Mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp với tôm sú thả xen trong ruộng lúa cho hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, năm 2014, diện tích nuôi tôm càng xanh ở huyện Hồng Dân đã lên đến gần 780ha.
Theo nhiều người nuôi tôm ở xã Vĩnh Lộc A (huyện Hồng Dân), nuôi tôm càng xanh rủi ro thấp, mà lại cho lợi nhuận cao. Ông Huỳnh Văn Sển (xã Vĩnh Lộc A) cho biết: “Ở xã này, cứ 10 hộ thì đã có đến 7 hộ nuôi tôm càng xanh. Năm qua, tôi thả nuôi 100.000 con trên diện tích 2ha. Chỉ tính riêng tôm càng xanh đã cho lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Năm nay, tôi tiếp tục thả hơn 150.000 con. Đến thời điểm này, tôm phát triển rất tốt”.
Cán bộ nông nghiệp xã Vĩnh Lộc A hướng dẫn người nuôi cách phân biệt giới tính tôm càng xanh sau 2 tháng tuổi. Ảnh: P.Đ
Do tôm càng xanh được các doanh nghiệp thu mua quanh năm nên người nuôi có thể yên tâm về đầu ra. Vì vậy, trong năm 2015, diện tích nuôi tôm càng xanh của nhiều xã ở huyện tăng cao.
Không giống như tôm sú hay tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh là đối tượng rất dễ nuôi. Người nuôi có thể tận dụng sản phẩm hoa màu trồng trên bờ vuông như khoai lang, khoai mì làm thức ăn cho tôm. Chỉ cần trồng khoai trên bờ vuông rồi chặt khoai bỏ xuống. Lâu ngày, khoai mục nát và thành thức ăn cho tôm. Sức đề kháng của tôm càng xanh rất cao. Khi nuôi chung với tôm sú, cho dù tôm sú gặp dịch bệnh thì tôm càng xanh vẫn sống. Khi tôm sú hoặc các vật nuôi khác chết thì sẽ trở thành thức ăn cho tôm càng xanh. Những đặc tính sinh học đó tạo cho con tôm càng xanh nhiều ưu thế và hướng đến mô hình nuôi an toàn sinh học bền vững.
Cần đầu tư kỹ thuật
Mặc dù tôm càng xanh là đối tượng dễ nuôi, nhưng người nuôi lại chưa được đầu tư về khoa học - kỹ thuật, chỉ nuôi theo kinh nghiệm dân gian. Qua tìm hiểu, phần lớn nông dân đều nuôi tôm càng xanh theo kiểu may nhờ rủi chịu. Thức ăn cho tôm chủ yếu là khoai, sắn. Đồng thời bị động trong việc phòng, trị bệnh trên tôm.
Ông Trần Việt Bình (xã Vĩnh Lộc A) chia sẻ: “Trước đây, nông dân nuôi tôm càng xanh nhiều lắm, nhưng phần lớn thất bại. Lúc đó bà con chưa biết việc muốn nuôi được tôm càng xanh thì phải chọn con giống toàn đực và phải mở rộng diện tích vuông tôm chiều ngang từ 3 - 6m, vét đáy ao sâu hơn 1,5m. Nhờ học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh, giờ đây, nhiều người đã có thể nuôi đối tượng này. Nếu được hỗ trợ khoa học - kỹ thuật, huyện Hồng Dân sẽ trở thành vùng nguyên liệu tôm càng xanh”.
Chất lượng tôm giống quyết định hơn 80% sự thành công của mô hình. Song, một thực tế đặt ra cho nông dân hiện nay là tình trạng thiếu tôm càng giống. Đặc biệt là nguồn tôm giống toàn đực không đủ cung cấp cho người nuôi. Có nơi nông dân phải đặt tôm giống trước vài tháng mới có tôm nuôi.
Ông Trần Minh Lý, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, cho rằng: “Để phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp với trồng lúa, ngành chức năng huyện đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân sản xuất. Đó là cử cán bộ tư vấn kỹ thuật, hướng dẫn người nuôi cách phòng trị bệnh trên tôm, cách xử lý khi tôm gặp rủi ro... Huyện đang hướng tới nhân rộng mô hình này cho nông dân vùng chuyển đổi”.
Theo PHẠM ĐOÀN/Tin Tức Miền Tây