Thiếu lao động nên nhiều gia đình ở nông thôn huyện Hồng Dân phải sử dụng trẻ em để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: P.Đ
Không riêng gì nghề nông, mà các làng nghề truyền thống cũng đang đứng trước nguy cơ teo tóp dần do thiếu thợ. Chị Trần Thị Hồng Xuyên, Trưởng Ban làng nghề đan đát truyền thống xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long) cho biết: “Mấy năm nay việc làm ăn của làng nghề gặp nhiều khó khăn. Bởi ngày càng có ít người bám trụ với nghề đan đát, nhất là những hộ ít đất sản xuất, nhà đông người đều đi thành phố làm việc trong các công ty, xí nghiệp”.
Có thể thấy, những mô hình kinh tế ở nông thôn hiện nay vẫn chưa đủ sức níu chân lao động ở lại quê nhà.
“Ly nông” liệu có giàu?
Những người đổ xô lên thành phố tìm việc chủ yếu nằm trong độ tuổi lao động. Phần lớn trong số đó là nông dân nghèo ít đất sản xuất, không có công ăn việc làm, thu nhập bấp bênh… Do vậy, con đường duy nhất là xa quê để tìm cơ hội đổi đời. Tuy nhiên, ước muốn này không phải dễ. Như trường hợp gia đình ông Trương Văn Gành (ấp Mỹ Phú Nam, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) có đến 6 người con đi làm ở TP. HCM, nhưng cuộc sống của các con ông vẫn chật vật, khó khăn. Ông Gành kể: “Chẳng hạn như hai vợ chồng con trai tôi đều đi làm để nuôi 2 đứa con. Dù rất cố gắng nhưng cuộc sống gia đình nó vẫn thiếu trước hụt sau, vì chi phí sinh hoạt ở thành phố rất cao”. Rõ ràng điều kiện làm việc ở thành phố không thể giúp những người ly nông làm giàu, khi hàng loạt chi phí phát sinh như: tiền nhà trọ, điện, nước, gửi con học…
Điều đáng nói hơn là những lao động lên thành phố làm thuê phần lớn chưa qua bất kỳ một lớp đào tạo nghề nào. Nghĩa là họ đi tìm việc với hai bàn tay trắng, không kinh nghiệm, thiếu kỹ năng. Tài sản và vốn liếng của họ chỉ là sức lao động. Bởi vậy, họ luôn bị xếp vào nhóm lao động công nhật và chẳng được hưởng các quyền, lợi ích chính đáng của người lao động như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn…
Ông Bùi Minh Giám, Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hồng Dân cho biết: “Năm qua, Hồng Dân có hơn 2.582 lao động đi làm việc ngoài huyện mà phần lớn là đến TP. HCM. Tuy nhiên, chỉ có 412 người được học nghề và giới thiệu việc làm. Có thể thấy, nông thôn đang mất đi một nguồn lực lao động lớn”.
Trước thực trạng trên, thiết nghĩ ngành chức năng cần có ngay giải pháp khuyến khích, thu hút lao động ở lại quê nhà làm việc như: tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ với nguồn thu nhập ổn định; nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả cho nông dân ít đất sản xuất; phát huy vai trò của doanh nghiệp trong liên kết đào tạo và giải quyết việc làm; đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ tín dụng, vay vốn giải quyết việc làm…
Theo PHẠM ĐOÀN/Tin Tức Miền Tây