Hiệu quả bước đầu tinh giản biên chế ở Vĩnh Tường

24/11/2018 14:40

Theo dõi trên

Cùng với các địa phương trên địa bàn tỉnh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã và đang tập trung thực hiện chủ trương chính sách tinh giản biên chế. Với quyết tâm cao, cách làm quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả, huyện Vĩnh Tường được xem là đơn vị tiên phong trong tỉnh tổ chức hiệu quả bộ máy tinh giản biên chế, từng bước giải quyết tình trạng cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, xây dựng bộ máy chính quyền vì nhân dân phục vụ.

 
Bộ phận "một cửa" xã Bình Dương (Vĩnh Tường) tiếp nhận, giải quyết hiệu quả các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai cho người dân trên địa bàn.

Một ngày đầu đông, theo lời mời của một người bạn là Phó chánh văn phòng huyện ủy Lê Trung Hiếu, tôi về thăm huyện Vĩnh Tường. Biết tôi muốn tìm hiểu viết bài về chủ trương, chính sách tinh giản biên chế của huyện, Hiếu đã giới thiệu tôi qua gặp đồng chí Nguyễn Quang Tuấn - Trưởng Ban tổ chức huyện ủy để có nhiều thông tin cập nhật hơn.
 
Sau câu chuyện xã giao, tôi vào vấn đề cần tìm hiểu, trong lúc nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh còn lúng túng với việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, thì Vĩnh Tường lại nổi lên là địa phương có cách làm bài bản, mang lại hiệu quả là những con số “biết nói”. Điểm mấu chốt nào để Vĩnh Tường thực hiện tinh giản biên chế thành công.
 
Bên ấm trà nóng, đồng chí Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ: Ngay sau khi Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị và Đề án 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức vừa ban hành; Ban Thường vụ huyện ủy Vĩnh Tường đã ban hành Kế hoạch số 44 yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện cần phải có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng lộ trình cụ thể, xác định trách nhiệm của từng cấp, đưa ra những mục tiêu, giải pháp thực hiện trong từng giai đoạn.
 
Để thực hiện tinh giản biên chế trong toàn huyện theo đúng kế hoạch, ngay đầu năm 2017, Vĩnh Tường đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên thông qua các buổi học tập chuyên đề, các kỳ họp chi bộ, các đợt sinh hoạt tập thể nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận trong nhận thức, hành động của cả hệ thống. Với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực trạng công tác cán bộ, từ đó giúp mỗi cá nhân xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của bản thân để cùng các cấp ủy đảng, chính quyền xây dựng bộ máy tinh gọn, tránh sự chồng chéo, giảm áp lực cho ngân sách quốc gia, và điều quan trọng là qua sắp xếp, tổ chức lại bộ máy sẽ phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn và sự tận tâm, tận lực của mỗi cán bộ trước Đảng, trước nhân dân.
 
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, Vĩnh Tường triển khai rất quyết liệt, khẩn trương nhưng cũng rất căn cơ, bài bản. Trong đó, nêu những việc phải làm ngay, việc nào làm theo lộ trình, quy định rõ cơ quan nào chủ trì, cơ quan nào phối hợp… Đặc biệt, quy định trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, từng lãnh đạo phụ trách.
 
Tinh giản biên chế là một công việc khó, động chạm đến lợi ích của một số cá nhân, phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Đồng chí có thể kể ra một số “rào cản” trong quá trình làm? - Tôi tiếp tục hỏi:
 
Có lẽ, khi nhắc tới đổi mới tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nhiều người sẽ nghĩ đến một viễn cảnh “tươi đẹp” rằng khi đó áp lực chi ngân sách sẽ giảm đi, đồng lương của cán bộ sẽ tăng thêm, cuộc sống vì vậy cũng dễ thở hơn. Tuy nhiên khi đề cập đến giảm ai, giảm như thế nào thì: “Giảm ai, đừng giảm tôi”. Chính vì thế mà đổi mới tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế thực hiện nhiều năm vẫn luôn là “bài toán khó” chưa có đáp số.
 
