Hà Tĩnh cho phép dịch vụ xông hơi, massage, bi-a hoạt động trở lại

30/12/2021 17:15

Theo dõi trên

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Tĩnh vừa có thông báo kết luận của đồng chí Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh về việc triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 trước diễn biến mới. Các dịch vụ xông hơi, massage, bi-a được phép mở cửa trở lại từ 12h ngày 30/12/2021.

Chiều ngày 28/12/2021, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh họp rà soát, triển khai nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 trong điều kiện biến chủng Omicron đã xâm nhập Việt Nam và trong dịp lễ, tết đầu năm 2022. Sau khi nghe báo cáo tình hình dịch bệnh, ý kiến của các đại biểu dự họp, đồng chí Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh kết luận:

Hiện nay, một bộ phận người dân và cán bộ có tâm lý, biểu hiện chủ quan trong phòng, chống dịch COVID-19. Từ cuối tháng 11/2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận trung bình mỗi ngày khoảng 20 ca nhiễm mới (trong đó có nhiều ca cộng đồng và hơn 70% trường hợp đã tiêm 2 mũi vắc xin). Trước bối cảnh nguy cơ rất cao bùng phát dịch, nhất là sau khi ghi nhận biến chủng Omicron xâm nhập Việt Nam và các hoạt động tập trung đông người trong dịp Tết Dương lịch, Tết nguyên đán Nhâm Dần, các lễ hội xuân năm 2022;

3l0-69e70-1640857823.jpg
Tổng số ca mắc trên địa bàn toàn tỉnh cộng dồn từ 4/6 đến 18h ngày 29/12/2021 là 1.587 ca.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải yêu cầu Giám đốc (thủ trưởng) các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân, cán bộ tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, đảm bảo thực hiện 5K và các biện pháp phòng chống dịch, kể cả những người đã tiêm đủ liều vắc xin. Thường xuyên cập nhật đầy đủ tình hình, diễn biến nguy hiểm của dịch bệnh để nâng cao hơn nữa ý thức, tinh thần chủ động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của cấp ủy, chính quyền các cấp và Nhân dân; gắn công tác tuyên truyền với tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch.

Tiếp tục quản lý chặt chẽ người đến/về Hà Tĩnh: Yêu cầu bắt buộc người đến/về trên địa bàn phải thực hiện khai báo y tế. Các biện pháp cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, xác định nhiễm bệnh… thực hiện theo quy định của Bộ Y tế. Khuyến khích, vận động người dân không thuộc diện phải cách ly nhưng đến/về từ vùng nguy cơ cao, tự giác thực hiện biện pháp cách ly tại nhà để phòng ngừa, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Tăng cường các biện pháp kiểm soát, phát hiện các đối tượng có nguy cơ cao…

Ủy quyền và giao Sở Y tế căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế để ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quản lý cách ly y tế và áp dụng các biện pháp hành chính trong phòng, chống dịch COVID-19.

Công tác cách ly, điều trị ca nhiễm: Giao Sở Y tế hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục duy trì công tác cách ly các trường hợp F1, F0 không triệu chứng tại nhà theo đúng quy định. Trường hợp F0 không thuộc diện được cách ly tại nhà theo quy định hiện hành, nếu có sự cam kết của bản thân hoặc người nhà thì căn cứ vào tình hình thực tế để xem xét cho phép thực hiện cách ly tại nhà. Đảm bảo đủ thuốc điều trị, ô xy y tế, theo dõi sức khỏe chặt chẽ cho F0 để hạn chế bệnh chuyển nặng, nguy hiểm.

Về việc tiêm vắc xin phòng COVID 19: Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo sâu sát các xã, phường, thị trấn thực hiện đúng quy trình rà soát, lập danh sách đối tượng tiêm vắc xin trên địa bàn, nhất là các đối tượng trong độ tuổi, đủ điều kiện tiêm chủng nhưng chưa được tiêm. Thành lập các Tổ tiêm chủng vắc xin lưu động và thực hiện ngay việc tiến hành tiêm tại nhà cho các trường hợp khó khăn trong di chuyển. Đảm bảo 100% người trong độ tuổi, đủ điều kiện được tiêm chủng tiêm vắc xin (trừ trường hợp chống chỉ định) trước ngày 31/12/2021. Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin theo các kế hoạch tiêm của Sở Y tế.

