Gần 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, hơn 18 năm trên cương vị quản lý, cô Bùi Minh Tâm, Bí thư Chi bộ, hiện là Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông (THPT) Lương Thế Vinh đã trở thành một tấm gương sáng: “Gương mẫu, nhiệt huyết, hết lòng với sự nghiệp giáo dục, với học sinh thân yêu”. Chính tình yêu thương dành cho thế hệ trẻ đã thôi thúc cô luôn làm việc bằng cả tâm huyết với mong muốn “góp nhặt những viên đá tình thương để xây dựng ngôi trường hạnh phúc”. Tôi may mắn được là học trò cũ của cô và hạnh phúc hơn khi hơn 40 tuổi đời vẫn luôn được cô sẵn sàng chia sẻ, động viên, khích lệ tinh thần, giúp tôi thêm vững tin trong công việc, cuộc sống.
Tốt nghiệp Khoa Toán Trường Đại học Sư phạm TPHCM năm 1993, về nhận công tác tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, Quận 1. Cô được phân công dạy Toán lớp 10A4. Sau nhiều năm phấn đấu, năm 2004 cô Tâm được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh. Từ một ngôi trường bán công với điểm đầu vào thấp nhất thành phố, cô Tâm cùng Ban Giám hiệu, đội ngũ thầy cô giáo quyết tâm phấn đấu xây dựng một môi trường giáo dục tốt, quản lý tốt, dạy tốt và học tốt với phương châm: “Đẹp như công viên; Sạch như bệnh viện; Kỷ luật như quân đội; Chất lượng ngang bằng các trường THPT trên địa bàn Quận 1”.
Ngay từ buổi đầu thành lập (9/2004), trường nằm ở khu vực nổi tiếng phức tạp “Cầu Kho, cầu Muối”, điểm chuẩn lớp 10 gần như thấp nhất thành phố, học sinh đa phần sinh sống ở gần khu vực này, phụ huynh nơi khác không ai muốn gửi con vào học. Cô Tâm cùng Ban giám hiệu trường đặt ra nhiều mục tiêu để xây dựng và phát triển, như: ưu tiên tuyển chọn những giáo viên, sinh viên ngoại tỉnh tốt nghiệp loại giỏi từ các trường Đại học Sư phạm TPHCM, ĐH Sài Gòn; Mời giáo viên từng giảng dạy tại các trường THPT Bùi Thị Xuân, Marie Curie đã về hưu về trường dạy thỉnh giảng hoặc làm công tác bồi dưỡng, hướng dẫn giáo viên trẻ; xây dựng đội ngũ giám thị là bộ đội phục viên, cán bộ quản lý giáo dục về hưu gồm 11 người. Đồng thời, thành lập Ban cố vấn chuyên môn với sự góp mặt của nhiều GS.TS của Đại học Sư phạm TPHCM, Đại học Sài Gòn để dự giờ góp ý chuyên môn, phương pháp giảng dạy, giáo án cho giáo viên trẻ của trường; Lập Hội đồng kỷ luật, cầu nối tương tác giữa gia đình và nhà trường, tăng cường phối hợp giáo dục học sinh….
Chính sự kiên trì, chăm lo, đồng hành và hơn hết là tình yêu thương của thầy cô, học sinh nhà trường từ chỗ thiếu ý thức học tập, thường xuyên trốn học, đánh nhau đã có ý thức, nề nếp kỷ luật. Sau 3 năm, điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 của trường đã tăng lên ngang bằng với một số trường THPT trên địa bàn Quận 1 tạo được niềm tin của phụ huynh trong khu vực và các địa phương khác.
Năm 2013, cô Minh Tâm được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường. Với tinh quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và luôn đồng hành cùng thầy cô, học sinh trong mọi hoạt động của trường, cô tiếp tục đặt ra mục tiêu mới, xây dựng mô hình: “Những lớp học hạnh phúc trong ngôi trường hạnh phúc”. Cô lãnh đạo nhà trường thực hiện nhiều giải pháp đổi mới sáng tạo để xây dựng nhà trường với nhiều phương châm mang tính đột phá: “Đào tạo thế hệ công dân có nhân cách tốt, có đam mê trong học tập và tự chủ trong cuộc sống”.
Cô xây dựng được đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm, tâm huyết, gần gũi yêu thương học sinh, không chỉ truyền thụ kiến thức mà đồng hành, khích lệ, phát huy năng lực, sở trường của học sinh. Đồng thời, cô liên tục cập nhật đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới thi cử, kiểm tra, đánh giá, khuyến khích học sinh tự học, tự bồi dưỡng, tự đào tạo. Thầy cô lên lớp không áp đặt, tạo áp lực cho học sinh mà phải tạo cho các em không khí học tập thoải mái, đoàn kết, xây dựng “Lớp học vui vẻ, hạnh phúc” làm cho các em yêu thầy cô, yêu môn học và tích cực, tự giác học tập bằng sự đam mê, yêu thích. Tổ chức nhiều sân chơi kỹ năng với gần 15 câu lạc bộ đội nhóm (Văn học, Anh văn, Báo chí truyền thông, Nhiếp ảnh, sáng tạo trẻ…) do chính học sinh làm chủ nhiệm, xây dựng kế hoạch hoạt động để học sinh có cơ hội khẳng định mình, định hướng nghề nghiệp và là nền tảng cần thiết giúp học sinh tự tin bước tiếp những bậc học cao hơn.
