Một con người trung nghĩa...
Theo báo cáo đề dẫn của Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Tiền Giang Nguyễn Ngọc Minh, thì lịch sử VN thời kỳ này đặt ra cho các nhà sử học rất nhiều điều cần phải nghiên cứu và luận giải để làm rõ, trong đó có việc xuất hiện của nhân vật Võ Tánh và sự tôn kính, thờ cúng của người dân địa phương đối với ông. Theo đó, cùng với Bình Định và TP.HCM, ở Gò Công cũng có nhiều di tích và cơ sở thờ tự Võ Tánh. Hằng năm, cứ đến ngày giỗ ông đã có hàng ngàn người đến cúng viếng, tạo nên nét sinh hoạt tâm linh nổi bật trong vùng và duy trì suốt hơn một thế kỷ qua. Từ năm 2005, miếu thờ Võ Tánh tại xã Long Thuận (TX.Gò Công) được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, nhưng đến nay đã bị xuống cấp trầm trọng.
“Võ Tánh và Trần Quang Diệu là hai con người nghĩa khí và biết yêu thương dân. Chúa có thể khác nhưng dân thì chỉ một. Trong tình thế ngặt nghèo, Võ Tánh quyết định treo cờ trắng, mở cửa thành với điều kiện: Người thắng trận không được đụng đến sinh mệnh của bất cứ người dân nào trong thành. Và khi Trần Quang Diệu chấp nhận đề nghị này chính vì ông cũng rất yêu thương dân. Đó là cách hành xử đại nghĩa của một bậc trượng phu. Dẫu khác chúa nhưng không khác lòng thương dân, yêu nước”, PGS-TS Hà Minh Hồng (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM).
PGS-TS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) cho rằng danh tướng Võ Tánh là một con người trung nghĩa trong lịch sử dân tộc. Quê gốc của ông ở H.Phước An (trấn Biên Hòa), sau dời về H.Bình Dương (thuộc Phiên Trấn). Anh ruột của ông là Võ Nhàn, làm quan đến chức Cai cơ, là thuộc tướng của Đỗ Thanh Nhân. Năm 1781, lấy cớ Ngoại hữu, phụ chính, thượng tướng quân Đỗ Thanh Nhân “lấn át không kiêng nể gì, toan mưu làm phản”, Nguyễn Ánh sai vệ sĩ bắt, giết chết. Bấy giờ Võ Nhàn tập họp số binh sĩ Đông Sơn (do Đỗ Thanh Nhân lập ra trước đó để chống quân Tây Sơn) chống lại Nguyễn Ánh, nhưng thất bại và bị giết chết, vì vậy Võ Tánh phải bỏ trốn.
Sau trận Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785, Nguyễn Ánh cùng bầy tôi chạy ra đảo Thổ Chu rồi sau đó chạy sang thành Vọng Các (Xiêm La). Lúc này, Võ Tánh thu thập số thuộc hạ của Võ Nhàn còn sót lại và ngầm liên kết với các bậc hào kiệt trong vùng để tổ chức khởi binh ở Phù Viên (vườn trầu, vùng Hóc Môn - Bà Điểm). Tuy nhiên, cho rằng Phù Viên không phải là đất dụng võ nên sau đó ông dời tới Định Tường, chiếm giữ bãi đất Khổng Tước (Gò Công), tự xưng là Tổng nhung và chia binh thành 5 đạo, hơn một vạn người, gọi là đạo quân Kiến Hòa. Nguyễn Nhạc hay tin bèn sai tướng Ngụy Nguyên tiến đánh Gò Công nhưng bị Võ Tánh giết chết. Người thời bấy giờ xưng tụng ông là một trong Gia Định tam hùng: Võ Tánh, Đỗ Thanh Nhân và Châu Văn Tiếp.
