
Tác phẩm mở màn bằng những điệu nhảy hiphop sôi động của ba bạn trẻ đọc … rap là những lời thơ do chính Chí Trung viết như một lời dẫn truyện cho vở kịch bắt đầu: “Trời cao ở trên kia/ Đất nằm sâu phía dưới/ Buồn phận người tức tưởi/Kẹp giữa chốn lao lung/Thiên - Địa - Nhân / Thiên - Địa – Nhân/ Trời kia chẳng xuống gần/ Đất đen không muốn với/Đẩy giống người trôi nổi/ Lọc lừa giữa mông lung/ Thiên - Địa - Nhân / Thiên - Địa – Nhân…”. Xuyên suốt vở kịch, ba bạn trẻ đọc rap mà Chí Trung gọi là “MC” này nhiều lần xuất hiện, khi thì giữa sân khấu, xung quanh những diễn viên; khi lại ngồi trên lan can tầng hai của rạp, nơi hàng ghế khán giả.

Đạo diễn giữ nguyên trục câu chuyện về “ngày nối ngày dối gian một tý…” của Cuội đã cứu Lụa khỏi bị lão chánh tổng o ép, khỏi phải làm vợ công tử Lãn lưng gù ngớ ngẩn, cứu Bờm khỏi cảnh hầu hạ khổ sở công tử Lãn, để cùng nhau lên kinh kỳ, một bước làm quan, gây rối loạn triều đình vốn đã thối nát, mục ruỗng… Song, cuối cùng, không ai trong số họ được hạnh phúc. Tất nhiên rồi, không có thành quả nào được dựng xây từ những lời dối gian lọc lừa mà có thể mang lại hạnh phúc thật sự, bởi “sự đời chẳng lặng lẽ trôi”.

“Người nối người đẩy xã hội rơi”. Lời thơ nghe đau đớn quá. Xã hội đã rơi đến thế, cả triều đình người ta chỉ cần nghe và thích nghe những lời nói dối như thằng Bờm cần cơm, vậy thì ai đó còn có thể dừng lại kiếp nạn không? Câu hỏi buốt lòng người xem. Nhưng rồi khán giả lại được tiếp nhận một làn gió hi vọng dịu dàng bởi: “Hãy đừng sống kiếp hèn/Chữ "Người" cao quý lắm/Trời vẫn xanh thăm thẳm/Đất còn dưới hai chân...!”.
Một điểm mạnh nữa không thể không nói đến là tiếng cười sâu cay tràn ngập trong vở kịch. Điều này chẳng có gì ngạc nhiên, bởi với Chí Trung, sự hài hước đích thực là “của nhà trồng được”. Hài hước đã đành, ở đây Chí Trung còn đạt được cái hài duyên dáng. Nếu Chí Trung bước qua cái quỹ đạo của sự duyên dáng này, cái hài trượt sang ranh giới nhạt nhẽo, rẻ tiền, chắc chắn đó sẽ là một sự thất bại thảm hại. Bởi giống như sự tinh tế và sâu sắc của tâm hồn Lưu Quang Vũ, cái hài của ông không bao giờ có chỗ cho sự sỗ sàng, thô vụng. Trong vở kịch này, Chí Trung quả là duyên trong việc làm nổi bật chất hài, sự dí dỏm của vở diễn bằng những lời thoại, những tình huống khiến khán giả cười “ngất ngưởng”.
Thêm một điểm cộng cho vở diễn nữa là phần âm nhạc và thiết kế sân khấu. Với âm nhạc của nhạc sĩ Quốc Trung, khán giả cảm nhận được sự nhuần nhị, tinh tế của âm nhạc dân gian, nhưng không thấy sự cũ kỹ bởi cách phối bằng nhạc cụ thính phòng và điện tử, vừa hàn lâm vừa hiện đại. Điều này tạo thêm sự khác lạ cho bản dựng, giúp đạo diễn không phải "động" quá nhiều vào nội dung, câu thoại. Trong khi đó, thiết kế sân khấu của NSƯT Doãn Bằng, với phông nền là hình ảnh cung trăng cách điệu và hệ thống bục bệ tròn, cũng tạo thêm sự sinh động cho các màn diễn.
Ngoài ra, dàn diễn viên, hầu hết là lứa trẻ đang bật lên của nhà hát và từng được nhận nhiều huy chương sân khấu trong thời gian qua, đã phát huy được nét duyên, cái hài hước và khả năng tương tác với khán giả, tạo sức cuốn hút đáng kể. Đặc biệt là diễn viên trẻ Thanh Sơn đã thể hiện xuất sắc chất lãng mạn, nỗi khát vọng và niềm đau đớn ẩn giấu phía sau một anh Cuội láu cá, lém lỉnh, dối gian, lọc lừa.
Không có quá nhiều những thử nghiệm táo bạo trong “Lời nói dối cuối cùng”, nhưng với những gì mà Chí Trung và ê-kíp của anh đã làm được cho vở diễn, chắc chắn khán giả hôm đó sẽ không phải hối tiếc với hơn hai giờ quý báu họ dành cho vở diễn.
(Theo Pháp luật & Xã hội)