Hát bội – “sống” cùng thời đại

21/12/2015 08:47

Theo dõi trên

Không giống với những loại hình nghệ thuật, như: Cải lương, kịch, ca nhạc… hát bội mang một hơi thở văn hóa truyền thống, gắn với những lễ cúng đình, miễu như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Mặc dù đã không còn thịnh hành như trước đây, nhưng giữa cuộc sống hiện đại, loại hình nghệ thuật sân khấu hát bội vẫn tạo được chỗ đứng vững chải cùng thời gian.

 
 
Được mặc đồ diễn, được đứng trên sân khấu, được khán giả chào đón là niềm hạnh phúc đối với người nghệ sĩ hát bội
 
Loại hình nghệ thuật truyền thống
 

Nghệ thuật sân khấu hát bội (còn gọi hát bộ, hay tuồng cổ) được coi là loại hình sân khấu cổ điển của Việt Nam. Nó mang tính ước lệ, tượng trưng rất cao, ngôn ngữ thâm thúy, mang đậm triết lý. Những bước chân, những cái chỉ tay lên trời, xuống đất… của diễn viên đều tuân thủ nguyên tắc rất chặt chẽ và biểu thị cho những ý nghĩa nhất định. Hát bội đặc biệt từ nội dung cốt truyện đến cử chỉ, điệu bộ, lời ca tiếng hát và phục trang biểu diễn. Từ đó, khi hóa trang, các nghệ sĩ phải bảo đảm được thần thái, màu sắc của khuôn mặt phản ánh tính cách nhân vật hóa trang như vua, võ tướng, trung thần, gian thần, nịnh thần,... Bên cạnh đó, màu sắc trang phục từ đỏ, vàng, đen, trắng… cũng biểu hiện được tính cách nhân vật là “kép độc” hay “kép hiền”.
 
Loại hình tuồng cổ thường có kịch bản rất dài, các vở tuồng chủ yếu được biên kịch lại từ những truyện, điển cố, điển tích Trung Quốc, như: Lưu Kim Đính, Thần nữ, Tiết Giao đoạt ngọc, Bao Công xử án Bàng Quý Phi, Dưng ngũ linh kỳ… Nội dung chủ yếu vẫn nói về lòng trung can nghĩa đảm, những anh hùng xả thân vì nước, diệt trừ cái ác dành lại chính nghĩa… Các tác giả thường chọn lựa một đoạn hay nhất, cao trào để viết thành kịch bản biểu diễn. Nói như thế, không đồng nghĩa với việc hát bội khô cứng và đơn điệu, mà nó đòi hỏi người xem phải có một tư duy cảm thụ văn hóa nhất định thì mới có thể thấu hiểu được hết những gì mà người nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu. Trước đây, hát bội được coi như độc chiếm sân khấu ở các đình, miễu vào dịp lễ Kỳ Yên. Đây được coi là một loại hình nghệ thuật phục vụ nghi lễ và cũng là một hình thức giải trí của bà con địa phương.
 



Khi ánh đèn sân khấu vụt tắt cũng là lúc anh Hưởng và gia đình lại trở về mưu sinh với cuộc sống thường nhật
 
Hy sinh vì nghệ thuật

 
Gia đình đã có truyền thống 4 đời theo sân khấu hát bội, đoàn hát bội Liên Hữu (Châu Thành) của ông Trần Văn In không chỉ biểu diễn phục vụ trong tỉnh, mà còn được cấp phép lưu diễn nhiều ở trong tỉnh, thành vào các dịp lễ Kỳ Yên, cúng đình. Những nghệ sĩ trong đoàn là con, cháu trong gia đình, họ được truyền dạy theo “cha truyền con nối”, với mong muốn được phô diễn tài năng dưới ánh đèn sân khấu. Đã từng nhận huy chương, bằng khen ở những liên hoan sân khấu trong và ngoài tỉnh, đoàn hát được nhiều người nhớ và chào đón. Năm nay đã 78 tuổi, ông In dành trọn cuộc đời gắn với nghệ thuật hát bội. Vào nghề khi chưa đầy hai mươi tuổi, ông In không chỉ là kép chính, mà còn tự biên soạn nhiều trích đoạn tuồng để tạo sự phong phú cho đoàn biểu diễn.
 
Với hát bội, người nghệ sĩ phải cống hiến hết mình khi lên sân khấu. Để tạo một chỗ đứng trong nghề, ngoài có nhiều đào, kép hay thì đoàn hát phải tự trang bị cho mình phục trang đẹp, bắt ánh đèn sân khấu, dàn âm nhạc đầy đủ… mới thu hút được khán giả đến với mình. Họ đi diễn vì niềm đam mê, chứ mỗi người chỉ được vài chục, vài trăm ngàn đồng thù lao mỗi đợt lưu diễn, trong khi phải tự bỏ tiền túi mua sắm trang phục, đạo cụ. Qua mùa lễ hội, từ giã ánh đèn sân khấu, những người nghệ sĩ lại trở về với cuộc sống đời thường, phải bươn chải với nhiều công việc để mưu sinh. Người thì chạy taxi, người chạy xe Honda đầu, người đi làm hồ… để đảm bảo cuộc sống của mình. “Đi theo nghề này là vì đam mê, hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ là được đứng trên sân khấu, được diễn những tuồng hay và được khán giả đón nhận. Đó là lý do duy nhất khiến mấy anh em dù cuộc sống có khó khăn đến mấy cũng cố gắng theo đuổi” - anh Trần Văn Hưởng, con trai ông In chia sẻ.
 
Ông In, anh Hưởng đều cho rằng, chỉ cần còn khán giả chào đón thì họ vẫn theo đuổi nghệ thuật hát bội, vì máu đam mê đã ăn sâu vào da thịt. “Tôi không ép buộc con, cháu theo nghề, nhưng hầu như chúng đều rất thích. Do có máu đam mê sẵn có của gia đình nên mấy đứa cháu mới 6-7 tuổi chỉ cần tập vài ngày là có thể diễn được”- anh Hưởng nói
 
Theo Ánh Nguyên (TTMT)

Bạn đang đọc bài viết "Hát bội – “sống” cùng thời đại" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.