Huy động sức dân xây dựng giao thông nông thôn: Ghi nhận ở Đức La

26/12/2014 09:35

Theo dõi trên

Xã Đức La, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh là xã thuộc vùng ngoài đê nên hệ thống giao thông thường xuyên bị ngập lụt. Vì vậy việc đi lại gặp nhiều khó khăn, song từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đến nay những con đường bê tông rộng dài bao quanh những xóm làng trù phú đã thay thế cho những đoạn đường “ổ voi, ổ gà”.



Hệ thống giao thông nông thôn ở Đức La đã được đầu tư xây dựng - Ảnh: P.V

Được đi trên những con đường bê tông phẳng phiu chúng tôi phần nào cảm nhận được niềm vui ánh lên từ những gương mặt của người dân nơi đây. Khi “ý Đảng, lòng dân” đã hợp, có được sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, phong trào làm đường giao thông ở Đức La có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. 

Trao đổi với phóng viên PhuongNam.Net.Vn, ông Nguyễn Xuân Linh - Chủ tịch UBND xã phấn khởi nói: “Năm 2002 nhà nước và nhân dân đã đầu tư làm mới hệ thống đường giao thông lối xóm bằng bê tông xi măng nhưng do địa hình ngoài đê thấp lụt cùng với chất lượng bê tông không đảm bảo và ý thức bảo quản, tu sửa của nhân dân nên hệ thống đường giao thông xuống cấp nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, xã gặp không ít khó khăn, nhất là việc hoàn thiện tiêu chí số 2 về giao thông nông thôn do nguồn vốn để xây dựng rất lớn, trong khi nguồn ngân sách của địa phương eo hẹp. Tuy nhiên, với sự cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự ủng hộ tích cực của nhân dân, nhiều tuyến đường “ý Đảng, lòng dân” được xây dựng và đưa vào sử dụng, phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân…”

Bám sát nhiệm vụ của Đảng ủy, UBND xã, Đức La thực hiện tốt phong trào “chung sức xây dựng NTM”, đặc biệt là việc huy động sức dân xây dựng đường giao thông nông thôn. Bấy lâu nay, người dân địa phương luôn ấp ủ mơ ước có con đường to, rộng để đi lại thuận lợi và đưa cơ giới hoá vào sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình. Nắm bắt được nhu cầu đó, Đảng ủy, chính quyền xã quyết tâm huy động nội lực huy động sức dân đóng góp làm đường giao thông tạo điểm nhấn quan trọng trong xây dựng NTM. Đồng thời tổ chức họp các thôn để đưa ra định hướng: Các thôn, xóm muốn mở rộng, nâng cấp đường thì nhân dân tự giải phóng mặt bằng và làm nền đường. Chủ trương làm hạ tầng giao thông trúng với mong mỏi của nhân dân nên được mọi người đồng tình hưởng ứng.

Trong quá trình thực hiện Ban chỉ đạo đã chọn đơn vị đội 3 thôn Quyết Tiến làm điểm tuyến đường với tổng chiều dài 230m. Có thể thấy Tiểu ban xây dựng NTM đã làm tốt vai trò của mình và huy động nhân dân đóng góp gần 30 triệu đồng và hàng trăm ngày công nên tuyến đường thôn Quyết Tiến đã hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra. Cùng với đó các thôn trong xã đã tích cực thống nhất phương án để tiến hành làm đường giao thông. Cũng trong dịp này thôn Đông Đoài đã làm được 2,2 km, huy động nhân dân đóng góp trên 600 triệu đồng và hàng nghìn ngày công, trong đó con em xa quê đã tình nguyện hỗ trợ gần 300 triệu đồng, nhà nước đã hỗ trợ gần 300 tấn xi măng. Phong trào làm giao thông nông thôn đã tạo được sức mạnh của tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, nhất là đã phát huy tốt quy chế dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng lợi”. 

Chỉ tính riêng trong năm 2014 xã đã huy động mỗi nhân khẩu đóng góp 600 nghìn đồng để làm đường giao thông thôn xóm. Vì vậy đến thời điểm này hệ thống đường làng ngõ xóm đã được phủ kín.

Việc huy động đóng góp của nhân dân trong phong trào làm đường giao thông cũng được các thôn, xóm công khai, minh bạch nên nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân trong xã. Những tấm gương tiêu biểu, có số tiền ủng hộ lớn cho địa phương đều được tuyên dương, khen thưởng. Từ đó phong trào làm đường giao thông nông thôn đã nở rộ ở khắp các thôn xóm. Đi tới đâu cũng là những câu chuyện của người dân kể cho nhau nghe về phong trào đóng góp nhân lực, vật lực làm đường.

Có thể khẳng định phong trào làm đường giao thông nông thôn ở xã Đức La là một phong trào thiết thực, hiệu quả, hợp lòng dân và được nhân dân tích cực ủng hộ. Hiệu quả đạt được trong công tác này đã cho thấy tầm nhìn, sự quyết tâm của chính quyền địa phương, nhằm hướng đến xây dựng một diện mạo nông thôn khởi sắc, huy động nguồn lực tổng hợp trong dân, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển bền vững.
 
P.V

Bạn đang đọc bài viết "Huy động sức dân xây dựng giao thông nông thôn: Ghi nhận ở Đức La" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.