Tiếp tục dừng các hoạt động, dịch vụ: Karaoke, vũ trường, các điểm cung cấp trò chơi điện tử, điểm truy cập internet công cộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Các hoạt động, dịch vụ: xông hơi, massage, bi-a được phép mở cửa trở lại từ 12h ngày 30/12/2021 cho đến khi có văn bản tiếp theo; yêu cầu, các cơ sở, người sử dụng dịch vụ phải tuân thủ, thực hiện nghiêm quy định 5K và các quy định phòng chống dịch của ngành Y tế và cấp có thẩm quyền.

d3d10d28f3d2398c60c3-1640857106.jpg
Dịch vụ: xông hơi, massage... được phép mở cửa trở lại từ 12h ngày 30/12/2021

Các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời không quá 100 người tham gia; người tham gia các hoạt động phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định hiện hành, tuân thủ thực hiện quy định 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên, đảm bảo giãn cách; người đang trong thời gian tự theo dõi sức khỏe và người có các biểu hiện sốt, ho, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... không được tham dự.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, địa bàn quản lý: (i) chỉ đạo các doanh nghiệp thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tới từng phân xưởng/khu vực sản xuất… để làm cơ sở yêu cầu doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm định kỳ cho người lao động trong các doanh nghiệp theo quy định; (ii) chỉ đạo các đơn vị quản lý khu dịch vụ (trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng) đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19; tổ chức kiểm tra, giám sát đánh giá việc thực hiện phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại các khu dịch vụ; (iii) yêu cầu chủ doanh nghiệp, chủ khách sạn thực hiện triệt để việc khai báo y tế.

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các lực lượng liên quan và địa phương thực hiện việc dừng hoạt động của Chốt kiểm soát liên ngành phía Nam của tỉnh kể từ 12h ngày 30/12/2021.

UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường quản lý, giám sát người đến/về trên địa bàn; căn cứ cấp độ và nguy cơ dịch để xem xét tạm dừng việc tổ chức các lễ hội, sự kiện... cuối năm tập trung đông người. Tăng cường sự kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương, Tổ tuyên truyền và giám sát phòng chống COVID tại cộng đồng, Tổ liên gia tự quản trong việc thực hiện các quy định, biện pháp phòng, chống dịch.

Sở Y tế (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo): (i) Thường xuyên cập nhật thông tin, đánh giá nguy cơ, dự báo tình hình, chủ động đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh chỉ đạo về chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch, nhất là phát hiện sớm biến chủng mới, tăng cường năng lực y tế cơ sở, không để quá tải hệ thống y tế; (ii) chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan rà soát các trường hợp nhập cảnh vào làm việc trên địa bàn tỉnh và các đối tượng có nguy cơ để triển khai các biện pháp, nghiệp vụ nhằm xác định, chủ động có biện pháp ứng phó với biến chủng Omicron xâm nhập địa bàn.

Các văn bản trước đây của Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh liên quan đến việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 có nội dung trái với Văn bản này thì thực hiện theo Thông báo này.

Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện các nội dung nêu trên, thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình và kết quả thực hiện về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Liên quan đến tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, theo số liệu thống kê của Sở Y tế, tính từ 4/11/2021 đến 18h ngày 29/12, toàn tỉnh phát hiện 251 ca cộng đồng, 128 ca trong các khu vực phong tỏa và 382 ca F0 từ các tỉnh miền Nam về trên địa bàn tỉnh được cách ly ngay. Tổng số ca mắc trên địa bàn toàn tỉnh cộng dồn từ 4/6 đến nay là 1.587 ca./.

P.V
Bạn đang đọc bài viết "Hà Tĩnh cho phép dịch vụ xông hơi, massage, bi-a hoạt động trở lại" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.