Hội thảo quốc tế "Nhận diện bảo tồn và phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong vùng Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An"

06/11/2023 09:34

Theo dõi trên

Vừa qua, UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức hội thảo khoa học quốc tế "Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong vùng Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An".

a1-25634634747848-1699237969.jpg
Đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chào mừng tại hội thảo.

Dự hội thảo có các đồng chí: PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Tham gia hội thảo có các chuyên gia, các nhà quản lý của Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Bộ Ngoại giao; các nhà khoa học trong và ngoài nước. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh, đại diện doanh nghiệp; hộ gia đình đang sinh sống trong nhà truyền thống trong vùng di sản.

Phát biểu chào mừng tại hội thảo, đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu bật các giá trị của Ninh Bình, là vùng đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước và cách mạng; nơi đây chứa đựng một kho thông tin nguyên vẹn về truyền thống cư trú của loài người qua hàng ngàn năm biến đổi địa chất, địa mạo cùng với quá trình thích ứng và tiến hóa của con người tại Tràng An. Nổi bật trong cảnh quan hùng vĩ đó có Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, lưu trữ mạch bản sắc văn hóa dân tộc, cội nguồn kiến trúc truyền thống. Bên cạnh đó, nơi đây còn là cái nôi lưu giữ nền văn hóa lúa nước, khởi đầu từ việc khai thác nguồn sinh dưỡng săn bắn, hái lượm từ rừng và biển họ đã bắt đầu biết canh tác nông nghiệp.

Ninh Bình còn là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn được nhiều du khách quốc tế lựa chọn dừng chân, thưởng ngoạn và chiêm ngưỡng khi đến Việt Nam.

Đồng chí phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Hội thảo khoa học quốc tế "Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong vùng Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An" sẽ đóng góp quan trọng để nghiên cứu, sưu tầm, khảo sát, tập hợp được khối tư liệu, hình ảnh lớn về nhà ở truyền thống trong vùng Di sản Tràng An. Thông qua lợi thế của các phương thức tiếp cận mới, các báo cáo khoa học làm rõ hơn công tác nhận diện, bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống tại Di sản, có được những bài học kinh nghiệm trên thế giới và Việt Nam, góp phần bảo tồn giá trị thiên nhiên và văn hóa trong khu vực vùng lõi của Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Đồng thời kêu gọi, thu hút đầu tư, bảo tồn, nghiên cứu khoa học để phục vụ việc tham quan, du lịch, nghiên cứu khoa học nhằm tạo sự hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch tại khu Di sản nói riêng, tỉnh Ninh Bình nói chung.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn trong thời gian tới tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan quản lý di sản tại Việt Nam để Ninh Bình phát huy được tiềm năng, thế mạnh, ngày càng thu hút nhiều khách du lịch, trở thành một trong những điểm đến tham quan du lịch hấp dẫn nhất của Việt Nam.

Trình bày báo cáo đề dẫn tại hội thảo với nội dung "Tạo lập giá trị Quần thể danh thắng Tràng An từ mạch nguồn truyền thống" TS. Bùi Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch nêu rõ: Ninh Bình là tỉnh đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm hiện nay sở hữu Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Với lợi thế cạnh tranh đó, tỉnh Ninh Bình đã và đang bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị của Di sản một cách hiệu quả, bền vững hướng tới xây dựng Ninh Bình là trung tâm du lịch lớn của vùng và của cả nước, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, phát triển du lịch xanh, bền vững.

aq-365475478-1699238022.jpg
Đồng chí Bùi Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch trình bày báo cáo đề dẫn tại hội thảo.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Du lịch vào tháng 9/2023 trong vùng lõi Di sản còn khoảng trên 100 nếp nhà cổ có kiến trúc truyền thống tiêu biểu được xây dựng trước năm 1945 và phân bố chủ yếu trên địa bàn hai xã Trường Yên và Ninh Xuân (huyện Hoa Lư). Nhà cổ từ lâu được coi là một loại hình di sản độc đáo cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Tuy nhiên, hiện nay đa số các nhà ở truyền thống đã xuống cấp và đứng trước nguy cơ bị phá dỡ nếu không có biện pháp trùng tu kịp thời. Ninh Bình mong muốn xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng và khác biệt từ giá trị những ngôi làng truyền thống, cao hơn nữa là bảo tồn và phát huy hiệu quả và bền vững Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An xứng đáng là mô hình mẫu mực về bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội như Bà Tổng giám đốc UNESCO đã đánh giá.

Hội thảo được tổ chức nhằm tôn vinh các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, tiếp tục nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc nhà ở truyền thống; phát huy giá trị cảnh quan và cấu trúc làng truyền thống trong vùng lõi Di sản thế giới Tràng An.

Xây dựng tiêu chí, lập danh mục các nhà ở truyền thống trong khu vực vùng lõi Di sản; tạo lập cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa nông thôn làm cơ sở cho việc áp dụng các chính sách hỗ trợ tu bổ, sửa chữa và khai thác phục vụ phát triển du lịch dựa trên bản sắc đặc trưng riêng có của Di sản. Tiếp tục khẳng định vai trò, tầm quan trọng của các giá trị nhà ở kiến trúc truyền thống, giá trị Di sản trong phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội; kêu gọi, thu hút đầu tư, bảo tồn, nghiên cứu khoa học và thu hút du khách về tham quan Di sản nói riêng, tỉnh Ninh Bình nói chung.

Trên cơ sở nền tảng di sản đô thành và đô thị Hoa Lư cổ truyền, Ninh Bình đang hướng tới xây dựng "Đô thị Cố đô - Di sản" nhằm bảo tồn các giá trị bền vững của di sản, của vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử, tạo sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và cảnh quan, giữa thiên nhiên và con người mà trong đó Quần thể danh thắng Tràng An là nơi hội tụ các giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo, cảnh quan và văn hóa. Do vậy việc bảo tồn nhà cổ, giữ gìn kiến trúc làng quê truyền thống đảm bảo hài hòa với cảnh quan khu Di sản là rất cần thiết và cần được khuyến khích. Từ những vấn đề này, hội thảo đặt ra 3 yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm: Một là, cần khuyến khích bảo tồn nhà cổ, giữ gìn làng quê truyền thống. Hai là, giữ gìn môi trường định cư truyền thống và tạo sinh kế cho người dân trong vùng Di sản. Ba là cần xây dựng tiêu chí và hồ sơ nhà cổ vùng lõi Di sản Tràng an, lồng ghép trong các quy hoạch bảo tồn và phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt trong Quần thể danh thắng Tràng An.

Các nội dung sẽ được làm rõ tại hai phiên thảo luận. Phiên thứ nhất: Nhận diện, bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống tại Di sản thế giới Tràng An. Kinh nghiệm quốc tế; Phiên thứ hai: Xây dựng tiêu chí và định hướng phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong vùng Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.

Theo Báo Ninh Bình