Cũng giống nhiều huyện, thành khác, việc thực hiện Đề án 01 của BTV Tỉnh ủy tại Vĩnh Tường đã gặp phải không ít thách thức đặt ra. Việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy gắn với tinh giản biên chế là vấn đề lớn, đụng chạm đến quyền lợi, chức vụ, địa vị của những cán bộ đương chức nay phải thuyên giảm, chuyển công tác hoặc về hưu sớm. Việc bỗng chốc thay đổi tâm lí, thói quen, nếp sống và công việc thường ngày vốn gắn bó có thể tạo nên những cú sốc tâm lí, những hụt hẫng, xao động, băn khoăn nhất định.
 
Một trong những khó khăn khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy và tinh giản biên chế là những văn bản hướng dẫn cụ thể của cấp trên về chức năng, nhiệm vụ, mô hình, cơ cấu tổ chức của các đơn vị sau sáp nhập; về thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ khi sáp nhập chưa được ban hành kịp thời gây khó trong việc thống nhất tổ chức vận hành. Đối với cán bộ cấp xã, thị trấn, việc sắp xếp, bố trí công chức chuyên môn thực hiện theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ nên khi thực hiện tinh giản mà không kịp thời tuyển dụng thay thế công chức đến tuổi nghỉ hưu sẽ xảy ra tình trạng thiếu người làm việc.
 
Việc bố trí cán bộ kiêm nhiệm các chức danh ở các Hội, đoàn thể chính trị - xã hội đặc thù gặp nhiều khó khăn như chức danh Chủ tịch, Chi hội trưởng Hội người cao tuổi. Khó sắp xếp kiêm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ, Chi hội trưởng Phụ nữ với chức danh công tác Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh. Các chức danh Phó Chủ tịch MTTQ, Chi hội trưởng các đoàn thể ở thôn, trưởng thôn, phó thôn được chuẩn y qua bầu cử nên việc vận động họ rút hay cử người thay thế, kiêm nhiệm không dễ dàng do những rào cản về cơ chế, chính sách và tâm lí. Ở một số thôn, tổ dân phố của các xã, thị trấn như Thổ Tang, Bình Dương, An Tường, Lũng Hòa có quy mô dân số lớn, thậm chí lớn hơn quy mô dân số của một xã, sức ép công việc đối với người hoạt động không chuyên trách là rất nặng nề và càng vất vả hơn khi thực hiện tinh giản.
 
Việc sáp nhập các cơ sở giáo dục có quy mô dưới 8 lớp là cần thiết nhưng hiện tại các cơ sở ở những vị trí cách xa nhau, tạo những áp lực cho đội ngũ cán bộ quản lý sau khi được kiện toàn, sáp nhập. Mặt khác, sự biến động về số lượng học sinh tăng giảm theo từng năm nên việc sáp nhập, tinh giản biên chế trong giáo dục cần có cơ chế ưu đãi đặc thù và tầm nhìn dài hạn.
 
Ông Tuấn cũng khẳng định, không thể không có chuyện cán bộ không có tâm tư, ý kiến nọ kia, nhất là những cán bộ trong trường hợp dôi dư phải tinh giản hoặc những cán bộ đang từ cấp trưởng thành cấp phó, rồi từ cấp phó thành nhân viên… nhưng sau tuyên truyền phổ biến, đả thông tư tưởng tất cả đều cảm thấy thỏa đáng.
 
Và “quả ngọt” từ sự nỗ lực này là qua hơn một năm thực hiện, việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, thực hiện tinh giản biên chế của huyện đã đạt được những kết quả nổi bật, tạo những bước chuyển biến tích cực. Huyện Vĩnh Tường là địa phương tiên phong của tỉnh trong việc tiến hành sáp nhập Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Trung tâm bồi dưỡng chính trị thành Ban Tuyên giáo - Dân vận; sáp nhập Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Đài truyền thanh thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao. Bàn giao Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình về Trung tâm Y tế. Thành lập Trung tâm hành chính công thuộc Văn phòng HĐND và UBND (cắt giảm được 4 đầu mối đơn vị). Trong năm 2018, huyện đã sáp nhập, hợp nhất 08 trường tiểu học và THCS có quy mô dưới 8 lớp thành 04 điểm trường (và theo dự kiến đến hết năm 2020 sẽ sáp nhập, hợp nhất 20 trường thành 10 trường), giải thể Phòng Y tế, chuyển chức năng quản lý nhà nước về cho Văn phòng HĐND và UBND. Về thực hiện tinh giản biến chế, tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 185/209 biên chế được giao (khối đảng, đoàn thể là 57/68; khối chính quyền là 128/141), giảm 24 người, đạt 11,48%. Ở cấp xã, thị trấn hiện có 573/618 biên chế được giao, thiếu 45 người, chiếm 7,28% biên chế được giao, bảo đảm lộ trình giảm 2% biên chế hàng năm.
 
