nhiều kích thước khác nhau. Một số cây nhỏ đường kính từ 6 - 10cm, đa phần cây giáng hương trong rừng có đường kính từ 20 - 40cm và cũng hàng chục gốc có đường kính lớn 50 - 60cm. 

Rừng giáng hương được bao bọc bởi hai ngôi làng: làng G’rôn và làng Gà với xung quanh là những lô điều, rẫy cao su trải dài tít tắt. Ngay từ khi phát hiện ra khu rừng, chính quyền và người dân trong xã ý thức được tầm quan trọng của việc giữ rừng trước những nguy cơ bị lâm tặc xâm hại.

Ông Rơmah Lel cho biết thêm: “Thời gian đầu, ngày nào xã cũng cắt cử người trông coi ở khu rừng, nấu cơm ăn ở tại rừng để bảo vệ rừng trước kẻ xấu hoặc trước những nguy cơ cháy. Ban đầu cũng có nhiều khó khăn, nhưng vì có chính quyền và đặc biệt là nhân dân cùng chung tay giữ rừng nên nó mới còn tồn tại đến ngày hôm nay. Nếu không giữ, con cháu sau này chỉ biết đến cây điều, cao su thôi chứ đâu biết được khu rừng giáng hương, nơi mà ông cha trước đây đã sống đã dựa vào đó để tồn tại với thiên nhiên, vì vậy mình phải giữ gìn”. 

Trước tình hình “lâm tặc” ngày càng hoành hành trên địa bàn, UBND huyện Đức Cơ đã cấp kinh phí 50 triệu đồng/năm để hỗ trợ cho hai hộ gia đình anh Rơmah Uyn và anh Nguyễn Hữu Mạnh ở trong căn nhà xây tại khu rừng để trông coi và phát dọn. Anh Mạnh chia sẻ: “Ở đây tuy chưa có nước mà cũng chưa có điện, và được bao bọc bởi cao su nên rất độc vào ban đêm, người ngủ tại rừng sáng dậy rã rời nhưng chúng tôi vẫn tình nguyện ở trong rừng để trông coi khu rừng. Cũng nhờ sự giúp đỡ của dân làng mà rừng hương vẫn còn nguyên vẹn”.

… Suốt bao nhiêu năm qua, cứ hàng tháng, cả 2 làng G’rôn và Gà đều tổ chức họp dân để báo cáo tình hình giữ rừng và đưa ra những chính sách nhằm bảo vệ cánh rừng. Trẻ em trong làng khi lớn lên đều được người già ân cần nhắn nhủ, chỉ bảo về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng cây mà cha ông đã cố công giữ lấy. Chính vì vậy, ai cũng hiểu và tự giác coi khu rừng như một nơi bất khả xâm phạm.

Với người J’rai ở Ia Kriêng, rừng hương còn hơn cả một báu vật, đó là nơi mà họ cảm thấy bình yên như tìm lại chính cội nguồn mình trong dòng chảy vội vã của cuộc sống ngày hôm nay.
 
Ngọc Tân

Bạn đang đọc bài viết "Khu rừng giáng hương, “báu vật” của người J’Rai" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.