… và biết yêu thương dân
Năm 1788, từ Xiêm La về Nước Xoáy (Đồng Tháp), Nguyễn Ánh cho người đến chiêu mộ nhưng đến lần thứ hai Võ Tánh mới chịu quy phục và đem thuộc hạ về theo, được chúa Nguyễn trao chức Khâm sai tổng nhung, Chưởng cơ doanh tiên phong và gả công chúa Ngọc Du, là chị một cha khác mẹ với Nguyễn Ánh. Tháng 4 năm Kỷ Mùi (1799), Võ Tánh theo Nguyễn Ánh đem quân đi đánh và chiếm được thành Quy Nhơn rồi đổi tên là thành Bình Định. Đến tháng 9 năm Kỷ Mùi, Nguyễn Ánh đem đại binh trở về Gia Định, lưu Chưởng hậu quân Võ Tánh làm Trấn thủ thành Bình Định. Tháng 12 năm Kỷ Mùi, tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đem đại quân thủy bộ vây thành Bình Định trong gần 2 năm trời. Lương trong thành đã cạn, Võ Tánh phải sai giết voi, giết ngựa cho quân lính ăn.
Tháng 4 năm Tân Dậu (1801), liệu thế chưa thể giải vây thành Bình Định được, Nguyễn Ánh sai người mang thư lặn xuống nước, lẻn vào trong thành bảo Võ Tánh bỏ thành, tìm đường ra hội với đại quân. Nhưng ông trả lời xin liều chết giữ tới cùng và khuyên Nguyễn Ánh nhân cơ hội Tây Sơn sơ hở, đem quân ra đánh úp chiếm lại Phú Xuân. Mùa hạ năm 1801, khi lương thực trong thành đã cạn, có người khuyên Võ Tánh phá vòng vây mà ra nhưng ông không nghe và nói rằng: “Ta vâng mệnh giữ thành, phải cùng còn mất với thành, nay bỏ thành mà cầu lấy sống thì còn mặt mũi nào nhìn thấy chúa thượng nữa”. Nói rồi Võ Tánh sai lính lấy củi khô chất quanh dưới lầu Bát Giác, đổ thuốc súng vào.
Một hôm Ngô Tùng Châu đến hỏi kế, Võ Tánh chỉ vào lầu Bát Giác mà nói rằng: “Đấy là kế của tôi” và bảo Ngô Tùng Châu: “Ta làm chủ tướng, nghĩa không thể cùng sống với giặc. Ông là văn thần, quân địch tất không hại đâu, nên tính cách tự toàn”. Nghe vậy, Châu cười: “Cái gì văn hay võ, lòng trung cũng là một mà thôi…”. Thế rồi trở về mặc áo mũ, hướng về cửa khuyết bái vọng, uống thuốc độc mà chết. Ngay sau đó Võ Tánh gửi thư cho Trần Quang Diệu nói rằng: “Trong thành lương ăn đã hết, không thể giữ được nữa, tướng quân thua trận mà chết là việc của ta, quân lính không có tội gì, chớ nên giết hại”.
Ngày 27-5 năm Tân Dậu, Võ Tánh bảo các tướng rằng: “Uống thuốc độc thì chết, nhảy vào lửa cũng chết, nhưng chết bằng thuốc độc, giặc còn trông thấy mặt, ta không nỡ để cho giặc trông thấy mặt, ta chết bằng lửa vậy”. Võ Tánh kêu phó tướng Nguyễn Văn Biện hãy đốt lửa lên, nhưng Biện khóc mà chạy. Bấy giờ Võ Tánh đang hút thuốc, ông lấy than châm thuốc dẫn lửa cháy bùng lên… Khi Trần Quang Diệu dẫn quân vào thành, trông thấy thương cảm, chảy nước mắt, lấy lễ chôn cất. Tướng sĩ còn lại trong thành không giết hại ai cả.
Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường (Tiền Giang), Võ Tánh là biểu tượng của chữ trung theo quan niệm Nho giáo. Ông là người sớm thức thời, bỏ qua tình nhà để chọn lấy chữ trung và biết chọn cái chết để thể hiện lòng trung của mình, vừa giúp chúa Nguyễn Phúc Ánh sớm hoàn thành ý nguyện, vừa cứu quân sĩ hai bên thoát cảnh tàn sát đẫm máu. Vì vậy mà sau khi lên ngôi, nhà Nguyễn đánh giá và đền đáp công lao của ông xứng đáng bằng việc thờ cúng và phong tặng”.