Về việc thực hiện Nghị quyết số 22/HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, tính đến cuối năm 2017, toàn huyện đã giảm được 1.315 người hoạt động không chuyên trách (đạt 90.94%), và đến cuối tháng 3 năm 2018 huyện đã hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao về số người hoạt động không chuyên trách phải tinh giản (giảm 1.452 người ở cấp xã và thôn, đạt 100.41%), đồng nghĩa với việc kiết kiệm cho ngân sách nhà nước khoảng 623 triệu đồng/tháng.
 
Trong thời gian tới, huyện Vĩnh Tường tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt Đề án 01 của ban Thường vụ Tỉnh ủy theo đúng lộ trình đề ra. Bằng nhiều giải pháp thiết thực, với mục tiêu đến năm 2021, huyện sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu cải cách nền hành chính Nhà nước theo hướng chuyên nghiệp và từng bước hiện đại, ông Tuấn phấn khởi cho biết thêm.
 
Để mục sở thị những thay đổi của một số địa phương sau khi tiến hành sáp nhập, tinh giản biên chế trên địa bàn huyện, tôi tìm về xã Phú Thịnh, huyện Vĩnh Tường. Tại trụ sở UBND xã Phú Thịnh, đồng chí Trần Đức Cậy, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Thôn Đan Thịnh vừa hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa cách đây vài tháng. Việc dồn điền đổi thửa đã được Đảng ủy xã đưa ra họp bàn nhiều lần nhưng không thống nhất được vì cán bộ thôn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Khi có chủ trương tinh giản biên chế, Đảng ủy xã tiên phong trong việc bố trí các chức danh kiêm nhiệm, đưa cán bộ, công chức xã xuống kiêm nhiệm các chức danh tại thôn, xóm. Cụ thể: Tại thôn Đan Thịnh, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND xã kiêm Bí thư chi bộ thôn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã kiêm trưởng thôn. Do nắm chắc chủ trương, khi triển khai các đồng chí này đã thuyết phục, vận động được đảng viên, nhân dân thống nhất cao với chủ trương dồn điền đổi thửa. Xã Phú Thịnh cũng là địa phương có cơ cấu đội ngũ cán bộ không chuyên trách tinh gọn với tám chức danh xã và năm chức danh cán bộ thôn nhưng công việc vận hành vẫn hiệu quả, trơn tru.
 
 
Tinh giản biên chế nâng cao chất lượng hoạt động đội ngũ cán bộ viên chức. Ảnh: Công tác dồn thửa đổi ruộng tại cánh đồng thôn Bàn Giang, xã Phú Thịnh được sự đồng thuận cao của nhân dân. 
 
Tiễn chân tôi, đồng chí Trần Đức Cậy tâm sự: Chuyện bộ máy công chức của nước ta hiện nay cồng kềnh, mỗi năm tiêu tốn bao nhiêu tiền bạc từ thuế của dân thực sự là bài toán nan gian. Nhưng nói thế không có nghĩa là khó thì không thể làm được. Bởi có đi mới tới, tôi tin với chính sách đúng đắn cùng nỗ lực quyết tâm vượt qua thử thách, huyện Vĩnh Tường sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.
 
 “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém” (Chủ tịch Hồ Chí Minh), ý thức rõ về tầm quan trọng của công tác cán bộ như lời huấn thị của Bác từng căn dặn, huyện Vĩnh Tường đã và đang nỗ lực hết mình thực hiện đúng, kịp thời, sáng tạo tinh thần Đề án 01 của Tỉnh ủy để bộ máy gọn nhẹ, thông thoáng, hiệu lực, hiệu quả, vận hành tốt bởi những cán bộ gương mẫu, tận tâm, tận lực, “vừa hồng, vừa chuyên”, sát cánh cùng nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp, xây dựng Vĩnh Tường ngày càng giàu đẹp, văn minh.
 
Đỗ Hà

Bạn đang đọc bài viết "Hiệu quả bước đầu tinh giản biên chế ở Vĩnh Tường" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.