Cô thường xuyên tổ chức các tiết sinh hoạt chủ nhiệm điểm để tập thể tham gia góp ý xây dựng, rút kinh nghiệm và nhân rộng. Hàng năm, tổ chức các hoạt động ngoại khóa kết hợp với giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm… mang lại cho học sinh các khối lớp nhiều trải nghiệm từ hoạt động thực tiễn. Ở nhiều môn học đã gắn kết cùng hoạt động của các câu lạc bộ với nhiều sản phẩm do học sinh thiết kế, sáng tạo. Từ đó, hình thành các dự án học tập để học sinh được học, được phát triển khả năng, năng lực thông qua vừa học vừa chơi.
Trong năm học đặc biệt 2021-2022, đợt bùng phát dịch lần thứ tư diễn biến phức tạp, kéo dài, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Nhằm giúp học sinh nắm kiến thức và chủ động tự học tập tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội, cô Tâm mạnh dạn áp dụng hình thức học online. Và trước khi triển khai dạy học trực tuyến, cô chuẩn bị các tài liệu hướng dẫn ngắn gọn, chi tiết dành cho giáo viên, học sinh và tổ chức các buổi tập huấn, dùng thử trước khi tiến hành dạy học chính thức.
Cô còn vận động mạnh thường quân và phụ huynh thực hiện Dự án “ATM thiết bị học tập online”, hỗ trợ 51 điện thoại thông minh đến các học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có thiết bị học trực tuyến, với tổng số tiền gần 138 triệu đồng, để kịp tham gia khai giảng trực tuyến ngày 4/9 và chính cô đem đến nhà trao tận tay từng học sinh, phụ huynh; trao tặng 5 suất học bổng đến các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha hoặc mẹ do dịch bệnh Covid-19, với số tiền 43 triệu đồng. Đồng thời, hỗ trợ 168 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mỗi em 700.000 đồng, tổng số tiền gần 118 triệu đồng. Cô phối hợp cùng chính quyền địa phương trao hỗ trợ 24 suất học bổng, mỗi suất 2 triệu đồng cho 24 học sinh thuộc diện hộ nghèo, với tổng số tiền là 48 triệu đồng.
Hình ảnh cô hiệu trưởng đi vào “tâm dịch” trao thiết bị học trực tuyến cho từng học sinh khó khăn đầu năm học, trao từng túi khoai lang tận nhà giáo viên không chỉ là sự san sẻ, đồng cảm mà trên hết, là sự đồng hành, tình yêu thương dành cho thầy cô và học sinh trong mọi hoàn cảnh. Chính vì thế, nhiều năm qua, nhà trường đón nhận rất nhiều đại biểu từ các trường trong và ngoài thành phố đến giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giáo dục và giảng dạy.
Cô Tâm chia sẻ: “Việc xây dựng lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc bắt đầu từ những trái tim biết cho đi yêu thương để rồi nhận lại được những quả ngọt chính từ sự yêu thương đó. Cô mong muốn thầy cô giáo hạnh phúc khi đến trường và mỗi ngày đến trường của các con thực sự là một ngày vui. Để xây dựng được ngôi trường Lương Thế Vinh như hôm nay là cả sự chung sức nỗ lực, hy sinh của tập thể sư phạm nhà trường, sự tin yêu của phụ huynh và sự vượt khó vươn lên của các thế hệ học trò”.
Cô Nguyễn Thị Gái, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Thành phố nhận xét: “Cô Bùi Minh Tâm là một cán bộ quản lý có nhiều đổi mới, sáng tạo. Với ngôi trường có 2 cấp học, việc quản lý rất vất vả nhưng cô Tâm đã luôn nỗ lực, tận tụy, nhiệt huyết và hoàn thành xuất sắc các vai trò, nhiệm vụ được giao, là tấm gương nhà giáo mẫu mực, tiêu biểu của ngành. Cô vinh dự đại diện Công đoàn Giáo dục Việt Nam tham dự Hội nghị Hội đồng Giáo giới Asean+1 lần thứ 36 được tổ chức tại Indonesia, với báo cáo tham luận chuyên đề “Giải pháp thu hẹp khoảng cách số trong giáo dục”.
Với hành trình gần 30 năm nỗ lực mang lại hạnh phúc cho học sinh và không ngừng lan tỏa những giá trị tốt đẹp, cô Bùi Minh Tâm đã xứng đáng và vinh dự được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp: là một trong 50 giáo viên TPHCM tiêu biểu vinh dự nhận giải Võ Trường Toản năm 2021; là một trong hai cán bộ quản lý tiêu biểu của TPHCM năm 2021 được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen; gương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cấp Thành phố năm 2017. Và cô vinh dự là một trong 50 giáo viên, cán bộ quản lý được trao tặng danh hiệu “Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 25 năm 2022” với nhiều đóng góp vô giá cho sự phát triển, an toàn, hạnh phúc của học sinh.